Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Bộ GD&ĐT làm rõ thực trạng, định hướng xây dựng văn hóa học đường

GD&TĐ - Thực trạng, định hướng xây dựng văn hóa học đường được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ tại hội thảo Hội thảo Giáo dục 2021 chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục-đào tạo" sáng 21/11.
Bộ GD&ĐT làm rõ thực trạng, định hướng xây dựng văn hóa học đường

Đã có nhiều giải pháp quyết liệt

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết: Từ các Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng của Đảng và hệ thống các quy định của Pháp luật liên quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn coi trọng và phát huy vai trò tham mưu của mình với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kịp thời Ban hành các chỉ thị, nghị định, các quyết định phê duyệt các đề án, chương trình cụ thể để chỉ đạo ngành Giáo dục và các bộ ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Một vài dẫn chứng điển hình như Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về “môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường”; Quyết định số 1299/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”; Quyết định số 1501/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; Chỉ thị số 31/CT-TTg về “tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV”... Gần đây nhất là Quyết định số 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”...

Từ nhận thức đúng về việc coi trọng xây dựng văn hóa học đường, toàn ngành Giáo dục đã tập trung triển khai có hiệu quả các văn bản nêu trên với nhiều cách làm sáng tạo; coi trọng nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng các kho dữ liệu, học liệu dùng chung và áp dụng mạnh mẽ trong công tác điều hành và quản lý của ngành; trong đó có việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Trên cơ sở đó, các nhà trường đã xây dựng phương án triển khai, thực hiện bộ quy tắc ứng xử của trường mình với sự tham gia và cam kết của các bên liên quan (cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh...).

Theo đó, ngành đã triển khai nhiều giải pháp bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; thể hiện những giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử như lòng nhân ái, vị tha, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, thái độ, trách nhiệm với bản thân, gia đình xã hội, phẩm chất trung thực trong học tập và trong cuộc sống, bảo đảm phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo và từng vùng miền.

Bộ GD&ĐT làm rõ thực trạng, định hướng xây dựng văn hóa học đường - Ảnh minh hoạ 2
Đại biểu dự hội thảo Giáo dục 2021 chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục-đào tạo".

Cũng theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuyển định hướng sang chú trọng phát triển cả phẩm chất và năng lực cho người học. Một trong những yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh từ cấp tiểu học cho đến THCS và THPT là trung thực.

“Nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường là cách thức để hướng tới mục tiêu quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo “việc học thật, thi thật”. Nhiệm vụ này đã được Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cụ thể hóa thêm một bước để chỉ đạo trong toàn ngành, đó là: “Để có được nền giáo dục thực chất, tự ngành giáo dục phải hành động, phải có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội”

Để mọi trẻ em, học sinh, sinh viên có được phẩm chất này, ngành Giáo dục luôn xác định, phải tạo sự chuyển hóa mạnh mẽ về chất; không chỉ là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn thế, đó còn là dày công tạo dựng, uốn nắn hành vi, thái độ ứng xử cho trẻ em, học sinh sinh viên.

Muốn vậy, mỗi thầy cô, mỗi cán bộ quản lý giáo dục, mỗi phụ huynh, mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp, các đảng viên và người cao tuổi phải thực sự có lối sống chuẩn mực, phải nêu gương về sự trung thực cho các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn quán triệt và coi trọng công tác chỉ đạo để thực thi nhiệm vụ này, liên tục uốn nắn đội ngũ với nhiều hình thức và giải pháp khác nhau.

Với cách thức chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường đã có những kết quả nhất định và góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên, mang đến cho các em một môi trường học tập an toàn, thân thiện và tích cực.

Đây chính là những nỗ lực tích cực nhằm hiện thực hóa mục tiêu “phát triển con người toàn diện” và “con người thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” đã được khẳng định trong Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” – Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ.

Bộ GD&ĐT làm rõ thực trạng, định hướng xây dựng văn hóa học đường - Ảnh minh hoạ 3
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tại hội thảo Giáo dục 2021 chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục-đào tạo".

