Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Ninh Bình tự tin làm chủ chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Ngày 31/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tới kiểm tra tình hình dạy học lớp 1 theo chương trình GDPT 2018 và triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6 tại Ninh Bình.
Ninh Bình tự tin làm chủ chương trình giáo dục phổ thông mới

Tham dự buổi làm việc cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; ông Phan Thành Công - Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình; cùng lãnh đạo các Sở ban ngành và 20 Hiệu trưởng trường TH, THCS…

Chủ động triển khai CTGDPT 2018

Ông Phan Thành Công – Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết để triển khai chương trình GDPT 2018: 100% trường tiểu học đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt theo chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 1.

Mặt khác, đã chủ động công khai sách giáo khoa nhà trường lựa chọn, hướng dẫn cha mẹ học sinh mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập, phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị dạy học bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh, đảm bảo học sinh có đủ sách giáo khoa trước khi khai giảng năm học mới.

Về đội ngũ, 100% giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn, bồi dưỡng và hiểu đúng, đủ CTGDPT 2018 đối với lớp 1; thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học lớp 1; chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và điều chỉnh nội dung bài học phù hợp với học sinh, điều kiện nhà trường, địa phương. Thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo quy định của chương trình GDPT 2018…

Ninh Bình tự tin làm chủ chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 2
Ghi nhận kết quả bước đầu trong triển khai CTGDPT mới tại Ninh Bình.

Đặc biệt, chất lượng giáo dục môn Toán, Tiếng Việt lớp 1 học kỳ 1 năm học 2020 – 2021 khá khả quan. Học sinh nắm chắc kiến thức, kĩ năng đọc, viết, nói, nghe, biết vận dụng kiến thức kĩ năng làm tính vào thực hiện các nội dung bài tập liên quan.

Theo so sánh chất lượng 2 môn Toán, Tiếng Việt thời điểm học kỳ I năm học 2019 – 2020 và học kỳ I năm học 2020 – 2021, học sinh học theo chương trình GDPT 2018, tỉ lệ học sinh chưa hoàn thành ở môn Tiếng Việt toàn tỉnh thấp hơn 0,27%; môn Toán thấp hơn 0,18% so với học sinh học môn Toán, Tiếng Việt theo Chương trình hiện hành.

Ninh Bình tự tin làm chủ chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 3
Thứ trưởng  Nguyễn Hữu Độ dự giờ tại lớp 1C Trường TH Gia Vân (Gia Viễn - Ninh Bình).

Bên cạnh đó, ông Phan Thành Công cho biết thêm, ngành Giáo dục đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT huyện, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6.

Ngoài ra đã lập danh sách dự kiến phân công giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm học tới gửi Bộ GD&ĐT; Tổ chức cho giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức; Tổ chức cho giáo viên tham gia góp ý các bản mẫu sách giáo khoa các môn học lớp 2, lớp 6; Phối hợp với các NXB giới thiệu các bộ sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 tới CBQL,GV các trường TH, THCS.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường nghiên cứu, đề xuất danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 chuẩn bị cho các Hội đồng chọn sách cấp tỉnh. Dự thảo trình UBND tỉnh Ban hành tiêu chí chọn sách giáo khoa trong các trường phổ thông…

Mặc dù kết quả đạt được ban đầu khả quan, song lãnh đạo Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết vẫn còn khó khăn khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 như vấn đề định mức đối với giáo viên tiểu học: Tỉ lệ giáo viên/lớp mới đạt 1,42 chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày. Số học sinh tiểu học tiếp tục tăng theo từng năm học; số lượng giáo viên nghỉ chế độ hàng năm dẫn đến tỉ lệ giáo viên/lớp giảm. Một bộ phận giáo viên còn chậm đổi mới phương pháp.

