Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Chuyển biến về tự chủ ĐH sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

GD&TĐ - Những chuyển biến của giáo dục đại học, trong đó có tự chủ đại học được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu” do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng nay (25/10).
Chuyển biến về tự chủ ĐH sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Kết quả tích cực từ 23 cơ sở giáo dục ĐH thí điểm tự chủ

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29, trong đó đặt ra mục tiêu: Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, sau 5 năm thực hiện bước đầu tạo ra những chuyển biến đối với giáo dục đại học.

Nghị quyết số 29 được ban hành vào năm 2013, đến năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 thí điểm đổi mới đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt thí điểm 23 trường thực hiện tự chủ. Đây là đợt thí điểm lớn nhất từ trước đến nay, tự chủ trên 3 phương diện mới là: Chuyên môn học thuật, tổ chức nhân sự bộ máy và tự chủ về tài chính.

Sau 5 năm, qua kết quả thí điểm của 23 cơ sở đại học, Chính phủ và Bộ GD&ĐT đánh giá đã đạt kết quả tích cực, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học.

Những nội dung sửa đổi đó đã được đưa vào dự thảo Luật. Quốc hội đã có ý kiến và dự kiến cuối năm 2018 sẽ thông qua để thể chế hóa chính thức những chủ trương, chính sách đã thực hiện trong những năm qua. Chúng ta phải thể chế hóa vì thời gian thí điểm 2014-2017 đã hết.

Chuyển biến về tự chủ ĐH sau 5 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh hoạ/ Internet

Trong Nghị quyết 29 nhấn mạnh việc xây dựng một số trường ĐH, các ngành học mang tầm quốc tế. Các cơ sở giáo dục ĐH trong những năm qua đã ý thức được việc xây dựng uy tín, chất lượng, hội nhập với thế giới. Các trường 5 năm trước đã được kiểm định (117 trường), hơn 100 chương trình được kiểm định quốc tế...

Thứ trưởng cho biết: Với nỗ lực của các trường, đến nay theo số liệu mới nhất có 7 trường nằm trong top 500 trường Châu Á và 2 đại học lọt top 1.000 của thế giới. So với các trường lớn trên thế giới, so với quy mô ngân sách, đầu tư của chúng ta còn khiêm tốn nhưng bước đầu những đối mới đã đúng hướng, khả quan. Hy vọng với cơ chế đẩy mạnh tự chủ, sắp tới chúng ta sẽ có những trường phát triển hơn nữa.

Công bố quốc tế tăng mạnh

Ngoài hội nhập và kiểm định, theo Thứ trưởng, các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế. Có một thời gian dài, nguồn thu của các trường dựa nhiều vào học phí; việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế chưa được quan tâm, mà chúng ta biết, các trường muốn được xếp hạng quốc tế phải có yếu tố nghiên cứu khoa học.

Trong những năm gần đây, các trường đã được quan tâm đầu tư và tạo cơ chế thích hợp để thúc đẩy những nghiên cứu khoa học. Trong 2 năm gần đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước đây cộng lại. Điều đó dẫn đến thứ hạng của các trường đại học của chúng ta tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Nghị quyết 29 cũng nhấn mạnh đến phát huy về phẩm chất, năng lực của người học. Trong các quy chế các trường bắt đầu tham khảo các chương trình đào tạo của nước ngoài, ý kiến của doanh nghiệp, nhu cầu xã hội để đổi mới chương trình, nội dung phương pháp giảng dạy phù hợp.

“Quan sát ở các trường đại học, các thầy cô giáo đã đổi mới phương pháp, phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên. Khá nhiều trường các em sau khi tốt nghiệp hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao xã hội.

Như vậy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, chúng ta hoàn toàn có niềm tin nếu tiếp tục đổi mới, thể chế hóa đường lối và quan tâm, hỗ trợ với những trường đại học có kết quả tốt, tôi tin tưởng sắp tới sẽ có nhiều trường góp mặt vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhận định.

Tác giả bài viết: Việt Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944