Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Phát triển năng lực của người học theo CT GDPT mới

Phát triển năng lực của người học theo CT GDPT mới
GD&TĐ - Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT, để phát triển năng lực của người học, CT GDPT mới của nước ta đã vận dụng kinh nghiệm xây dựng CT GDPT của các nước có nền giáo dục tiên tiến, đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục theo hướng sau đây:

Thứ nhất dạy học phân hoá:

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, CT GDPT mới một mặt thực hiện giáo dục toàn diện và tích hợp, mặt khác, thiết kế một số môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và sở trường của bản thân.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và HĐGD bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học, chủ đề và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích và định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Thứ hai dạy học tích hợp:

Dạy học tích hợp là định hướng dạy học huy động, kết hợp, liên hệ các yếu tố có liên quan với nhau của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khoa học để giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn, trong đó mức độ cao nhất là hình thành các môn học tích hợp.

Dạy học tích hợp là xu thế chung của CT GDPT các nước. Ở Việt Nam, dạy học tích hợp đã được thực hiện trong CT hiện hành. So với CT hiện hành, chủ trương dạy học tích hợp trong CT GDPT mới có một số điểm khác như:

Tăng cường tích hợp nhiều nội dung trong cùng một môn học, xây dựng một số môn học tích hợp mới ở cấp THCS theo tinh thần chung là tích hợp mạnh ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; yêu cầu tích hợp được thể hiện cả trong mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Ở cấp tiểu học, CT GDPT mới tiếp tục xây dựng một số môn học có tính tích hợp trên cơ sở phát triển các môn học tích hợp đã có như: Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lí, Khoa học.

Ở cấp trung học cơ sở, CT GDPT mới xây dựng hai môn học mới có tính tích hợp là: Khoa học tự nhiên (được hình thành chủ yếu từ các khoa học Vật lí, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái Đất); Lịch sử và Địa lí (được hình thành chủ yếu từ các khoa học Lịch sử, Địa lí).

Ở cả ba cấp học còn có một hoạt động giáo dục tích hợp là Hoạt động trải nghiệm (ở cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (ở cấp THCS và THPT)

Phát triển năng lực của người học theo CT GDPT mới - Ảnh minh hoạ 2
 GS Nguyễn Minh Thuyết

Thứ ba: Dạy học thông qua hoạt động tích cực của người học:

Đặc điểm chung của các phương pháp giáo dục được áp dụng trong CT GDPT mới là tích cực hoá hoạt động của người học, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân,rèn luyện thó iquen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kĩ năng đã tích lũy được để phát triển.

Các hoạt động học tập của học sinh bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và hoạt động thực hành (ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề có thực trong đời sống) được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu như:

Học lí thuyết; thực hiện bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham gia seminar, tham quan, cắm trại, đọc sách; sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, học sinh được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Tuy nhiên, dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi học sinh đều phải được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.

Tác giả bài viết: Hải Minh (lược ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944