Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Ngôi trường bước ra từ miền cổ tích

GD&TĐ - Ý tưởng sáng tạo, công sức của hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh… đã biến cảnh quan 1 điểm trường chính, 13 điểm trường lẻ của Trường Mầm non Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai) trở nên sạch đẹp, hấp dẫn.
Ngôi trường bước ra từ miền cổ tích

Cũng nhờ đó, việc huy động học sinh tới trường, ra lớp đi vào nền nếp, tỷ lệ chuyên cần duy trì cao, chất lượng giáo dục tăng lên đáng kể. 

Hiện thực giấc mơ cho trẻ vùng cao

Cô Hà Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trịnh Tường, chia sẻ: Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, đi tham quan các điểm trường lẻ trong đó có điểm Lao Chải, xã Trịnh Tường cảm thấy buồn bởi lớp học làm bằng gỗ, mái lợp fibro xi măng, cây cối mọc um tùm, khuôn viên chật hẹp...

Nhìn trường lớp “ảm đạm” thiếu sức sống càng thương học trò, giáo viên khi sinh hoạt, học tập trong môi trường như vậy. Hạn chế về cơ sở vật chất cũng khiến chất lượng giáo dục kém hiệu quả, người dân không “mặn mà” đưa con tới trường…

Sau nhiều trăn trở, cô Huyền lên ý tưởng cải tạo điểm trường Lao Chải với mong muốn có được không gian sạch đẹp, tươi sáng, lạ mắt… theo mô hình trường học du lịch để thu hút người học và khách tham quan.

Cô bàn bạc cùng ban giám hiệu, giáo viên để cùng phác thảo thêm những chi tiết cải tạo điểm trường Lao Chải và các điểm trường còn lại. Ban giám hiệu đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cô giáo công tác tại các điểm trường, cũng như huy động chính quyền địa phương, phụ huynh hỗ trợ thêm nhân lực, vật lực…

Ngôi trường bước ra từ miền cổ tích - Ảnh minh hoạ 2
Một góc vui chơi của học sinh Trường Mầm non Trịnh Tường.

Giáo viên, phụ huynh, Đoàn Thanh niên xã… bắt tay thực hiện việc cải tạo điểm trường Lao Chải và hoàn thành sau 2 tháng. Do điểm trường nằm trên núi, khuôn viên chật hẹp nên phải đổ bê tông nới rộng diện tích, tạo mặt bằng làm sân chơi. Thân vầu được pha nhỏ thành từng miếng ốp lát, các cô trải thảm tạo độ mịn màng để trẻ được vui chơi an toàn.

Cùng đó, điểm trường còn được phát quang cây cối, làm lại tường rào, sơn sửa tường lớp học, tạo các bồn hoa, vách hoa giúp cảnh quan thêm sinh động. Góc “sống ảo” cũng được tạo ra để bất kỳ khách du lịch, phụ huynh nào khi tới trường đều có thể lưu lại những hình ảnh, khoảnh khắc đẹp.

“Do ngân sách cấp cho giáo dục còn hạn chế nên việc tu sửa tạo cảnh quan trường lớp được nhà trường huy động thêm nhân công là giáo viên, Đoàn Thanh niên xã, phụ huynh. Nguyên vật liệu tận dụng hoàn toàn từ những thứ có sẵn, bỏ đi tại địa phương như: Cây vầu, chai nhựa, sắt vụn…”, cô Huyền chia sẻ.

Với cách làm này, 13 điểm trường lẻ và 1 điểm trường chính của Trường Mầm non xã Trịnh Tường đều có tường rào, vách ngăn, sàn sân chơi, chòi đọc sách ngoài trời… làm bằng thân vầu già do phụ huynh, chính quyền địa phương ủng hộ. Những chiếc ghế đu cho học sinh thay vì làm bằng xích sắt cũng được thay thế bằng thân vầu. Bồn hoa, tường hoa được tạo từ lốp ô tô, xe máy, chai nhựa cũ. Tiểu cảnh ruộng bậc thang sắp đặt bằng đá…

Ngôi trường bước ra từ miền cổ tích - Ảnh minh hoạ 3
Góc sân chơi tại điểm trường Lao Chải được cải tạo từ tận dụng vật liệu có sẵn. Ảnh: NTCC

Nỗ lực vì học trò

Theo cô Ngô Thị Kim Oanh dạy học tại điểm trường Lao Chải, giáo viên bên cạnh giờ lên lớp vẫn thu xếp để tham gia các hoạt động tôn tạo, đổi mới khuôn viên bởi thấy được ý nghĩa, mang lại giá trị cho học sinh khi được chăm sóc, vui chơi, học tập trong không gian đẹp đẽ, khác lạ. Điều đó cũng góp phần tạo sự hứng thú trong dạy và học, phụ huynh yên tâm, tin tưởng và mong muốn cho con đi học đầy đủ.

Để tạo điểm nhấn cho các điểm trường, cô Hà Thị Thanh Huyền cho biết thêm: Điểm trường có đông học sinh người Hà Nhì sẽ thiết kế khung cảnh phù hợp với văn hóa bản địa. Tương tự như vậy, các điểm trường có học sinh người Mông, Dao… góc sinh hoạt, học tập được trang trí phù hợp văn hóa, truyền thống.

“Vui mừng hơn cả khi mô hình trường học du lịch được phát huy, phụ huynh đồng tình, hỗ trợ, việc đưa trẻ tới trường ra lớp lâu nay đã trở thành nền nếp. Giáo viên không còn vất vả trong công tác huy động học sinh tới trường, đặc biệt trước và sau dịp lễ tết tỷ lệ chuyên cần cao. Học sinh yêu trường lớp, thích được đến trường. Cũng từ đây, giáo viên và học sinh được dạy học trong môi trường có điều kiện tốt, kích thích sự sáng tạo năng động của thầy và trò, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao…”, cô Huyền trải lòng.

Chị Sần Giờ Gụ, người Hà Nhì có con lớp 4 tuổi tại điểm trường Lao Chải, bày tỏ: “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều phụ huynh khác đều thấy vui khi được đóng góp công sức cùng các cô giáo, nhà trường tu sửa, cải tạo cảnh quan trường lớp. Với điều kiện kinh tế có hạn, các gia đình chỉ giúp được về ngày công lao động, một số cây vầu làm nguyên vật liệu, chăm sóc hoa, cây cảnh… Sự chung tay, giúp sức của các gia đình cũng là mang lại cho con em mình những lớp học, sân chơi, môi trường cảnh quan đẹp đẽ. Vì vậy, bất cứ khi nào nhà trường, cô giáo cần, chúng tôi đều thu xếp thời gian công việc để hỗ trợ”.

Trường Mầm non Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai) triển khai hiệu quả, thành công mô hình trường học du lịch. Thầy cô, phụ huynh và tổ chức đoàn thể đã tạo ra cảnh quan trường lớp, cơ sở vật chất khang trang phục vụ cho việc dạy học, duy trì tỷ lệ chuyên cần, nâng chất lượng giáo dục. Trường Mầm non Trịnh Tường trở thành “điểm sáng” của giáo dục vùng cao Bát Xát, là mô hình giáo dục xứng đáng để nhiều trường trong huyện có cùng điều kiện học tập, triển khai. - Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát (Lào Cai)

Tác giả bài viết: Minh Tùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944