Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Ninh Bình: Dự thảo mức thu học phí năm học 2022 - 2023

GD&TĐ - UBND tỉnh Ninh Bình đã có dự thảo quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên từ năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh.
Ninh Bình: Dự thảo mức thu học phí năm học 2022 - 2023

Theo đó mức học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục theo Luật Giáo dục hiện hành.

Mức học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư (thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi), khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh.

Mức học phí được xây dựng nằm trong khung quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ nhằm tăng cường huy động các nguồn lực xã hội và đóng góp của người dân.

Mức học phí từng bước đáp ứng lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo quy định tại Nghị định số 60 của Chính phủ.

Về cơ sở xác định mức thu học phí được căn cứ khung học phí theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP; tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2019 đến năm 2021 để xác định mức thu học phí mới từ năm học 2022-2023 cụ thể:

Vùng thành thị: Mức thu học phí bằng mức tối thiểu của khung mức thu vùng thành thị tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP;

Vùng nông thôn: Mức thu học phí xác định bằng 50% vùng thành thị, (tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người giữa thành thị/nông thôn bằng 86,7%). Riêng cấp trung học phổ thông mức thu bằng mức tối thiểu khung mức thu vùng nông thôn quy định tại Nghị định số  81/2021/NĐ-CP;

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Mức thu học phí xác định bằng 25% vùng thành thị và bằng 50% vùng nông thôn (tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người giữa thành thị/miền núi 79,8%; giữa nông thôn/miền núi 92%). Riêng cấp THPT mức thu bằng mức tối thiểu khung mức thu vùng dân tộc thiểu số và miền núi quy định tại Nghị định số  81/2021/NĐ-CP.

Mức thu học phí năm học 2022- 2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được dự tính: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT vùng thành thị có mức thu 300.000 đồng/học sinh/tháng; Vùng nông thôn 150.000 đồng/học sinh/tháng đối với Mầm non, Tiểu học, THCS; THPT là 200.000 đồng; Vùng dân tộc thiểu số và miền núi bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS đều thu mức 75.000đồng/học sinh/tháng; THPT 100.000đồng/học sinh/tháng.

Dự thảo cũng quy định, từ năm học 2023 -2024 trở đi, hàng năm căn cứ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng do Bộ KH&ĐT thông báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của người dân, UBND tỉnh trình HĐND xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương nhưng không quá 7,5%/năm và không vượt quá mức trần quy định…

Cũng theo dự thảo của UBND tỉnh Ninh Bình, các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo khác thực hiện Chương trình GDPT được áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cơ sở GDPT công lập cùng cấp học trên địa bàn. Trường hợp học trực tuyển (học online) mức thu học phí bằng mức thu học phí học trực tiếp.

Về thời gian thu học phí, dự thảo quy định: Đối với giáo dục Mầm non và giáo dục phổ thông công lập sẽ thu 9 tháng/năm. Giáo dục thường xuyên thu theo số tháng thực học.

Trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng thì học phí được thu theo số tháng học thực tế (bao gồm cả thời gian tổ chức dạy học trực tuyến hoặc bố trí thời gian học bù tại trường);

Không thu học phí trong thời gian không tổ chức dạy học. Mức thu học phí đảm bảo nguyên tắc theo số tháng thực học và chi phí phát sinh cần thiết để tổ chức dạy học nhưng không vượt quá tổng thu học phí tính theo số tháng tối đa của 1 năm học và công khai từ đầu năm học trong các cơ sở giáo dục.

Tác giả bài viết: Đức Trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944