Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Mô hình Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm: Phù hợp nền giáo dục hiện đại

GD&TĐ - Nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm trong công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc cải cách giáo dục chủ yếu quan tâm đến giáo dục phổ thông mà ít quan tâm đồng bộ đến cải cách, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên ở trường sư phạm.
Mô hình Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm: Phù hợp nền giáo dục hiện đại

Trường sư phạm chưa đáp ứng được nhu cầu cải cách của các trường phổ thông là một thực tế chúng ta buộc phải nhìn nhận.

Hai điểm bất cập

Thứ nhất, nội dung kiến thức giảng dạy ở bậc đại học và chương trình dạy học ở phổ thông không ăn khớp (kiến thức chuyên ngành và phương pháp dạy học). Các khoa Sư phạm không có mối liên hệ mật thiết với các Sở giáo dục. Đội ngũ giảng viên đại học ít có cơ hội tiếp xúc với thực tế phổ thông nên không nắm rõ về chương trình, không am hiểu thực tiễn giảng dạy. Mối quan hệ giữa hệ thống trường sư phạm với hệ thống trường phổ thông ngày càng lỏng lẻo.

Thứ hai, một trong những hệ quả của việc xa rời thực tế nói trên đó là sinh viên được học “lý thuyết” quá nhiều mà khả năng “thực hành” thì quá yếu kém. Khi bước chân vào thực tế giảng dạy (kiến tập, thực tập, đi dạy sau khi ra trường…), các em không bắt kịp những đổi mới ở phổ thông. Nguyên nhân có lẽ là vì “học không đi đôi với hành”.

Nhận thức sâu sắc những mặt hạn chế nói trên trong đào tạo sinh viên sư phạm, năm 2008 Trường Đại học An Giang đã thành lập TRƯỜNG PHỔ THÔNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM có nhiều cấp học. Sự ra đời của Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm là vô cùng phù hợp với xu hướng của nền giáo dục hiện đại trong thời kì hội nhập.

Thực tiễn từ Đại học An Giang

“Mỗi trường đại học sư phạm phải có ít nhất một trường thực hành sư phạm có quy mô phù hợp với yêu cầu thực hành sư phạm”. Nội dung này được quy định trong Quy chế Trường Thực hành Sư phạm của Bộ Giáo dục & đào tạo đã phần nào khẳng định được vai trò, vị trí của trường thực hành sư phạm trong công tác đào tạo giáo viên. Trường Phổ thông thực hành Sư phạm trực thuộc Trường Đại học An Giang đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Điều 3 của Quy chế Trường Thực hành Sư phạm.

Công tác phối hợp đào tạo sinh viên sư phạm luôn được trường chú trọng. Tại đây, sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên sư phạm Ngữ văn nói riêng có thể thông qua các hoạt động cụ thể ở trường để: “Tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục của trường trung học phổ thông; quan sát, tìm hiểu hoạt động giáo dục ở các khối lớp; tìm hiểu và thực hành các khâu chuẩn bị dạy học, các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên; dự một số hoạt động mẫu về dạy học và giáo dục của giáo viên trung học phổ thông, tập dượt một số hoạt động có chọn lọc về dạy học và giáo dục; dự một số giờ thực hành về nghiệp vụ do các giảng viên trường đại học sư phạm hoặc các giáo viên trường trung học phổ thông thực hiện tại trường thực hành”.

Hằng năm, trường Phổ thông Thực hành Sư phạm luôn kết hợp chặt chẽ với Khoa Sư phạm làm tốt công tác rèn nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, kiến tập sư phạm và thực tập sư phạm cho sinh viên của Đại học An Giang. Nhà trường xem đây là nhiệm vụ chủ đạo xuyên suốt trong năm học. Các hoạt động này luôn được thực hiện nghiêm túc, có kiểm tra nhắc nhở và rút kinh nghiệm qua mỗi đợt.

Thông qua các hoạt động kiến tập và thực tập này, sinh viên có cơ hội để học việc, tập sự những công việc của một người giáo viên về công tác chuyên môn, phong trào và cả hoạt động chủ nhiệm lớp. Bộ môn Ngữ văn, khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang cũng cử nhiều giảng viên xuống trực tiếp dự giờ thực tập cùng giáo viên phổ thông để cùng đánh giá kết quả thực tập của sinh viên.

