Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Khi giáo viên phải gánh nhiều vai

Khi giáo viên phải gánh nhiều vai
GD&TĐ - GV không chỉ dạy HS, mà còn phải cung cấp những kỹ năng GD cho chính phụ huynh. Bởi, không phải phụ huynh nào cũng đủ thời gian và sự bình tĩnh để hiểu về sự phát triển tâm lý, cũng như cách GD tốt nhất cho con mình.

“Mẹ yêu” ở trường

Thầy Đàm Tiến Nam (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) cho biết: Trong cuốn sách “Đến, đi và trở về” (cuốn sách do học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất bản, ghi lại những năm tháng thanh xuân dưới mái trường), có thể tìm thấy hình ảnh một cô giáo được gọi là “mẹ già kính yêu”, hay “siêu đại ca”, hoặc là “mẹ đẹp”… Những GV được HS gán cho nhiều biệt danh thật đẹp, thật đặc biệt chính là những thầy cô được các em tin yêu và tôn trọng.

Chị Nguyễn Hồng Minh (công tác tại VTV7) chia sẻ: “Có lần tôi hỏi một bé: “Cô giáo của con như thế nào?”. Con trả lời: “Cô giáo của con mắt to lắm!”. Tôi thốt lên: “Ôi thế cô xinh lắm nhỉ!”. “Không, mắt của cô to vì lúc nào cũng trợn lên thế này này...” - con miêu tả. Từ đó tôi rút ra một điều, ở trên lớp GV phản ứng với thái độ gì thì chắc chắn HS sẽ ghi nhận lại hình ảnh đúng như thế”.

Dẫn chứng về những ảnh hưởng của GV đối với HS, nhất là HS nhỏ tuổi, chị Hồng Minh kể: “Bạn của con tôi tâm sự: “Cô giáo của con không khiêm tốn đâu, cô rất kiêu căng! Cô bảo cô tinh lắm đấy, một con kiến đi qua cô cũng biết đấy! Con thì không tin như thế!”. Bản thân tôi nghe xong cũng giật mình. Làm thầy cô, làm cha mẹ lắm khi cũng thể hiện với bọn trẻ là người lớn biết nhiều. Nhưng chính trẻ con khi nghe người lớn nói quá lên cũng không tin và kể lại như một chuyện cười”.

Sự tận tâm của GV trên lớp cũng được học trò nhỏ tuổi ghi nhận. Phụ huynh này nhắc lại câu chuyện của cậu con học lớp 1: “Hôm nay có bạn ở lớp tè dầm mẹ ạ, con thấy một bãi nước to trong lớp. Cô giáo nói đấy là mồ hôi của bạn ấy, bạn ấy nóng quá nên mồ hôi ra rất nhiều. Nhưng con thấy có mùi và biết chắc là bạn tè dầm”. Chị hỏi: “Thế tại sao cô lại không nói là bạn tè dầm?”. Ngẫm một lúc cậu bé lớp 1 bảo với mẹ: “Cô nói thế chắc để bạn đỡ xấu hổ”. “Mỗi khi dạy con ở nhà, phân tích đến chuyện gì tôi lại thấy bóng dáng cô giáo của con ở trường trong câu chuyện và suy nghĩ của con. Tôi cũng học được rất nhiều điều từ GV của con qua những câu chuyện con kể”. Chị Hồng Minh cho biết rất ngưỡng mộ GV của con mình. Cô phải xoay xở một lúc với hàng chục đứa trẻ, với nhiều cá tính và tình huống dở khóc dở cười.

Khi giáo viên phải gánh nhiều vai - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa

Người dẫn dắt hạnh phúc của học sinh

PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục) cho rằng từ trước đến nay GV vẫn tập trung chủ yếu vào chuyên môn (dạy môn học của mình): “GV của chúng ta đang yếu nhất kỹ năng GD. Trong tổ chức hoạt động GD, trách nhiệm của thầy cô chủ nhiệm phải gần hơn với HS, phải theo dõi quá trình hoạt động và tiến bộ của HS. Có nhiều trách nhiệm của GV chủ nhiệm liên quan đến khía cạnh hiểu biết về HS trong lớp”.

PGS.TS Trần Thành Nam nhận thấy: “Kỹ thuật quản lý hành vi lớp học ở tầm cao không phải là một hệ thống kỷ luật chặt chẽ và nghiêm khắc. Trong quan hệ ứng xử với HS, phụ huynh, GV phải có sự khích lệ, động viên, không nhìn vào những điểm sai của HS mà phải nhìn ra được những hành vi tốt đẹp”.

“GV chủ nhiệm cần có một số kỹ năng tốt hơn, trong thời điểm này, khi đổi mới GD đang chú trọng đến GD cá nhân hóa. Mỗi GV chủ nhiệm cần phải có kỹ năng lập ra được hồ sơ về tâm lý, đặc điểm nhân cách, nhận thức, năng lực học tập... của HS. Để trên cơ sở đó, các hoạt động GD, dạy kiến thức cũng như rèn đạo đức cho HS phải được cá nhân hóa ở từng HS”- PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Vai trò của GV chủ nhiệm không giống như trước đây ngoài việc dạy học thêm một số trách nhiệm về mặt hành chính, tổ chức một số hoạt động sinh hoạt lớp cho HS. Để GD con người, GV chủ nhiệm cần phải có thêm nhiều kiến thức, trong đó có kỹ năng về GD cá nhân hóa từng HS”.

“GV có vai trò rất lớn, không chỉ dạy HS, dạy con cho những ông bố bà mẹ khác, mà còn phải làm thêm nhiệm vụ cung cấp những kỹ năng GD cho chính phụ huynh. Bởi, không phải phụ huynh nào cũng đủ thời gian và sự bình tĩnh để hiểu biết về sự phát triển tâm lý của con mình, cũng không phải phụ huynh nào cũng biết cách GD tốt nhất cho con mình. Do đó, có rất nhiều sự việc xảy ra ở trên lớp không xuất phát từ các thầy cô, mà từ vấn đề của gia đình. Nhiều khi chính GV phải là người kết nối với phụ huynh, là người tư vấn tâm lý GD cho phụ huynh” - PGS.TS Trần Thành Nam nhận định.

Kết quả GD HS hẳn không thể đo đếm bằng tiền lương, hay phần thưởng mà các giáo viên nhận được. Đó rất có thể là cảm xúc hạnh phúc khi GV được HS yêu quý, phụ huynh tin tưởng; hạnh phúc cũng là khi GV giúp được HS thay đổi, tiến bộ.

Tác giả bài viết: Thanh Tuấn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944