Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, 2 ĐH Việt Nam lọt top 1.000 thế giới

GD&TĐ - Một tuần phong phú thông tin về giáo dục, trong đó thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận là việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội; lần đầu tiên Việt Nam có 2 ĐH lọt vào danh sách 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS và những thông tin xung quanh kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội…
Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, 2 ĐH Việt Nam lọt top 1.000 thế giới

Trả lời trước Quốc hội nhiều vấn đề giáo dục “nóng”

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, tập trung vào những vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục như: thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường…

Đánh giá phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Bộ trưởng đã nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, với nhiều giải pháp thiết thực, quá trình thực hiện có lộ trình cụ thể. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm đối với những hạn chế, bất cập đối với lĩnh vực GD&ĐT. Phiên chất vấn của Bộ trưởng có nhiều đại biểu đăng ký, không khí chất vấn, trả lời chất vấn, tranh luận rất sôi nổi, sâu sắc, thẳng thắn.

Các Đại biểu Quốc hội và cử tri trong và ngoài ngành Giáo dục cũng có những đánh giá tích cực về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng. Bà Bùi Huyền Mai, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, thể hiện sự hài lòng và đánh giá cao khi Bộ trưởng không né tránh các câu hỏi khó của các Đại biểu.

Đại biểu Bùi Huyền Mai cho biết: Mặc dù lần đầu tiên Quốc hội thực hiện đổi mới trong chất vấn, hỏi nhanh, đáp gọn, thời lượng không nhiều, nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về cơ bản có phần trả lời tốt; đi thẳng vào những nội dung cụ thể, có minh chứng số liệu sống động, thể hiện nắm rõ thực trạng của Ngành, cũng như tinh thần cầu thị của Bộ trưởng đối với những vấn đề giáo dục được các Đại biểu Quốc hội nêu ra.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – đoàn Bến Tre đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đạt yêu cầu; trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu quan tâm, thẳng thắn nhận trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và nhận trách nhiệm của ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp chia sẻ với Bộ trưởng: Trong các vấn đề đều nóng, tìm ra câu trả lời đúng, trúng ngay để làm hài lòng cử tri là rất khó. Nhưng cách trả lời của Bộ trưởng, tôi đã thấy có được những giải pháp, lộ trình. Với quyết tâm và lộ trình cùng với các giải pháp cụ thể, lâu dài, hy vọng các bức xúc liên quan đến ngành sẽ được dần giải quyết.

Lần đầu tiên 2 ĐH Việt Nam lot top 1.000 thế giới

Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, 2 ĐH Việt Nam lọt top 1.000 thế giới - Ảnh minh hoạ 2
ĐH Quốc gia Hà Nội (xếp vào nhóm 801-1000) và ĐH Quốc gia TP.HCM (nhóm 701-750). 

Tin vui này được các báo đồng loạt đăng tải vào sáng 7/6. Theo đó, trong xếp hạng của QS World University Rankings (QS), lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học góp mặt trong danh sách 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới, đó là ĐH Quốc gia Hà Nội (xếp vào nhóm 801-1000) và ĐH Quốc gia TP.HCM (nhóm 701-750).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tổng kết phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chúc mừng ngành Giáo dục vì khi nghe thông tin. Trước đó, cũng trong phiên trả lời chất vấn sáng 6/6 về vấn đề giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, từ ba năm trước, Việt Nam đã đặt mục tiêu năm nay có trường ĐH lọt top 1.000 thế giới.

Thông tin trên dân trí, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng, “các kết quả đạt được trong những năm vừa qua tuy còn khiêm tốn, nhưng là bước tiến quan trọng”. Còn TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, đánh giá sự kiện “lọt top 1.000” trên vietnamnet: Đây là cột mốc quan trọng cho thấy đại học Việt Nam đã chấp nhận cuộc chơi đánh giá theo tiêu chuẩn toàn cầu, dù thứ hạng hiện tại vẫn còn rất khiêm tốn.

Trước đó, 6 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng QS Châu Á gồm: ĐHQG Hà Nội (vị trí thứ 139), ĐHQG TP.HCM (vị trí 142), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (thuộc nhóm 291-300), Trường ĐH Cần Thơ (thuộc nhóm 301-350) và ĐH Huế (nhóm 351-400), ĐH Đà Nẵng (vị trí 417).

Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, 2 ĐH Việt Nam lọt top 1.000 thế giới - Ảnh minh hoạ 3
Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn) nơi giáo viên Nông Hoàng Phúc đã công tác nhiều năm nay. Ảnh: Báo Lao động 

Cán bộ coi thi làm lọt đề thi vào lớp 10 của Hà Nội

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 của Hà Nội chính thức bắt đầu từ ngày 8/6. Đây là kỳ thi thu hút sự quan tâm lớn của nhân dân Thủ đô vì năm nay số lượng thí sinh dự thi tăng so với năm trước khoảng 12 nghìn. Trong ngày 8/6, hơn 94 nghìn thí sinh Hà Nội hoàn thành bài thi Ngữ văn và Toán. Đề thi được đánh giá khá tốt.