Văn hóa học đường: Mục tiêu phấn đấu lâu dài của cơ sở giáo dục

Bên cạnh kết quả đạt được, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng cho biết còn những hạn chế tồn tại trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế biểu hiện của văn hóa học đường ở một số nơi, một bộ phận chủ thể (cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên, người lao động) trong môi trường giáo dục bị lệch chuẩn, gây ra những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội… Thực trạng ấy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, mà còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường học đường, giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành Giáo dục.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngành Giáo dục đã, đang và sẽ tiếp tục bám sát mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.

Một số định hướng được Thứ trưởng Ngô Thị Minh nêu ra như: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo quy định về xây dựng văn hóa học đường; xây dựng bổ sung và số hóa các tài liệu, học liệu giáo dục kỹ năng ứng xử cho học sinh, sinh viên.

Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Chú trọng giáo dục kỷ luật tích cực, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa học sinh, sinh viên với nhau. Nghiên cứu áp dụng các mô hình “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học”, “xây dựng trường học an toàn, thân thiện”. Cung cấp cho học sinh, sinh viên các kỹ năng ứng xử văn hóa, tạo môi trường học tập lành mạnh, trang bị các kỹ năng ứng xử trên môi trường mạng cho học sinh, sinh viên.

Bộ GD&ĐT làm rõ thực trạng, định hướng xây dựng văn hóa học đường - Ảnh minh hoạ 4
Đại biểu dự hội thảo Giáo dục 2021 chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục-đào tạo".

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, đổi mới hình thức sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện, phát triển năng lực và phẩm chất người học với nguyên lý học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội.

Rà soát các quy định hướng dẫn nhằm giảm bớt áp lực hành chính cho nhà trường, cho giáo viên, học sinh, sinh viên và khắc phục bệnh thành tích, hình thức. Kịp thời phát hiện và xử lý những tiêu cực, gian lận trong học tập, đánh giá, thi cử. Phát huy sự tham gia của phụ huynh học sinh vào các hoạt động của nhà trường.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực phẩm chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng vai trò nêu gương của cán bộ quản lý và thầy cô giáo về đạo đức, lối sống và hành vi ứng xử. Tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa phụ huynh với học sinh, với thầy cô và với nhà trường; phát động xây dựng ngân hàng học liệu điện tử các môn đạo đức, giáo dục công dân, nêu gương người tốt, việc tốt, thể hiện tình cảm, hành động yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè, gia đình, quê hương, đất nước.

Hướng dẫn, chỉ đạo và tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dụng số hóa trong công tác quản lý, điều hành nhà trường; phát huy vai trò, trách nhiệm của ban giám hiệu, của giáo viên chủ nhiệm, của tổng phụ trách đội hoặc bí thư Đoàn trường, kể cả trong các hoạt động trải nghiệm của học sinh, sinh viên.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tư vấn tâm lý học đường, hướng dẫn học sinh khai thác, sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh, hiệu quả; xây dựng các trường phổ thông trở thành một thiết chế của cộng đồng, có sự tham gia quản lý của Ban giám hiệu, chính quyền, phụ huynh học sinh, cộng đồng địa phương trong công tác phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng văn hóa học đường.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay, văn hóa học đường cần tiếp tục được xem như mục tiêu phấn đấu lâu dài của mỗi cơ sở giáo dục, đào tạo.

Xây dựng văn hóa học đường đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm của các cơ sở giáo dục với sự kết nối chặt chẽ đến gia đình của mỗi học sinh, sinh viên dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của toàn ngành Giáo dục.

Để thực hiện được một cách đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị và đề xuất với đối với Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đối với bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và UBND các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương cùng đồng hành, hỗ trợ ngành giáo dục để chúng ta luôn có những nhà giáo chân chính, những con người có bản lĩnh, có tầm nhìn và tận tâm với nghề, phát huy hiệu quả truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa và nhân cách con người Việt Nam, giúp các nhà quản lý và các nhà giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944