Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Giải pháp để chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và 6 không...mất gốc

GD&TĐ - Triển khai chương trình với lớp 2 và lớp 6 cần điều kiện gì để tiếp nối mạch kiến thức cũ, bổ sung cái mới?
Giải pháp để chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và 6 không...mất gốc

Trao đổi của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – thành viên Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, Chủ biên Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; chuyên gia cao cấp Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) sẽ làm rõ những điểm mới cần lưu ý trước khi chương trình được áp dụng vào thực tiễn.

Không để đứt đoạn 

- Xây dựng chương trình lớp 2 và 6 mới, yếu tố kế thừa từ chương trình hiện hành được tính toán thế nào?

- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Kế thừa điểm tích cực của các chương trình, SGK đã từng được thực hiện là yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đồng thời cũng là tư tưởng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Vì thế, khi làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi thường xuyên quán triệt tinh thần này với các thành viên trong Ban soạn thảo.

Kinh nghiệm cho thấy, bất kỳ cải cách, đổi mới nào, nhất là về xã hội, nếu để đứt đoạn với truyền thống sẽ thất bại.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều cái mới nhưng vẫn có sự kế thừa chương trình trước đây.

SGK cũng vậy, khi giáo viên chọn sách, những bộ sách vừa thân quen, vừa mới mẻ thường được các thầy cô lựa chọn nhiều hơn.

- Với Chương trình lớp 2, lớp 6 nói riêng hay Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thì sao, thưa PGS?

- Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa: Khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung và Chương trình đối với lớp 2, lớp 6 nói riêng, bao giờ cũng có yếu tố kế thừa chương trình cũ.

Đó là điều chắc chắn và là việc tất yếu. Ngay như Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, mặc dù trước đây chưa có tên gọi hoạt động này, nhưng các nội dung giáo dục, mục tiêu và phương thức giáo dục học sinh đều có tính kế thừa. Chương trình mới bổ sung và hiện đại hóa hơn, nhằm bảo đảm tính hiệu quả của chương trình, đáp ứng yêu cầu của xã hội. 

Chẳng hạn trong chương trình hiện hành, nhiều trường đã làm khá tốt hoạt động giáo dục như: Tổ chức cho học sinh đi tham quan, khám phá, hoạt động thiện nguyện và truyền cảm hứng...

Chính vì thế, đến chương trình mới, những điểm tốt vẫn được kế thừa, phát huy nhưng có bổ sung thêm hoạt động mang tính chất rèn kỹ năng sống cho học sinh.

Ví dụ: Hướng dẫn học sinh biết cách quản lý cảm xúc, sự nóng giận, lo lắng, thậm chí là quản lý sự sợ hãi...

Qua đó, giảm tình trạng bạo lực học đường. Hay như trước đây, học sinh có thể lựa chọn tham gia hoặc không tham gia một số hoạt động ngoài giờ lên lớp nhưng bây giờ tất cả học sinh đều phải thực hiện, đó là hoạt động giáo dục bắt buộc.

Giải pháp để chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và 6 không...mất gốc - Ảnh minh hoạ 2
 GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.

Yếu tố đương nhiên

- Còn yếu tố chuyển tiếp được tính như thế nào?

- GS Nguyễn Minh Thuyết: Với tiểu học không có vấn đề gì, bởi học sinh lớp 2 đã học chương trình mới từ lớp 1.

Nhưng với lớp 6, phải tính đến yếu tố chuyển tiếp chương trình.

Trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học từ lớp 5 để lên lớp 6 học sinh có thể bắt nhịp Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Bộ cũng có hướng dẫn để học sinh lớp 9 sẽ tiếp nối được luôn chương trình lớp 10 trong năm 2022 - 2023. 

Ngoài ra, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành theo tinh thần phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học của chương trình mới với các cấp học. Đồng thời, Bộ có kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, vấn đề cơ sở vật chất và nhân lực cũng là yếu tố cần tính đến. Trước hết, về cơ sở vật chất, phải kịp thời bổ sung, hoàn thiện phòng học và phòng thí nghiệm. Vì năm học tới, cả khối lớp 1 và lớp 2 đều học 2 buổi/ngày. Cùng với đó, cấp THCS sẽ có một số môn mới: Khoa học Tự nhiên, phải có phòng thí nghiệm để bảo đảm việc dạy – học của thầy – trò.

Như vậy, có thể nói, yếu tố chuyển tiếp với chương trình lớp 2 và lớp 6 bao gồm cả nội dung chương trình, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Riêng về cơ sở vật chất và nhân lực, thẩm quyền không thuộc ngành Giáo dục, do đó rất cần sự vào cuộc tích cực của các địa phương và cơ quan hữu quan.

- PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Như tôi đã trao đổi, khi phát triển chương trình bao giờ cũng kế thừa, và yếu tố chuyển tiếp đương nhiên được tính đến. Chẳng hạn, học sinh lớp 5 đang học chương trình, SGK cũ. Sang năm lên lớp 6, các em sẽ học theo chương trình mới.

Tuy nhiên, khi dạy – học giáo viên vẫn phải dựa trên hiểu biết đã có (kiến thức cũ) của học sinh. Nghĩa là, chương trình luôn kế thừa và được bổ sung thêm nội dung mới. Chắc chắn giáo viên sẽ được tập huấn để có thể dạy học sinh, nên phụ huynh không phải lo lắng. Còn với lớp 2 không có gì lo ngại.

