Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Nâng cao chất lượng dạy học tại Sơn La sau lùm xùm thi cử: Không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học

GD&TĐ - Sau những lùm xùm tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018, ngành GD-ĐT Sơn La đã vào cuộc quyết liệt với nhiều đột phá để nâng cao chất lượng dạy, học theo hướng tiến bộ thực chất.
Nâng cao chất lượng dạy học tại Sơn La sau lùm xùm thi cử: Không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học

Địa phương này đã nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị với quan điểm “không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học”.

Quy trách nhiệm cho người đứng đầu

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, ngành GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị bảo đảm chất lượng giáo dục. Tại đây, các đại biểu tập trung bàn về biện pháp, giải pháp để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Trên cơ sở đó, sở ban hành Thông báo số 544, trong đó xác định rõ quan điểm và chủ trương chỉ đạo chung về cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Sơn La.

“Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là “không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học”. Như vậy nghĩa là sẽ tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu như lãnh đạo sở, phòng GD&ĐT cấp huyện, hiệu trưởng các đơn vị giáo dục. Đội ngũ giáo viên các cấp đóng vai trò then chốt trong công tác cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục… Chúng tôi xác định cần quyết tâm, tập trung cao, kiên trì để thực hiện có hiệu quả các giải pháp, biện pháp cải tiến chất lượng giáo dục một cách thực chất và bền vững với lộ trình phù hợp”, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Từ sự chỉ đạo của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đồng tình, ủng hộ cao quan điểm của tỉnh, ngành trong đổi mới chất lượng giáo dục.

“Cụ thể hóa chỉ đạo của sở, chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng các trường phải công khai kế hoạch giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; ký cam kết trách nhiệm với lãnh đạo sở về chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng phải cùng chủ tịch công đoàn cơ sở ký kết giao ước thi đua với Giám đốc sở và Chủ tịch Công đoàn ngành về chất lượng giáo dục của đơn vị mình”, bà Lường Thị Thắm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Yên nói.

Cũng theo bà Thắm, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm với môn học thuộc chuyên môn được đào tạo của mình để tăng cường đôn đốc, quản lý chuyên môn, quá trình dạy học, sinh hoạt chuyên môn. Hiệu trưởng có trách nhiệm giao chỉ tiêu chất lượng cho các tổ chuyên môn và giáo viên. Đồng thời phải có các giải pháp để kiểm soát chất lượng với các tổ chuyên môn nhằm hạn chế “bệnh thành tích” trong các nhà trường.

Nâng cao chất lượng dạy học tại Sơn La sau lùm xùm thi cử: Không đổ lỗi cho hoàn cảnh và người học - Ảnh minh hoạ 2
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng phát biểu tại buổi hợp tác truyền thông về giáo dục.

Tiến bộ theo hướng thực chất

Để chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng “thực chất, bền vững”, Sở GD&ĐT Sơn La đã giao các đơn vị tự chủ trong việc đưa ra chỉ tiêu chất lượng với từng môn ở khối 10, 11 và thực hiện kiểm tra giữa, cuối kỳ theo đề chung của trường. Riêng 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh kiểm tra theo đề chung của sở để biết chất lượng chung. Nhà trường không để giáo viện tự ra đề, tổ chức coi, chấm bài của học sinh mình đang giảng dạy.

Thầy Nguyễn Minh Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mộc Châu cho  hay: Sau khi khảo sát chất lượng đầu vào, nhà trường căn cứ vào đó để bố trí lớp theo nhận thức, năng lực của từng học sinh. GV dựa vào đó để dạy cho sát với khả năng của trò. Vừa rồi, qua kiểm tra đầu vào, chúng tôi đánh giá thực chất thì có em chỉ đạt 5 - 5,5 điểm/2 môn. Vì vậy các khối lớp 10, 11, chúng tôi phải tăng cường bồi dưỡng kiến thức để các em có đủ năng lực theo học chương trình phổ thông”, thầy Nguyễn Minh Hải nói.

Cũng theo thầy Hải, chỉ đạo của sở đã tạo ra sự khác biệt. Ví dụ, việc ra đề chung với các môn Toán, Văn, Tiếng Anh đã tránh được tình trạng giáo viên thương học sinh nên ra đề thi dễ. Sau khi kiểm tra, trường cũng căn cứ vào đó tính toán phổ điểm của học sinh để đánh giá năng lực, có kế hoạch giảng dạy phù hợp.

Một trong những giải pháp được ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La triển khai và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội là thực hiện phương châm đánh giá đúng, thực chất, công bằng, khách quan chất lượng giáo dục. Trong đó, sở tập trung cho các lớp đầu cấp (lớp 1, 6 và 10) từ năm học 2019 - 2020.

Theo đó, trường hợp có học sinh lưu ban, nhà trường và giáo viên cần có đầy đủ hồ sơ chứng minh về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường, giáo viên với học sinh đó. Nếu nhà trường, giáo viên chứng minh được đã làm hết trách nhiệm, khai thác hết năng lực để giáo dục nhưng vẫn có học sinh lưu ban theo quy định của Bộ GD&ĐT, không thực hiện giảm trừ thi đua với đơn vị, cá nhân đó.

“Tôi cho rằng đây là bước đột phá lớn của ngành GD-ĐT Sơn La. Giải pháp này đã tháo gỡ được nút thắt bấy lâu, giúp giảm áp lực cho giáo viên. Thầy cô ở các trường trên địa bàn thành phố cũng đồng tình, ủng hộ, bởi lâu nay giáo viên đã cố gắng đổi mới phương pháp dạy học, song có những trường hợp không tiếp thu được. Nếu cứ quy hết trách nhiệm cho giáo viên thực sự rất khó và không công bằng. Để có một học sinh tốt, chất lượng dạy - học tốt, ngoài nỗ lực của nhà trường, thầy cô cần có sự đồng thuận của cả học sinh và phụ huynh”, bà Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Sơn La chia sẻ.

Để khắc phục tình trạng đánh giá kết quả học tập của học sinh, nhất là học sinh lớp 9 không đúng thực chất tại các trường THCS, ngành GD-ĐT Sơn La cũng đã xây dựng chủ trương đổi mới tổ chức tuyển sinh vào lớp 10. Việc làm này sẽ triển khai từ năm học 2021 - 2022 theo hình thức thi tuyển với tất cả các trường có cấp THPT nhằm mục tiêu kép: Sử dụng kết quả để tuyển sinh và đồng thời đánh giá chất lượng dạy, học ở cấp THCS.

Theo lãnh đạo sở GD&ĐT, ngành GD-ĐT Sơn La coi đây là thước đo để kiểm soát chất lượng của bậc học THCS, từng bước hạn chế “bệnh thành tích” ở cấp THCS. Mục tiêu và cách thức ra đề ôn thi là kiểm tra kiến thức cơ bản THCS chủ yếu là kiến thức lớp 9, không gây áp lực cho học sinh. Điểm tuyển sinh sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu được giao. Học sinh cũng sẽ không bị áp lực về điểm thi tuyển sinh đầu cấp…

Với chỉ tiêu tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT Sơn La giao chỉ tiêu chất lượng trên cơ sở kết quả của kỳ thi năm trước với từng trường, môn với các tiêu chí: Rút ngắn khoảng cách điểm thi từng môn so với điểm trung bình các môn thi toàn quốc. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944