Không chỉ tạo cơ hội cho sinh viên được học hỏi từ thực tế giảng dạy ở phổ thông, nhà trường và các giáo viên hướng dẫn còn đặc biệt chú ý nâng cao ý thức của của các em sinh viên sư phạm về công tác chủ nhiệm lớp, giúp cho các em nhận thức được công tác chủ nhiệm lớp có vai trò rất quan trọng trong giảng dạy, góp phần quyết định trong việc phát triển chất lượng giáo dục trong nhà trường và trong việc xây dựng nề nếp, kỷ cương trường học.

Không chỉ phối hợp đào tạo sinh viên sư phạm, Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm còn tạo điều kiện cho các giảng viên khoa Sư phạm Trường Đại học An Giang có cơ hội được dạy ở phổ thông để các giảng viên bắt kịp tình hình phổ thông, cập nhật, hoàn thiện và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy đại học của mình, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục đại học và phổ thông.

Kiến nghị và đề xuất

Việc thành lập Trường Thực hành Sư phạm trực thuộc các trường đại học là một gợi ý hay và thiết thực để cả giảng viên và sinh viên sư phạm nói chung và sư phạm Ngữ văn nói riêng có điều kiện tiếp xúc, am hiểu thực tế phổ thông. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường mối quan hệ giữa trường đại học sư phạm và các Sở Giáo dục để có được sự tương đồng, ăn khớp giữa việc đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới đào tạo giáo viên ở đại học sư phạm.

Ở trường sư phạm, sinh viên muốn giảng dạy được tốt phải xem các giờ dạy mẫu như thế nào. Dạy mẫu được coi là một yêu cầu bắt buộc trong quy trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm. Sau khi học lý thuyết, sinh viên phải được xem mẫu, được nhận diện và phân tích qua mẫu, làm thuần thục theo mẫu, sau đó mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian kiến tập và thực tập và các học phần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm còn quá ngắn, không đủ cho sinh viên được quan sát nhiều giờ dạy mẫu. Vì vậy, nên ghi hình lại các tiết dạy mẫu của giáo viên trường Phổ thông Thực hành Sư phạm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc các tiết tập giảng của sinh viên để minh họa trong những giờ học lý thuyết ở giảng đường đại học.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai thí điểm, ứng dụng các thành tựu khoa học giáo dục của giảng viên, sinh cần được tăng cường hơn nữa, đồng thời phải mang tính thiết thực và cập nhật.

Hình thức tổ chức hoạt động thực hành sư phạm cho sinh viên cần đa dạng hơn. Đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hành sư phạm của sinh viên sư phạm.

Kết quả thực hành sư phạm của sinh viên phải được đánh giá một cách chính xác, khoa học. Muốn được như vậy phải xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá theo yêu cầu đặc thù của bộ môn Ngữ văn và bám sát những nội dung thực hành sư phạm. Kết quả đánh giá này phải được đưa vào hồ sơ tốt nghiệp cũng như hồ sơ xin việc của sinh viên như một sự thẩm định của nơi đào tạo về năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó cần có một hội đồng riêng để đánh giá một cách khách quan, chính xác, công bằng và thực hiện có hiệu quả mục tiêu đào tạo: “Trường sư phạm cần đánh giá trình độ nghiệp vụ sư phạm của sinh viên qua một hội đồng riêng với sự tham gia của các giáo viên, các nhà sư phạm chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm (có thể mời các giáo viên phổ thông dạy giỏi). Điểm nghiệp vụ sư phạm này có thể coi là một trong những điểm đánh giá tốt nghiệp bắt buộc của sinh viên sư phạm Ngữ văn, kể cả những sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp. Đây là cách đánh giá công bằng, khoa học và quan trọng hơn là nó định hướng cho sinh viên sư phạm ý thức, trách nhiệm cao đối với việc nâng cao tay nghề”.

    Việc thành lập Trường Thực hành Sư phạm trực thuộc các trường đại học là một gợi ý hay và thiết thực để cả giảng viên và sinh viên sư phạm nói chung và sư phạm Ngữ văn nói riêng có điều kiện tiếp xúc, am hiểu thực tế phổ thông. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thu Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944