Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Ý kiến từ cơ sở

GD&TĐ - Do dịch bệnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019 - 2020 đã phải điều chỉnh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm tổ chức an toàn, nghiêm túc, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Ý kiến từ cơ sở

Năm nay, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn mọi năm, dự kiến vào tháng 8/2020; thời điểm này cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành (Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019 và Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7/2020). Do vậy, sẽ không tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bảo đảm kỳ thi khách quan

Nguyên tắc của thi tốt nghiệp phổ thông là “học gì, thi nấy” để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hóa của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện đất nước phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các ý kiến đã thống nhất đây là kỳ thi thực hiện theo đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 và lộ trình đổi mới thi cử, đổi mới giáo dục đại học.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kỳ thi năm nay phải tổ chức lùi lại sau ngày 1/7, thời điểm Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực, vì vậy, kỳ thi phải bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và phương án được thảo luận đến bây giờ Bộ Tư pháp thấy rằng cơ bản đáp ứng đúng yêu cầu.

Để bảo đảm tính khách quan, công bằng và mặt bằng chung trong đánh giá, xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi tốt nghiệp cùng một thời điểm trong cả nước. Với bài thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh trong mỗi phòng thi sẽ có một mã đề thi riêng. Đề thi sẽ dùng chung cho cả học sinh giáo dục THPT và học viên GDTX.

Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; phù hợp với nội dung tinh giản chương trình học kỳ II đã được Bộ GD&ĐT công bố; nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa của đề thi cũng sẽ giảm đi so với các năm trước để phù hợp với mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phương án tổ chức thi đã được chuẩn bị chi tiết, các đại biểu bàn thảo kỹ, thống nhất cao. Bà Minh cũng tán thành đề xuất giao sâu thẩm quyền cho địa phương trong tổ chức kỳ thi để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, chất lượng, tiết kiệm kinh phí cho xã hội… phù hợp với hoàn cảnh đất nước đang phải chống dịch.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Tư pháp để xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020. Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT để có căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch, trên cơ sở đó cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ để điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.

Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về mặt kỹ thuật, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần coi đây là “biến nguy thành cơ”. Ngoài ra, ông Lâm cho rằng đề thi phải bảo đảm học được đến đâu thì ra đề đến đó, không tính quá trình học từ xa vì chất lượng và điều kiện học rất không đồng đều ở từng trường, từng địa phương, từng cá nhân HS.

Về phía những người giám sát thực hiện pháp luật, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, Luật Giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT quyết định. Về cơ bản, nếu làm đồng đều thì tính liên tục đồng nhất trong hệ thống vẫn được bảo đảm. Ông Thắng cũng nhắc lại quan điểm đây là cơ hội để các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh bằng một hình thức riêng mà không “dựa” vào Kỳ thi THPT quốc gia.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Ý kiến từ cơ sở - Ảnh minh hoạ 2
Thí sinh tại TPHCM bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Ý kiến từ cơ sở

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, đề thi nên bỏ phần kiến thức học kỳ II của lớp 12. Khi đó, các môn và bài thi có thể dựa vào học kỳ I lớp 12 và lớp 10, 11. “Trong trường hợp dịch bệnh phức tạp thì có thể giao Kỳ thi THPT quốc gia 2020 cho các sở GD&ĐT tổ chức. Không nên xét tốt nghiệp vì luật đã có quy định”, Thạc sĩ Sơn nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Thanh Thống, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Trí Đức, quận Tân Phú (TPHCM) nêu quan điểm: Bộ GD&ĐT đã công bố tinh giản chương trình, công bố đề thi mẫu đồng thời cũng đã lùi lịch thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2020 đến tháng 8. “Giả sử đến tháng 5 HS đi học trở lại, nếu chiếu theo lịch học và ôn tập đến ngày diễn ra kỳ thi thì mọi chuyện vẫn đúng tiến độ”, ông Thống nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TPHCM) cho rằng, chiếu theo đề thi minh họa và nội dung chương trình đã được tinh giản thì ngay lúc này, cơ bản HS cũng đã có thể tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. “Nếu bỏ thi ngay thì sẽ làm cho các em không còn động lực phấn đấu, thầy cô cũng không còn động lực dạy học. Bản thân các trường đại học cũng sẽ tổ chức thêm các kỳ thi riêng, lúc đó càng phức tạp hơn, nhất là trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay”, ông Độ nói.

Thầy Trần Mạnh Tùng, GV Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thầy mong muốn HS quay lại trường học sớm để được thi. Việc không thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ rất tai hại vì nhiều lý do. Đầu tiên, thí sinh, nhà trường và các địa phương sẽ bị động vì việc bỏ thi chưa nằm trong bất cứ kế hoạch nào, chưa có sự chuẩn bị, chưa có quy chế, chưa hình dung ra các tiêu chí, hình thức xét như ai xét, xét như thế nào trong khi HS lớp 12 đang ở cuối năm học. Thẩm quyền quyết định vượt tầm của Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, hủy thi khiến HS rất bị động và thiếu công bằng vì các em đã sớm lựa chọn học theo khối ngành, tổ hợp môn thi. Dù dịch bệnh, các em nghỉ học lâu dài, việc học trực tuyến, truyền hình nơi học tốt, nơi chỉ “xem tivi” cho có, thậm chí có nơi còn chưa học. Vì thế, chỉ có Bộ GD&ĐT mới hiểu rõ nội tình và có đề thi hợp lý, công bằng nhất cho HS năm nay. “Điều này, Bộ cũng đã thể hiện rõ trong phần tinh giản chương trình, qua đề thi minh họa, trong đó các câu hỏi khó chủ yếu tập trung học kỳ I, các câu hỏi cơ bản dồn cho học kỳ II”, thầy Tùng cho biết. 

Kỳ thi sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) chủ trì tổ chức. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế. Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi được bố trí bảo đảm tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường mình. Công tác thanh tra, giám sát sẽ được tăng cường để hướng tới kỳ thi được tổ chức an toàn, nghiêm túc, trung thực, khách quan. Theo đó, dự kiến ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, thanh tra của sở GD&ĐT, công tác thanh tra sẽ có thêm lực lượng thanh tra của tỉnh để thanh tra, giám sát tất cả các khâu của kỳ thi; nhất là các khâu in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi, công tác coi thi và chấm thi.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944