Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Kỷ luật tích cực - đề cao nhân văn trong giáo dục

GD&TĐ - Việc bãi bỏ quy định phê bình học sinh trước lớp được dư luận đánh giá là đề cao tính nhân văn trong giáo dục.
Kỷ luật tích cực - đề cao nhân văn trong giáo dục

Xét về góc độ tâm lý, “kỷ luật tích cực” chính là dạy học sinh cách ứng xử phù hợp, tế nhị, tạo điều kiện cho những điều tốt đẹp có cơ hội phát huy. 

Khuyến khích học sinh

Thông tư của Bộ GD&ĐT ban hành về Điều lệ trường Tiểu học, THCS, THPT có hiệu lực từ 1/11/2020 đã có một số thay đổi trong quy định kỷ luật học sinh. 

Theo đó, thay vì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, hay thông báo với cha mẹ nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. 

Điểm mới của Thông tư là giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp,  toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh. 

Đón nhận những điều chỉnh này, nhiều giáo viên cho rằng, quy định mới mang tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi hành vi của học sinh. Việc “nhắc nhở, giúp đỡ, động viên các em khắc phục khuyết điểm” thay vì phê bình trước cả lớp, trước toàn trường giúp học sinh cảm nhận được tình thương và sự quan tâm, tôn trọng của thầy cô đối với các em.

Theo bà Lê Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TPHCM, sứ mệnh của giáo dục bên cạnh việc dạy kiến thức còn góp phần hình thành đạo đức và nhân cách cho học sinh. Cốt lõi là dạy các em biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân và người khác. Bởi vậy, phê bình học sinh nơi công cộng là viêc không nên làm.

“Học sinh luôn chăm ngoan, học giỏi là mong mỏi của bất cứ giáo viên nào. Tuy nhiên, lứa tuổi học trò cũng khó tránh những khuyết điểm. Nếu giáo viên chỉ chăm chăm “vạch lỗi”, học sinh khó có thể tiến bộ bởi tâm lý xấu hổ, ức chế và tổn thương. Giáo viên cần lắng nghe, tìm hiểu những vướng mắc để kịp thời giúp học sinh tháo gỡ. Điều này sẽ giúp gắn kết giáo viên – học sinh và chắc chắn việc giáo dục, uốn nắn đạo đức các em cũng đạt hiệu quả hơn”, Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Anh nhấn mạnh. 

Là phụ huynh có con đang theo học THCS, chị Vũ Phương Anh (quận Long Biên – Hà Nội) chia sẻ: Không ít vụ việc đau lòng là hệ quả của những cuộc trách phạt từ người lớn trong gia đình hay từ thầy cô giáo. Bởi vậy, phụ huynh mong mỏi các con tới trường được các thầy cô ân cần chỉ bảo. Trước mỗi lỗi lầm của các em, kỷ luật là cần thiết nhưng tế nhị, chân thành luôn có sức mạnh cảm hoá tốt nhất. Cách làm này sẽ khiến lỗi lầm của học sinh được khắc chế và phụ huynh luôn an tâm. 

Gia đình – nơi ươm mầm giá trị sống

Theo chuyên gia tâm lý – Diễn giả Đào Ngọc Cường, Công ty cổ phần đào tạo đánh thức tiềm năng Việt (Thanh Hoá), các vấn đề liên quan đến tâm lý và hành vi của học sinh trước hết là trách nhiệm, vai trò của gia đình trong việc giáo dục con cái. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình chưa quan tâm sát sao, nuông chiều, chưa có kỹ năng trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ quá mải mê vào công việc mà không dành thời gian thích đáng cho con. Gia đình chưa phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để thường xuyên nắm bắt tình hình. Đây là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm kỷ luật.

Chuyên gia Đào Ngọc Cường nhận định: Gia đình giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái về thái độ sống. Ý thức trách nhiệm bản thân trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập và xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ cần lưu tâm đến đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhất là giai đoạn tâm sinh lý thay đổi có nhiều diễn biến phức tạp. Tùy vào từng cá nhân mà mức độ, thời gian thay đổi khác nhau. Cha mẹ cần quan tâm sát sao, làm bạn cùng con mới có thể nắm bắt và có những điều chỉnh kịp thời.

Từ góc độ một nhà giáo có thâm niên hơn 30 năm dạy dỗ học sinh “cá biệt”, thầy Đỗ Văn Giảng - Phụ trách Văn phòng Tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: Hướng dẫn kỷ luật học sinh theo tinh thần của Thông tư mới có thể khiến một số nhà trường lo ngại thiếu biện pháp mạnh với học sinh  khó có tính răn đe. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta không còn quan niệm “thương cho roi cho vọt” hay dùng những hình thức nặng nề để giáo dục. Các nhà giáo cần dựa vào tâm lý lứa tuổi, tâm lý từng cá nhân để giáo dục và uốn nắn học sinh cho phù hợp.

Theo thầy Đỗ Văn Giảng, thầy cô có vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh. Trước khi kỷ luật học sinh vi phạm, việc quan trọng nhất là tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân sự việc. Tránh việc chưa rõ đã kỷ luật hoặc có những việc làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Để khiển trách một học sinh vi phạm là việc làm rất dễ đối với giáo viên nhưng để học sinh phục và thay đổi cần đến kỹ năng quan trọng là thấu hiểu, chia sẻ, đồng cảm, lắng nghe của nhà giáo.

Học sinh là lứa tuổi nhạy cảm, bồng bột và chưa ổn định về tâm sinh lý. Bởi vậy, trong vấn đề trách phạt cần có biện pháp phù hợp, nhất là những hình thức kỷ luật công khai trước tập thể. Các nhà sư phạm cần hiểu rằng, chúng ta thường lấy trường hợp cụ thể để răn dạy một cộng đồng. Bởi vậy, mỗi trường hợp cần được cân nhắc thật kỹ, đồng thời cần tìm hiểu rõ nguyên nhân mới kết luận. Tránh làm quá mức cần thiết có thể gây ra hậu quả nặng nề hoặc gây tác dụng ngược. - Chuyên gia Tâm lý Đào Ngọc Cường 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944