Tuy nhiên, sự cố xảy ra sau khi tính giờ làm bài khoảng 60 phút, trên mạng xã hội xuất hiện bản chụp tờ đề thi môn Ngữ văn khiến Sở GD&ĐT Hà Nội, công an thành phố Hà Nội ngay lập tức xác minh sự việc và tổ chức gặp mặt báo chí thông tin ngay trưa 8/6.

Giờ thi Toán, buổi chiều, sự việc lọt đề thi lại diễn ra tương tự như buổi thi sáng, dù an toàn, kỉ luật trường thi đã được quán triệt. Thông tin với báo chí chiều tối 7/6, ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội – cho biết đã xác minh được đối tượng làm lọt đề thi cả 2 môn Toán và Ngữ văn, đó là 1 giáo viên tên Nông Hoàng Phúc – Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn). Giáo viên này là cán bộ coi thi số 2 đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã đình chỉ giáo viên này ngay khi phát hiện và cho người khác vào thay.

Trường THCS Mai Đình (Sóc Sơn, Hà Nội) đã chính thức có quyết định tạm đình chỉ công tác 30 ngày đối với giáo viên Nông Hoàng Phúc để phục vụ công tác điều tra, xác minh sự việc trên.

Những người học đặc biệt

Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, 2 ĐH Việt Nam lọt top 1.000 thế giới - Ảnh minh hoạ 4
Cụ Lê Phước Thiệt trò chuyện cùng nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân. Ảnh: báo Người lao động 

Báo người lao động chia sẻ câu chuyện về cụ ông 85 tuổi ở Quảng Nam vừa tốt nghiệp cao học ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng để lấy bằng thạc sĩ.

Năm 2001, cụ Thiệt lấy bằng cử nhân ở một trường Đại học tại Mỹ sau gần 40 năm sinh sống tại đây. 2 năm sau, về quê nhà cụ quyết định đi học tiếp khóa cao học dù con cái ngăn cản.

Trong suốt 2 năm học tại Trường ĐH Duy Tân, cụ Thiệt luôn là học viên đến sớm nhất và chăm chỉ nhất: Bắt xe buýt từ huyện Đại Lộc 16 giờ chiều mỗi ngày, vượt hơn 40 km để đến Đà Nẵng rồi lại tiếp tục bắt xe ôm đến Trường ĐH Duy Tân. Cụ cũng là gương mặt thân quen đối với tất cả nhân viên của thư viện Trường ĐH Duy Tân khi ngày nào cũng tới đọc sách, tìm kiếm tài liệu trước giờ vào lớp học.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, sự cần cù và nỗ lực của bản thân, cụ Lê Phước Thiệt đã hoàn thành luận văn và bảo vệ tốt nghiệp thành công, ra trường theo đúng tiến độ đào tạo.

Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn, 2 ĐH Việt Nam lọt top 1.000 thế giới - Ảnh minh hoạ 5
Cô bé “chim cánh cụt” múa chính trong một tiết mục văn nghệ của trường. Ảnh: báo Lao động 

Báo Nghệ An có bài viết về Đặng Hùng Dũng - học sinh Trường THPT Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn, Nghệ An – với những nỗ lực đáng khâm vượt vượt qua nghịch cảnh gia đình để vươn lên trong học tập.

Bố mất sớm vì tai nạn giao thông, nhà Dũng vốn rất nghèo lại khó khăn hơn khi mẹ bị ung thư tuyến giáp. Có lúc nghĩ phải tạm dừng việc học để vừa chăm mẹ, vừa làm việc kiếm tiền, nhưng được gia đình, nhà trường, thầy cô, bạn bè động viên, hỗ trợ, năm lớp 11 cậu vẫn duy trì được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Ba môn Hóa học.

Đặc biệt, với đề tài “Hệ thống tự xả nước bồn tiểu nam”, dưới sự hướng dẫn của thầy Đậu Đình Nhàn, Dũng và một người bạn cùng lớp đã được trao giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học – kỹ thuật cấp tỉnh.

Báo Lao động chia sẻ câu chuyện xúc động về cô bé “chim cánh cụt” Hồ Thị Hồng Thắm – Trường THPT chuyên Long An. Sinh ra trong gia đình đặc biệt và rất nghèo, Thắm bị di truyền từ người bố nên chiều cao chỉ trên 1 mét, nhưng từ nhỏ cô bé đã học giỏi dù vừa đi học vừa phải bán vé số phụ cha mẹ.

Kết thúc lớp 11 (năm học 2017 - 2018), Hồng Thắm lại được khen thưởng học sinh giỏi. Không chỉ vậy, em còn là nòng cốt trong nhiều hoạt động của Đoàn trường. Mơ ước của Thắm là được vào Trường Đại học Y dược, nhưng ước mơ này không đơn giản với cô trò đặc biệt vì gia đình nghèo và bản thân bị khuyết tật, khó đủ sức khỏe đáp ứng ngành học.

Tác giả bài viết: ap

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944