Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Đồ dùng dạy học tái chế: Giảm kinh phí, tăng sáng tạo, trải nghiệm

GD&TĐ - Từ những nguyên vật liệu phế phẩm như biểu bảng, bàn ghế cũ..., giáo viên mầm non (MN) tại huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã tận dụng để xây dựng thành mô hình, đồ dùng dạy học cho trẻ.
Đồ dùng dạy học tái chế: Giảm kinh phí, tăng sáng tạo, trải nghiệm

Sân chơi thú vị, sáng tạo cho học sinh

Trong điều kiện đầu tư cho giáo dục MN còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thạnh - huyện vùng ven của TP Cần Thơ khuyến khích trường mầm non, mẫu giáo tái chế những nguyên liệu thành đồ dùng dạy học. Với sự sáng tạo, khéo léo, các cô giáo đã tạo được sân chơi thú vị và đầy sáng tạo cho HS.

Theo ông Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, hằng năm, ngành GD đều cấp đồ dùng học tập cho các trường. Nhưng để đáp ứng cho các tiết dạy thì không đủ. Do đó, ngành đã chỉ đạo nhà trường, ngoài sản phẩm được cấp thì làm thêm đồ dùng dạy học. Thời gian qua, các trường trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc tái sử dụng các sản phẩm, vật dụng làm đồ dùng dạy học. Ngoài việc giúp các trường giảm chi phí, còn giáo dục HS biết bảo vệ môi trường, biết tiết kiệm.

“Nhờ tái sử dụng các sản phẩm, mỗi đơn vị tiết kiệm vài chục triệu đồng/năm. Với khoản tiết kiệm này, ngành tổ chức các buổi thực tế, hoạt động chuyên môn; tham quan học hỏi các đơn vị trường trong và ngoài thành phố”, ông Liếng cho biết.

Thấy sản phẩm GV tạo nên từ những nguyên liệu tái chế đẹp, thân thiện, phụ huynh cũng tham gia ủng hộ nhiệt tình. Nhiều người đóng góp đồ dùng tái chế cho trẻ thực hiện sản phẩm, góp phần cùng nhà trường giáo dục trẻ bảo vệ môi trường. Cô Tôn Hoàng Oanh, Hiệu trưởng Trường MN Thạnh Quới (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Không gian vừa chơi vừa học đã dạy cho trẻ nhận thức bảo vệ môi trường. Còn các bậc phụ huynh, khi đóng góp chai nhựa, hộp giấy cho trường cũng là lúc họ hiểu hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường...”.

Sau 5 năm triển khai phong trào tái chế những nguyên liệu từ nhựa, nhôm và giấy để làm đồ dùng dạy học, các trường MN tại huyện Vĩnh Thạnh giải quyết được bài toán thiếu kinh phí đầu tư cho trang thiết bị dạy học. Kết quả được phụ huynh, HS đón nhận chính là bài học bổ ích về bảo vệ môi trường tại nhà và trường học.

 “Lúc đầu thầy cô giáo xin nguyên vật liệu tái chế để cùng HS thực hiện sản phẩm, một số phụ huynh tỏ ra lo ngại. Sau khi cô trò hoàn thiện sản phẩm, HS rất thích nên phụ huynh tin tưởng và ủng hộ. Những năm gần đây, trường rất thuận lợi trong việc tự tạo đồ dùng dạy học từ vật liệu tái chế”, cô Lê Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường MN Thạnh Mỹ (Vĩnh Thạnh) cho biết.

Đồ dùng dạy học tái chế: Giảm kinh phí, tăng sáng tạo, trải nghiệm - Ảnh minh hoạ 2
Mô hình ngôi nhà Tây Nguyên tại Trường MN Thạnh Mỹ được giáo viên và học sinh trang trí bắt mắt.

“Điểm sáng” hút học trò

Nhờ sự linh động, khéo léo, các giáo viên MN ở huyện Vĩnh Thạnh tạo ra nhiều sản phẩm từ vật liệu tái chế bắt mắt, thu hút HS. Nhiều trường tận dụng biểu bảng và tấm tôn để tái chế lại thành các bồn, chiếc xuồng trồng rau xanh. Nhờ đó, trẻ được làm quen với các loại rau, biết được tên gọi, đặc điểm rau, củ, quả. Trẻ được trải nghiệm cùng với cô giáo bằng cách tự tay gieo trồng, tự chăm sóc và thu hoạch…

Để giảm thiệt thòi cho trẻ em vùng nông thôn thiếu điều kiện tham quan, nhiều trường mầm non, mẫu giáo tại huyện Vĩnh Thạnh còn tận dụng vật liệu đã qua sử dụng tạo nên những không gian văn hóa, du lịch. Qua đây, trẻ được mở rộng kiến thức về danh lam, thắng cảnh, đặc trưng vùng miền.

Cô Lê Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường MN Thạnh Mỹ cho hay: “Trường thuộc vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn, HS ít được đi tham quan hay du lịch. Do đó, trường thực hiện các mô hình theo chủ đề, chủ điểm từng tháng. Sau những chủ đề này, nhà trường còn xây dựng thêm các mô hình 4 ngôi nhà đặc trưng cho các vùng, miền: Ngôi nhà vùng núi (Nhà rông), ngôi nhà miền Trung, ngôi nhà miền Nam và ngôi nhà miền Bắc. Thông qua hoạt động, nhà trường giới thiệu cho trẻ các phong tục, tập quán của từng vùng miền. Trẻ còn được trải nghiệm bằng cách hóa thân là người bán hàng theo vùng miền, biết đặc sản của từng vùng miền mà trẻ được hóa thân…”.

Theo ông Nguyễn Văn Liếng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT, Vĩnh Thạnh là huyện xa thành phố, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Chủ trương tái chế vật dụng thành đồ dùng dạy học phần nào giải bài toán kinh phí đầu tư thiết bị dạy học. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và giảm rác thải tại địa phương. Sau 5 năm thực hiện, thời điểm đầu chỉ có 5 trường tham gia, đến nay đã nhân rộng 21/21 trường mầm non, mẫu giáo tái chế vật dụng thành đồ dùng dạy học, đồ chơi. Tuy nhiên, một số trường điểm lẻ thực hiện còn nhiều khó khăn. Ngành GD  tiếp tục khắc phục và cải thiện để khuyến khích các trường thực hiện tốt hơn trong thời gian tới…

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944