Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Tăng cường phòng chống gian lận thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Chưa đầy một tháng nữa Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ bắt đầu. Làm thế nào để phát hiện, xử lý các thí sinh vi phạm quy chế, nhất là sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để gian lận trong thi cử đang được ngành Giáo dục quan tâm. Đến nay, các địa phương đã có những động thái như tuyên truyền, phổ biến quy chế thi, với mục đích tăng cường công tác phòng chống gian lận thi cử cho các thí sinh.
Tăng cường phòng chống gian lận thi THPT quốc gia

Gian lận thi ngày càng tinh vi

Năm nào cũng vậy, trước khi kỳ thi bắt đầu, ngành GD-ĐT các tỉnh thành đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tổ chức tuyên truyền, chống gian lận thi cử. Thế nhưng, gian lận thi cử vẫn tiếp diễn, mặc dù số lượng vụ việc đã giảm đáng kể khi chúng ta “siết” chặt kỷ luật phòng thi. Đặc biệt, trong những năm gần đây, lợi dụng khoa học công nghệ phát triển, một số thí sinh đã sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi gian lận trong kỳ thi.

Kỳ thi năm 2017, lực lượng công an phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã phát hiện Văn Đức Thái dùng chứng minh nhân dân giả mạo, mang tên thí sinh Trương Quốc Cường để thi hộ với giá 100 triệu đồng để làm bài thi 3 môn Toán, Vật lý và Tiếng Anh.

Một số trường hợp cá biệt, các thí sinh đã sử dụng thiết bị điện tử hiện đại để thực hiện hành vi gian lận thi. Ngày 23/6/2017, tại Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Du, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đoàn thanh tra thi đã phát hiện và lập tức lập biên bản, đình chỉ thi khi thí sinh đã gắn camera siêu nhỏ vào máy tính để chụp đề thi môn Vật lý tuồn ra ngoài. Tại Hội đồng thi Trường THPT Quốc Oai, thành phố Hà Nội phát hiện trường hợp thí sinh sử dụng tai nghe đọc và chép đáp án đúng bài thi trắc nghiệm môn Toán…

“Siết chặt” quy chế thi

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sắp diễn ra. Đến thời điểm này, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phòng chống và sẽ xử lý nghiêm nếu thí sinh vi phạm quy chế thi. Tất cả không ngoài mục đích hướng tới kỳ thi nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho các thí sinh.

Hà Nội và TPHCM là nơi có đông nhất lượng thí sinh dự thi. Chính vì vậy, công tác siết chặt kỷ luật phòng thi luôn được các nhà trường coi trọng, triển khai rất sớm và nghiêm túc. Vũ Bá Kiên, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: Ngay trong các kỳ thi học kỳ của năm học, nhà trường đã tổ chức chặt chẽ, y như kỳ thi thật. Trong các lần làm đề thi thử THPT quốc gia, quy chế thi được “siết chặt” hơn. Thêm vào đó, thầy cô và nhà trường luôn nhắc nhở, động viên học sinh học tốt, thi tốt để đạt kết quả cao, không được gian lận thi cử.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: Đến hết tháng 3 chúng tôi đã chỉ đạo, tổ chức xong vòng 1 phổ biến Quy chế thi THPT quốc gia 2018 đến tận từng trường học. Tổ chức hoạt động thanh tra trước kỳ thi. Vòng 2 quán triệt, phổ biến lại cho thí sinh quy chế thi trước ngày thi.

Tỉnh Điện Biên đã tập trung vào các nội dung chính, thứ nhất là: Làm tốt công tác truyền thông về kỳ thi, đặc biệt là phổ biến quy chế thi; Thứ hai, nhà trường và các phòng chức năng của Sở kiểm soát toàn bộ dữ liệu thí sinh dự thi từ việc nhập dữ liệu, phòng thi, đặc biệt lưu ý đến giấy tờ nhân thân chứng minh đủ điều kiện pháp lý của thí sinh gồm chứng minh thư, danh sách phòng thi có dán ảnh thí sinh, sơ đồ phòng thi. Thứ ba, phối hợp với các cơ quan đoàn thể, đặc biệt gia đình thí sinh thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở con em không vi phạm quy chế thi, điều gì thí sinh được làm và không được làm.

Tác giả bài viết: Việt Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944