Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Học tập suốt đời: Xóa rào cản trong tiếp cận tri thức

Học tập suốt đời: Xóa rào cản trong tiếp cận tri thức
GD&TĐ - Học tập thường xuyên, học tập suốt đời (HTSĐ) hướng đến xây dựng một xã hội học tập là niềm mong mỏi và cố gắng chung của toàn xã hội mà trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của ngành Giáo dục.

Chào mừng Tuần lễ HTSĐ năm nay, Bộ GD&ĐT lựa chọn chủ đề “Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người tự học suốt đời”. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về vai trò của việc đọc đối với sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội. 

Cần đa dạng hóa các hình thức học tập

Học tập suốt đời: Xóa rào cản trong tiếp cận tri thức - Ảnh minh hoạ 2Bà Vũ Thị Tú Anh 

Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) cho biết: Phát triển thói quen đọc sách là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành GD. GD không phải hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ phát triển trong nhà trường mà việc học tập phải được tổ chức ở trong cộng đồng rộng lớn như đất nước, quốc gia dân tộc, địa phương, cơ quan.

Bộ GD&ĐT phải là tấm gương đi đầu trong việc nêu gương tự đọc, tự học để trở thành công dân HTSĐ, xây dựng xã hội HTSĐ để phát triển đất nước.

Hơn lúc nào hết, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công cụ học tập được kiến tạo hết sức linh hoạt, đa dạng, tạo điều kiện cho người dân học mọi nơi, mọi lúc và có thể học theo chiến lược kế hoạch và mục tiêu cá nhân của mình. Học không chỉ để lấy bằng mà học để phát triển bản thân cũng như phát triển nghề nghiệp, đặc biệt học làm cho mỗi chúng ta có thể sống hạnh phúc hơn.

Theo bà Vũ Thị Tú Anh, trong cái học đó, chắc chắn vai trò của đọc, tự đọc là phương thức mà ai cũng có quyền được hưởng, ai cũng có trách nhiệm phải trau dồi. Mỗi công chức, viên chức, cán bộ, người lao động sẽ là tấm gương như vậy, có thể lan truyền phong trào thi đua mà Bộ GD&ĐT đã phát động.

“Không có rào cản để mọi người tiếp cận tri thức. Vì vậy, cần đa dạng hóa các hình thức học tập. Việc phát triển phong trào đọc sách cũng như tự đọc sẽ làm đa dạng hóa, làm phong phú thêm những phương thức học tập, cách thức học tập để ngành GD có thể giúp đỡ mỗi người trong xã hội đạt được mục tiêu của mình một cách nhanh nhất, hiệu quả, tiết kiệm nhất”, bà Vũ Thị Tú Anh chia sẻ.

Hướng tới xây dựng một xã hội học tập

Học tập suốt đời: Xóa rào cản trong tiếp cận tri thức - Ảnh minh hoạ 3
 GS.TS Nguyễn Tất Dong

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giá trị văn hóa đọc thể hiện ở cách làm, cách hành động.

Muốn có một thói quen đọc phải đưa người ta vào những hoạt động, từ những hoạt động đó, họ mới nảy nở nhu cầu đọc. Cần đưa vào các hoạt động cụ thể như hoạt động sản xuất, vui chơi, giải trí...

GS.TS Nguyễn Tất Dong đặt câu hỏi: Học để làm gì? Học cho mình phát triển đã khó nhưng học để góp một viên gạch nhỏ cho xã hội còn khó hơn nhiều. Đi học mới là nắm thông tin. Nhiều người cho rằng, nắm thông tin là chưa đủ, chỉ khi chúng ta xử lý thông tin, suy ngẫm, biến nó thành của mình mới thành tri thức.

Theo GS.TS Nguyễn Tất Dong, chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế tri thức. Nền GD của chúng ta là nền GD chia sẻ. Học tập của chúng ta là học tập để chia sẻ. Chia sẻ là sự phát triển bền vững trong điều kiện của một nền kinh tế tri thức.

Sắp tới, khi các trường ĐH triển khai xây dựng tài nguyên GD mở, chúng ta có kho tư liệu khổng lồ về học tập. Kho tư liệu ấy được chia sẻ cho mọi người một cách miễn phí; chúng ta sẽ có một xã hội học tập.

GS.TS Nguyễn Tất Dong nhấn mạnh: Cần tạo ra môi trường phi chính quy học tập để ai cần gì học đó. Song, môi trường đó, trong thời đại ngày nay, phải là môi trường số hóa. Mỗi người lao động chí ít cũng phải học bằng điện thoại của mình. Sắp tới học là phải học trong điều kiện công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, sách vẫn là quan trọng. Bởi vì chúng ta đọc trên mạng có khi hay nhưng chỉ tức thời, đọc sách với những ngẫm nghĩ, suy nghĩ mở ra cho mình nhiều cánh cửa.

Năng lực tự học rất quan trọng

Học tập suốt đời: Xóa rào cản trong tiếp cận tri thức - Ảnh minh hoạ 4Ông Tạ Ngọc Trí

Cũng cho rằng, năng lực tự học rất quan trọng trong việc xây dựng một xã hội học tập, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học cho biết: HTSĐ là kỹ năng cực kỳ quan trọng của thế kỷ 21. Nhìn lại lịch sử của chúng ta, ngay từ khi đất nước độc lập, Bác Hồ đã quan tâm đến vấn đề này. Có lẽ tấm gương về HTSĐ chính là tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

UNESCO đã đề ra bốn trụ cột quan trọng nhất của GD là: “Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại; Học để chung sống”. Với 4 trụ cột đó, việc học là cần thiết và có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người chúng ta.

Để chào đón thế kỷ 21 rất nhiều các tập đoàn lớn trên thế giới như Microsoft, Exxon Mobil… đã mời chuyên gia hàng đầu trên thế giới về các lĩnh vực khác nhau nghiên cứu xem con người thế kỷ 21 cần những kỹ năng gì? Và để chào đón thế kỷ 21, một cuốn sách trắng nghiên cứu về kỹ năng đó ra đời, trong đó người ta đặt ra các kỹ năng. Và một trong những kỹ năng quan trọng nhất là HTSĐ.

Ngày 26/12/ 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký Thông tư 32 ban hành Chương trình GDPT mới. Trong chương trình đó, chúng ta đề xuất 5 phẩm chất, 10 năng lực. Trong 10 năng lực đó, chúng ta có 3 năng lực cốt lõi, 7 năng lực cụ thể (năng lực các môn học). Ở 3 năng lực cốt lõi, chúng ta có năng lực tự học. Điều đó cho thấy, năng lực tự học rất quan trọng trong việc xây dựng một xã hội học tập trong thời gian sắp tới.

Tác giả bài viết: Trịnh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944