Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Đại biểu Quốc hội: Xã hội hóa sách giáo khoa thành công bước đầu

GD&TĐ - Khi xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa có thành công bước đầu, nhiều người đặt vấn đề: Bộ GD&ĐT có nên tiếp tục biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa hay không?
Đại biểu Quốc hội: Xã hội hóa sách giáo khoa thành công bước đầu

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) – Phó Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có chia sẻ với Báo GD&TĐ.

- Quan điểm của đại biểu về xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa như thế nào?

- Thực hiện chủ trương một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một số sách giáo khoa; khuyến khích xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách; thực hiện tiết kiệm ngân sách Nhà nước; ngay khi có chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục, nhiều nhà xuất bản đã tích cực vào cuộc mời tác giả, tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Vì thế, tôi rất ủng hộ chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sách giáo khoa là sản phẩm đặc thù nên chúng ta phải quản lý được. Chúng ta phải có cơ chế kiểm soát, dĩ nhiên trong trường hợp này, Nghị quyết của Quốc hội đã có nội dung về tăng cường giám sát.

Nêu ra vấn đề này, chính là chúng tôi cũng đang giám sát Nghị quyết của Quốc hội. Cá nhân tôi cũng luôn theo sát các Nghị quyết Quốc hội, trong đó có Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa và có ý kiến ngay về việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Tôi cho rằng, đây là giải pháp chống độc quyền và tiết kiệm được ngân sách Nhà nước, vừa giúp Nhà nước giảm được số nợ (ODA). Quan trọng hơn là tạo ra được tâm lý tốt, ổn định trong xã hội.

- Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa?

- Tôi nghĩ rất tốt. Cùng một lúc chúng ta có 5 bộ sách giáo khoa đối với lớp 1. Khi làm những bộ sách này, gần như toàn bộ trí tuệ của ngành Giáo dục được tập trung vào đây. Những nhà khoa học đầu ngành, người lão luyện nhất đứng ra biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa. Ngành Giáo dục đã chú trọng vào chất lượng những bộ sách này. Có thể nói, sau khi có Nghị quyết 88 của Quốc hội, ngành Giáo dục, các tổ chức cá nhân đã bắt tay vào làm, thậm chí chưa có tiền nhưng họ đã làm rồi. Như vậy là quá tốt.

Thẳng thắn mà nói, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã tạo ra chính sách tốt cho công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Nói cách khác, Nghị quyết này đã thúc đẩy chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; đó chính là ưu điểm của Nghị quyết.

Ngoài ra, chúng ta phải cảm ơn các nhà xuất bản vì họ đã nắm bắt, triển khai rất nhanh chủ trương này. Tôi được biết, có những nhà khoa học làm bộ sách giáo khoa bằng cả tâm huyết của mình. Bởi họ muốn làm, cống hiến cho ngành Giáo dục, xã hội và các thế hệ học sinh – tương lai của đất nước, chứ không phải làm vì tiền bạc. Điều đó rất đáng trân trọng!

Đại biểu Quốc hội: Xã hội hóa sách giáo khoa thành công bước đầu - Ảnh minh hoạ 2
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: TG

- Nghị quyết 88 của Quốc hội có giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để "chủ động triển khai Chương trình GDPT mới". Tuy nhiên, với những gì đại biểu vừa phân tích, có cần thiết có thêm sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn bằng tiền ngân sách Nhà nước hay không?

- Theo tôi là không cần thiết, vì nó lãng phí ngân sách Nhà nước. Chúng ta không nên lãng phí ngân sách để "đuổi theo" xã hội hóa. Đúng là Nghị quyết 88 của Quốc hội có giao Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để "chủ động triển khai Chương trình GDPT mới"; nhưng nếu Bộ tiếp tục làm, có nghĩa sẽ phải bỏ ra nhiều triệu USD để làm một bộ sách; trong khi chúng ta đã và đang thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa rất tốt, bằng chứng là đã có 5 bộ sách lớp 1 được duyệt, sẵn sàng phục vụ năm học 2020 - 2021.

Hơn nữa, nếu Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa, thì 5 bộ sách được biên soạn theo phương thức xã hội hóa đã được phê duyệt sẽ bị đặt vào tình thế khó xử. Lẽ tất nhiên, 5 bộ sách này sẽ phải cạnh tranh với bộ sách của Bộ GD&ĐT. Điều này có thể dẫn đến các địa phương, trường học có xu hướng lựa chọn bộ sách của Bộ GD&ĐT; làm suy giảm, tiêu diệt chủ trương xã hội hóa trong GD-ĐT nói chung và biên soạn sách giáo khoa nói riêng.

Vì vậy, theo tôi Bộ GD&ĐT dừng lại việc biên soạn sách giáo khoa đúng và hợp lý. Hãy để các bộ sách giáo khoa được biên soạn theo chủ trương xã hội hóa trên cùng một mặt bằng, để cùng cạnh tranh lành mạnh với nhau. Chúng ta không nên gây ra những xáo trộn không cần thiết trong dư luận xã hội.

- Xin cảm ơn đại biểu!

Tôi đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ dừng việc Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ sách giáo khoa và báo cáo tại Quốc hội. Tôi tin, làm gì tốt cho dân, Quốc hội sẽ làm. - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944