Về giáo viên tiếng Anh, tin học thực hiện theo chương trình GDPT 2018 ở cấp Tiểu học còn 25 trường chưa có giáo viên dạy Tin học. Về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học 2 buổi/ngày cũng như thực hiện chương trình GDPT 2018. Phòng học, phòng chức năng còn thiếu. Các thiết bị hiện đại được trang bị chưa nhiều. Một số trường tiểu học chưa đủ tỉ lệ 1 phòng học/lớp, chưa có phòng phục vụ học tập…

Ninh Bình tự tin làm chủ chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 4
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT làm việc cùng các ban ngành và 20 Hiệu trưởng các trường TH, THCS tỉnh Ninh Bình

Trên cơ sở thực tế triển khai chương trình GDPT 2018, ngành GD&ĐT Ninh Bình đã đưa ra kiến nghị cùng Bộ GD&ĐT một số vấn đề như: Tổ chức các lớp tập huấn trực tiếp cho CBQL, GV về nội dung CTGDPT 2018 đặc biệt là sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; Bố trí giảng viên các lớp tập huấn sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 là tác giả biên soạn các bộ sách.

Nâng cấp đường truyền các lớp bồi dưỡng trực tuyến; Chỉ đạo giảng viên cốt cán hỗ trợ và đánh giá kịp thời các bài tập của học viên gửi trên hệ thống tập huấn trực tuyến LMS. Phối hợp với Bộ Nội vụ tăng tỉ lệ giáo viên/lớp đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo CTGDPT 2018…

Vững vàng cùng đổi mới

Qua kiểm tra thực tế tình hình dạy học lớp 1 theo chương trình GDPT 2018 và chuẩn bị điều kiện thực hiện đối với lớp 2, lớp 6 tại cơ sở giáo dục, nghe báo cáo từ lãnh đạo địa phương, phòng GD&ĐT, nhà trường, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả bước đầu triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và chuẩn bị cho lớp 2, lớp 6 của ngành giáo dục Ninh Bình khá nghiêm túc, khoa học.

Triển khai hiệu quả tiếp chương trình GDPT 2018 là việc lớn, vì vậy Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị, ngành giáo dục Ninh Bình chú trọng đổi mới từ nhận thức đến hành động.

Đội ngũ từ CBQL, hiệu trưởng, giáo viên phải nắm chắc chương trình từ quan điểm, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá... Đặc biệt đội ngũ CBQL phải nhận thức đầy đủ về chương trình GDPT mới, bởi nếu không nhận thức đầy đủ không những không phát triển được giáo dục mà còn là lực cản của đổi mới.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc xây dựng đội ngũ giáo viên rất quan trọng triển khai các chương trình giáo dục nhà trường, chương trình, sách giáo khoa mới, bởi đây là những người sẽ trực tiếp quyết định chất lượng giáo dục. Đội ngũ giáo viên cần đảm bảo được 3 yêu cầu về: số lượng, cơ cấu, chất lượng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Ninh Bình tăng cường tập huấn, bồi dưỡng để có đội ngũ giáo viên vững chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết trách nhiệm với nghề. Các nhà trường cần chuẩn bị tâm thể sẵn sàng đổi mới cho GV, tạo động lực để thầy cô phát huy năng lực sáng tạo trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục…

Mặt khác, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để triển khai chương trình GDPT 2018 thì vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, các nhà trường cần rà soát lại thiết bị dạy học để sử dụng hiệu quả. Cần lưu ý, “không để thiết bị đến trường mà không ra lớp”. Trưởng Phòng GD&ĐT phải có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các nhà trường trong việc sử dụng, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí thiết bị.

Trong công tác chỉ đạo chuyên môn lãnh đạo các trường cần phân bố kế hoạch, xây dựng kế hoạch nội dung nhà trường và kiểm tra theo kế hoạch… Đổi mới tư duy trong quản trị trường học từ đó tạo ra mội trường làm việc thân thiện cho GV, giúp GV làm việc hiệu quả, tâm huyết, trách nhiệm...

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944