Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Phòng chống Covid-19: Nghỉ học bao lâu… là vừa?

GD&TĐ - Cho đến thời điểm này, các địa phương đều có kế hoạch cho HS nghỉ học của riêng mình. Nơi cập nhật kế hoạch từng tuần, chỗ cho nghỉ hết tháng 2 nhưng...
Phòng chống Covid-19: Nghỉ học bao lâu… là vừa?

Nhiều khó khăn cho cơ sở giáo dục

Ông Hoàng Đăng Thưởng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tam Nông (Phú Thọ) – cho rằng: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đồng thời để ứng phó tốt nhất với các khả năng có thể xảy ra, đề xuất của Bộ GD&ĐT cho HS nghỉ học đến hết tháng 2 và quyết định lùi thời điểm kết thúc năm học là rất hợp lý, sáng suốt. Khi nghỉ đến hết tháng 2, với quỹ thời gian còn lại, việc thực hiện nhiệm vụ năm học của các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS vẫn khả thi và không có nhiều ảnh hưởng tới khung thời gian năm học của năm học tiếp theo.

Nhưng, nếu nghỉ kéo dài sang tháng 3, hoặc tiếp theo sẽ gây một số áp lực lên khung thời gian chương trình, các mốc kế hoạch năm học và thực hiện nhiệm vụ năm học của cơ sở giáo dục; đặc biệt là công tác chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới từ lớp 1, thi tuyển sinh đầu cấp cho năm học tiếp theo…

Cùng quan điểm, ông Bùi Tuấn Long – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh, Phú Thọ - đồng tình với đề xuất cho HS nghỉ đến hết tháng 2 của Bộ GD&ĐT. Với việc nghỉ học hết tháng 3, theo ông Long, cần phải tham khảo ý kiến của Bộ Y tế khi dịch lây lan, không kiểm soát được. Giả sử rơi vào trường hợp đó, các cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc ứng dụng các công cụ, phương tiện dạy học cho dạy học từ xa, trên Internet đối với các trường khó khăn, miền núi là rất khó (có nơi không làm được).

Nếu học trong hè, thời tiết rất nóng (trường vùng khó khăn không có điều hòa). Nhiều công việc dồn vào hè sẽ gây ra áp lực lớn đối với giáo viên. Ngoài ra, việc nghỉ quá dài còn dẫn đến mất nguồn thu tại các trường tư thục, lớp mẫu giáo độc lập, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của nhà trường và đời sống giáo viên…

Theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT Hạ Hòa (Phú Thọ), bà Mai Lan Anh, nếu Việt Nam kiểm soát tình hình dịch bệnh như hiện nay, tháng 3 HS nên đi học trở lại. “Mặc dù trong thời gian nghỉ, các trường vẫn triển khai hướng dẫn HS ôn tập, dạy học trực tuyến qua nhiều hình thức khác nhau.

Tuy nhiên không phải địa phương nào phụ huynh cũng đủ điều kiện để con em được tiếp cận, nhất là ở vùng núi, dân tộc... HS vẫn cần tương tác với giáo viên, hiệu quả mới cao. Mặt khác, nghỉ dài sẽ gây khó khăn cho phụ huynh trong quản lý con cái, hoang mang về tình hình dịch bệnh kéo dài, HS cũng không tránh khỏi việc ngại học sau khi kết thúc kỳ nghỉ” – bà Mai Lan Anh nêu quan điểm.

Phòng chống Covid-19: Nghỉ học bao lâu… là vừa? - Ảnh minh hoạ 2
 Khử khuẩn sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Chuẩn bị sẵn sàng đón HS trở lại trường

Trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh, Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục các địa phương đều đặc biệt lưu ý cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng đón HS trở lại trường. Nhiều giáo viên cho rằng, HS được nghỉ nhưng mình lại nhiều việc hơn, bởi ngoài đến trường vệ sinh lớp học còn phải cặm cụi làm giáo án điện tử, xây dựng bài giảng online để dạy học trực tuyến; chưa kể việc “bám” trò vẫn phải thường xuyên, liên tục để giúp các em giữ nền nếp học. Hiện nay, các trường học trên toàn quốc đều nỗ lực để sẵn sàng đón HS trở lại trường.

Cô Trịnh Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy, Thái Bình), cho biết: Các thầy cô lập nhóm Zalo, Messenger theo lớp giữa giáo viên với phụ huynh để giao bài cho HS. Phụ huynh nhận bài, giao cho con học và chụp ảnh bài của con nộp lại. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường hướng dẫn phụ huynh đăng ký Viettelstudy để con học trực tuyến; Thầy cô cũng tích cực giới thiệu các trang học trực tuyến khác. “Nếu các nhà trường làm tốt công tác vệ sinh chung, nêu cao tinh thần trách nhiệm của thầy cô, tạo sự gắn kết tương tác thường xuyên giữa nhà trường và phụ huynh, giữa giáo viên và HS, sẽ tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi con em họ đi học trở lại” – cô Thu Hiền chia sẻ.

Tại Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội), ngay từ tuần nghỉ đầu tiên, lãnh đạo nhà trường đã có chỉ đạo thích hợp về việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn HS học tập qua gửi bài tập, nội dung ôn luyện qua website của nhà trường, qua nhóm chat trên mạng xã hội.

“Bộ GD&ĐT cho biết sẽ điều chỉnh thời gian năm học để các trường có đủ thời gian hoàn thành chương trình bảo đảm tốt nhất, không bị cắt xén. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi nghĩ đề xuất cho HS nghỉ học đến hết tháng 2 của Bộ, cũng như quyết định lùi thời gian năm học được xã hội đồng tình ủng hộ. Tất nhiên sẽ có những cha mẹ vẫn lo lắng khi các em đi học trở lại. Khi đó, nhà trường phải thực hiện tốt việc tuyên truyền để cha mẹ HS và HS yên tâm” – Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi Nguyễn Quý Xuân nêu quan điểm.

 Với thời gian địa phương cho HS nghỉ như hiện nay, lịch thi THPT quốc gia có thể lùi 1 - 2 tuần, khi đó không bị ảnh hưởng nhiều lắm đến tuyển sinh ĐH. Mỗi công đoạn của quá trình tuyển sinh có thể rút ngắn 1 - 2 ngày vẫn đảm bảo đầu tháng 9 khai giảng. Nhưng nếu phải nghỉ tiếp tháng 3 – khi dịch trở nên nghiêm trọng. Lúc đó buộc phải chuyển sang trạng thái “thời chiến”, và tất nhiên tất cả các hoạt động, kế hoạch sẽ bị ảnh hưởng. Có điều, việc đảm bảo sức khỏe phải được đặt lên hàng đầu.
                  PGS.TS Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh
                                          (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội)

Hiếu Nguyễn

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944