Thậm chí đối với những nơi năm ngoái chọn bộ sách của tác giả X, năm nay muốn đổi sang chọn sách của tác giả Y cũng không đáng lo ngại bởi các sách đều được viết theo một chương trình ấn định nên các nhà trường và phụ huynh yên tâm.

Giải pháp để chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và 6 không...mất gốc - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Trường Nguyễn Siêu tham gia ngày hội STEAM. Ảnh: Minh Phong

Điểm nhấn là học sinh biết làm gì

- Đâu là điểm nhấn của Chương trình lớp 2 và lớp 6 – năm học 2021 - 2022?

- GS Nguyễn Minh Thuyết: Để trả lời câu hỏi này, cần nhìn nhận cụ thể ở chương trình các môn học, bởi mỗi môn học mỗi khác. Ví dụ, chương trình môn tiếng Việt lớp 2 phải tăng cường rèn luyện cho học sinh kĩ năng đọc, viết. Nếu đến lớp 2, học sinh vẫn chưa đọc thông, viết thạo, các em sẽ không học được những môn học khác, thậm chí sẽ có khả năng tái mù chữ. Chính vì vậy, Ban soạn thảo chương trình đã tăng giờ tiếng Việt cho lớp 1, lớp 2; từ lớp 3 sẽ giảm dần thời lượng học môn học này. Tuy nhiên, có thể nói điểm chung nhất ở chương trình tất cả các môn học từ lớp 1 -12 là phải trả lời được câu hỏi: “Học xong chương trình lớp đó, học sinh biết làm gì?”.

- Giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 cần lưu ý điều gì?

- GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở lớp 6, điểm nổi bật là có hai môn học mới, gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Để thực hiện tốt chương trình 2 môn học này, trước hết, phải tập huấn thật chu đáo cho giáo viên, giúp thầy cô hiểu được bản chất của môn học mới và cách dạy học phù hợp. Môn Khoa học tự nhiên tích hợp các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý tích hợp các kiến thức Lịch sử, Địa lý. Tuy nhiên, giáo viên của ta chỉ được đào tạo theo đơn ngành. Vì vậy, giáo viên trong tổ chuyên môn cần phân công và phối hợp với nhau một cách khoa học để dạy học tích hợp hiệu quả. 

Các cơ quan quản lí giáo dục, tác giả SGK và mỗi thầy cô cần lưu ý đến công tác truyền thông, nhất là khi dạy tích hợp. Hơn bao giờ hết, các thầy, cô giáo phải vững vàng, tin tưởng vào năng lực bản thân, tin tưởng vào chương trình, rộng hơn là tin tưởng vào đổi mới giáo dục lần này. Ngoài ra, từ lớp 6, các môn học có nội dung hướng nghiệp cụ thể hơn.

Chương trình đã xác định nội dung giáo dục hướng nghiệp của từng môn học, nhưng trọng tâm của hoạt động này sẽ giao cho môn Công nghệ và Hoạt động trải nghiệm. Để dạy được Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6, giáo viên cũng cần đổi mới phương pháp dạy học.

- PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa: Tôi cho rằng, quan trọng là phía giáo viên. Đứng trước đổi mới giáo dục, chắc chắn giáo viên sẽ có những lo lắng nhất định nhưng đó là lo lắng cần thiết và tích cực.

Giải pháp để chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và 6 không...mất gốc - Ảnh minh hoạ 4
 PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa. Ảnh: Internet

Thực tế, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT, cùng với các địa phương đã có bước chuẩn bị về đội ngũ giáo viên. Theo đó, giáo viên được tập huấn về đổi mới chương trình, trong đó có nhiều nội dung về các chủ đề tích hợp, phương pháp dạy học tích hợp… nên không có gì đột ngột. Sắp tới, giáo viên tiếp tục tập huấn về nội dung sách giáo khoa của lớp 6, thầy cô sẽ lại được tập huấn về hai môn này rất cụ thể.  Chỉ cần giáo viên sẵn sàng và tin tưởng vào chương trình, có động lực đổi mới và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, chúng ta sẽ thực hiện tốt mục tiêu đổi mới giáo dục lần này.

- Từ kết quả thực hiện Chương trình, SGK lớp 1, gia đình và xã hội có vai trò như thế nào?

- GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi cho rằng, điều đầu tiên là đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phụ huynh học sinh cần có niềm tin vào đổi mới giáo dục lần này. 

Các thầy cô dạy chương trình mới cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Các nhà quản lý địa phương cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nếu sự quan tâm, đầu tư vẫn như xưa rất khó để giáo dục đổi mới thành công. Cho nên các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính... để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trước mắt là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thực tế, có nhiều địa phương quan tâm đến giáo dục, nhưng cũng có những địa phương cả năm cấp ủy không họp để bàn về vấn đề giáo dục. Hậu quả có thể không hiện hữu trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ có hại. Vì thế giáo dục cần phải được quan tâm đúng mức, đáp ứng được yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Xin trân trọng cảm ơn GS và PGS!

Giáo dục cần sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương cùng toàn xã hội. Đơn cử như, hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nếu không có phụ huynh và xã hội đồng hành rất khó để tổ chức hiệu quả và bảo đảm mục tiêu giáo dục của hoạt động. - PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944