Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Minh bạch, hiệu quả - “chìa khóa” thành công xã hội hóa GD

GD&TĐ - Trong điều kiện ngân sách dành cho giáo dục ở nhiều nơi còn khó khăn thì hoạt động xã hội hóa (XHH) để đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động trong trường lớp là việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Minh bạch, hiệu quả - “chìa khóa” thành công xã hội hóa GD

Tuy nhiên, làm sao để XHH giáo dục có được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh (PHHS), XHH theo đúng nghĩa tự nguyện… lại đòi hỏi cách làm sáng tạo, hiệu quả từ các nhà trường.

Xuất phát từ tự nguyện

Năm học 2020 - 2021, cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai – Lào Cai) chuyển từ trường cũ về trường mới khang trang hiện đại. Các lớp học được trang trí sinh động bắt mắt, đầy đủ điều hòa, tủ sách, máy chiếu; phòng hội đồng, sân chơi, hành lang sạch sẽ, khung tranh treo tường, bồn hoa cây cảnh trang trí… đầy đủ đã mang đến cho mọi người cảm nhận môi trường giáo dục thân thiện với sự quan tâm, đầu tư lớn.

Cô Trần Thị Liên - Hiệu trưởng cho biết: Có được cơ sở vật chất đầy đủ, khung cảnh sư phạm sạch đẹp như hiện nay một phần không nhỏ nhờ sự ủng hộ của PHHS. Thông qua hoạt động XHH giáo dục, PH đã tự nguyện hỗ trợ và đồng hành với nhà trường trong hầu hết công việc từ trang bị cơ sở vật chất trường lớp, giáo dục trải nghiệm, làm sạch đẹp môi trường… 

Mọi đóng góp từ PHHS dù nhỏ nhất đều được nhà trường công khai và lưu tên trong sổ vàng đặt tại phòng truyền thống. Cùng đó ghi chép, công bố giá trị hiện vật, có biên bản xác nhận ủng hộ, số điện thoại đi kèm… Cách làm này khiến PHHS thấy được sự trân trọng của nhà trường với những ủng hộ từ vật chất đến tinh thần, dù lớn hay nhỏ.

“PHHS ủng hộ hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Ai có nhiều tặng nhiều, có ít tặng ít, không ủng hộ cũng thoải mái và không chịu bất kỳ sức ép nào từ nhà trường hay Ban đại diện cha mẹ HS bởi nhà trường không nhận ủng hộ từ nguồn quỹ lớp.

Thậm chí, nhiều PHHS không có điều kiện vật chất nhưng có mong muốn được ủng hộ bằng sức lao động, hỗ trợ nhà trường quét dọn vệ sinh trường lớp, góp ý việc đặt bình hoa cây cảnh, treo tranh ra sao cho đẹp hơn… nhà trường đều hoan nghênh và ghi nhận” – cô Trần Thị Liên chia sẻ.

Minh bạch, hiệu quả - “chìa khóa” thành công xã hội hóa GD - Ảnh minh hoạ 2
XHH giáo dục hiệu quả giúp nhà trường tăng cường cơ sở vật chất vào dạy học. Ảnh: Đức Trí

Trí tuệ PHHS vào trường học

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Du, ngoài ủng hộ về hiện vật, nhà trường đã XHH trí tuệ PHHS đưa vào trường học. Cách làm này, đã kêu gọi được nhiều PHHS phát huy năng khiếu, chuyên môn cùng đồng hành với nhà trường trên nhiều hoạt động và ở các lĩnh vực khác nhau. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Chị Hoàng Như Quỳnh – PHHS đang có 2 con học lớp 4A3 và 1A2 tại trường, đồng thời đang là GV Trường Mầm non Nam Cường (TP Lào Cai) cho biết: Nhiều năm nay, gần như trong các hội diễn văn hóa văn nghệ lớn nhỏ của nhà trường chị đều được mời đến để hỗ trợ dàn dựng các tiết mục, luyện thanh, tập kịch cho GV và HS, tư vấn hỗ trợ trang phục biểu diễn… Không tốn kém nhưng GV, HS vẫn có nhiều tiết mục văn nghệ hay tham dự và đoạt giải tại hội thi. 

“Việc kết hợp giữa phụ huynh, gia đình và nhà trường vô cùng quan trọng để giáo dục HS toàn diện. Điều đó cũng góp phần giảm “gánh nặng” cho GV với một số hoạt động tại trường lớp. Đồng hành, chia sẻ với nhà trường, GV cũng là trách nhiệm của mỗi PH. Chính vì vậy khi tham gia tôi cảm thấy vui, tự hào vì đã được giúp đỡ một phần nhỏ sức mình với nhà trường” - chị Quỳnh chia sẻ.

Anh Hồ Đình Kế - PH có con học lớp 5A tại Trường TH Nguyễn Du, hiện đang công tác tại Trung tâm hoạt động thanh, thiếu niên tỉnh Lào Cai là người giúp phổ nhạc bài hát truyền thống nhà trường cho biết: “Để hoàn thành công việc mà BGH tin tưởng giao phó, bên cạnh tâm huyết còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu những đặc trưng, nét đẹp văn hóa… đưa vào hòa âm phối khí.

Tôi thấy vui khi được tham dự vào các hoạt động. Được biết, hiện nay với phương châm XHH giáo dục trên lĩnh vực trí tuệ của PHHS mà nhiều hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học Nguyễn Du đang vận hành hiệu quả.

Nhà trường đã huy động được PHHS dạy ngoại ngữ giao tiếp cho HS; PHHS dạy GV và HS viết tin bài cho trang web của trường; PHHS hướng dẫn trong câu lạc bộ Robotics; PHHS trực tiếp tham gia và dạy trong hoạt động giáo dục trải nghiệm (nấu ăn, làm bánh, nước sinh tố…). 

XHH giáo dục phải được triển khai bằng chữ “tâm” đối với học trò. Hỗ trợ bằng hiện vật, kinh phí đáng quý và trân trọng nhưng đóng góp bằng sức lực, trí tuệ cũng quan trọng và hiệu quả không kém. Nhà trường luôn tạo điều kiện và giúp PHHS thấy được sự hỗ trợ đồng hành của mình là thiết thực. Lợi ích cuối cùng từ XHH trí tuệ mang lại là cho HS, vì HS, giúp các em được giáo dục và phát triển toàn diện. Chỉ khi nào XHH giáo dục thật sự minh bạch, rõ ràng, hiệu quả thì khi ấy mới “kéo” được sự chung tay, tâm huyết của xã hội và PHHS với nhà trường. Cô TRẦN THỊ LIÊN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944