Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Cần quy định về hướng nghiệp, phân luồng thế nào trong Luật Giáo dục sửa đổi?

Cần quy định về hướng nghiệp, phân luồng thế nào trong Luật Giáo dục sửa đổi?
GD&TĐ - Đa số ý kiến nhất trí bổ sung một điều quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên cơ sở phát triển và luật hóa các quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2015.

Đó là kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân được thực hiện bởi Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) – Thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) – từ các hội thảo, hội nghị, tọa đàm thảo luận về vấn đề này, cùng 812.591 ý kiến góp ý từ 53 sở GD&ĐT và góp ý từ các cơ quan, tổ chức có văn bản góp ý...

Luật hóa quy định về hướng nghiệp, phân luồng

Tổng hợp của Vụ Pháp chế, có 8 hội thảo, hội nghị, tọa đàm thảo luận về vấn đề này. Theo đó, cơ bản có hai loại ý kiến, cụ thể:

Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho hướng nghiệp và phân luồng trong thực tiễn triển khai; khắc phục hạn chế Luật Giáo dục hiện hành chưa quy định cụ thể, chưa thể hiện đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng về hướng nghiệp và phân luồng. Những quy định này đang được quy định trong các văn bản dưới luật, thực hiện ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm nên cần được nâng lên thành các quy định của luật để có giá trị pháp lý cao trong việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị: quy định về hướng nghiệp, phân luồng cần được cụ thể hóa hơn nữa. Chính sách phân luồng nên được quy định để xây dựng cơ chế tuyển sinh và đào tạo hợp lý, tránh sự bất cập giữa mục tiêu và cách thức thực hiện; đồng thời, việc hướng nghiệp và phân luồng nên thực hiện ngay từ bậc THCS.

Quá trình phân luồng cần có giai đoạn và lộ trình cụ thể, đồng thời có chính sách quy hoạch lại vị trí việc làm đối với cán bộ, giáo viên tránh tình trạng dôi dư hoặc là thừa thiếu cục bộ như hiện nay; cần phân tuyến học sinh theo khu vực nhằm tạo sự cân bằng về chất lượng, ổn định về số lượng giữa các trường (trừ các trường chuyên).

Ngoài ra có ý kiến đề nghị cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân để thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, theo đó các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: “Giáo dục trung học có trung học cơ sở và trung học toàn phần. Trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp. Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp. Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.

Tổng hợp 812.591 ý kiến góp ý từ 53 sở GD&ĐT (tính đến ngày 22/1/2019) về quy định về hướng nghiệp, phân luồng cho thấy, đa số ý kiến nhất trí bổ sung một điều quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên cơ sở phát triển và luật hóa các quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP và Quyết định số 522/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng quy định về hướng nghiệp, phân luồng cần được cụ thể hóa hơn nữa. Chính sách phân luồng nên được quy định để xây dựng cơ chế tuyển sinh và đào tạo hợp lý, tránh sự bất cập giữa mục tiêu và cách thức thực hiện; đồng thời, việc hướng nghiệp và phân luồng nên thực hiện ngay từ bậc THCS.

Quá trình phân luồng cần có gia đoạn và lộ trình cụ thể, đồng thời có chính sách quy hoạch lại vị trí việc làm đối với cán bộ, giáo viên tránh tình trạng dôi dư hoặc là thừa thiếu cục bộ như hiện nay.

Ngoài ra, cần phân tuyến học sinh theo khu vực nhằm tạo sự cân bằng về chất lượng, ổn định về số lượng giữa các trường (trừ các trường chuyên). Thực tế cho thấy có trường thiếu học sinh, thừa giáo viên và ngược lại. Trong khi trình độ năng lực của giáo viên giữa các trường như nhau, chế độ được hưởng như nhau vậy tại sao đối tượng học lại không thể như nhau? Chủ trương đưa trường về gần với học sinh để làm gì?

Có ý kiến cho rằng nên thẩm quyền phê duyệt nội dung giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hoặc giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình cụ thể của địa phương để có phương án phân luông hướng nghiệp sau tốt nghiệp.

Cần quy định về hướng nghiệp, phân luồng thế nào trong Luật Giáo dục sửa đổi? - Ảnh minh hoạ 2

Một số ý kiến cụ thể về phân luồng hướng nghiệp

Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN: Cần tách 2 khái niệm “hướng nghiệp” và “phân luồng” và không nên đặt 2 khái niệm này cùng 1 phạm trù vì hướng nghiệp liên quan đến nhu cầu, hứng thú và năng lực của cá nhân, trong khi đó “phân luồng” lại phụ thuộc vào sự phát triển KTXH của đất nước và gắn với thị trường lao động. Hơn nữa, “phân luồng” có xu hướng áp đặt, gây nên sự mất dân chủ. Đây là hai phạm trù thuộc 2 lĩnh vực: Nếu “hướng nghiệp” thuộc phạm trù của hoạt động giáo dục thì “phân luồng” thuộc phạm trù hoạt động của nhà nước và của sự quản lý. Kết luận: Bỏ chữ “phân luồng” và thêm chữ “tư vấn hướng nghiệp”.

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế: Bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ liên quan đến phân luồng và hướng nghiệp, bổ sung thêm 1 điều về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục Khoản 1 và 2 đã có trong phần giải thích từ ngữ nên không đưa thêm vào điều luật mà chỉ giử khoản 3.

Viện phát triển giáo dục và văn hóa Việt Nam: Phân luồng là hệ quả của các hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn chọn nghề, chọn con đường học tập cho từng cá nhân học sinh. Không nước nào ấn định tỷ lệ học sinh đi theo các hướng học tập khác nhau mà kết quả đạt được là do hiệu quả của các chính sách hướng nghiệp và ưu đãi đối với các hướng đào tạo khác nhau.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Bổ sung các định nghĩa về “hướng nghiệp” và “phân luồng” trong điều khoản định nghĩa để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực thi Luật; Bổ sung 1 điều quy định cụ thể về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục trên cơ sở phát triển và luật hóa các quy định tại Nghị định số 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng để đưa vào Dự thảo Luật; Sửa đổi, bổ sung các quy định về chương trình giáo dục phổ thông tại Điều 7 của Dự thảo để thể hiện tư tưởng, định hướng phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT; tạo điều kiện thuận lợi cho hướng nghiệp và phân luồng trong thực tiễn triển khai.

Trường ĐH Vinh: Trong Điều luật quy định về hướng nghiệp, phân luồng giáo dục, ngoài khoản 3 có quy định về vai trò của Chính phủ trong hoạt động này, thì cần có quy định thêm vài trò, trách nhiệm của các cơ sở đào tạo, gia đình, cộng đồng với việc hướng nghiệp, phân luồng cho giáo dục phổ thông. Bởi vì đây là hoạt động rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng hiện nay ở thực tiễn giáo dục, việc làm của Việt Nam.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944