Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số: Cần bồi dưỡng giáo viên có trọng điểm

GD&TĐ - Hiện nay, gần 80% giáo viên dạy trẻ em vùng dân tộc thiểu số là người dân tộc Kinh, không thông thạo tiếng dân tộc của trẻ. Việc bất đồng về ngôn ngữ làm hạn chế giao tiếp, giảm hiệu quả truyền đạt ngôn ngữ tiếng Việt giữa giáo viên và trẻ.
Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số: Cần bồi dưỡng giáo viên có trọng điểm

Khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ trong thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp riêng để khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác TCTV cho trẻ DTTS.

Đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên

Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại vùng dân tộc thiểu số; Coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả mục tiêu TCTV cho trẻ em mầm non vùng DTTS trên địa bàn.

Cụ thể, ngành đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ về TCTV cho trẻ; Thành lập đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán gần 200 người ở các cấp để triển khai hoạt động TCTV cho trẻ em vùng DTTS. Công tác bồi dưỡng giáo viên về TCTV cho trẻ em vùng DTTS không chỉ được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh quan tâm mà còn thường xuyên được đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các hình thức bồi dưỡng được đa dạng hóa thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, hội thi, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm...

Đổi mới rõ nét nhất là Sở đã chỉ đạo các cơ sở có trẻ em vùng DTTS tăng cường các hoạt động bồi dưỡng thông qua mô hình “sinh hoạt chuyên môn hai chiều” theo hình thức liên tổ, liên trường, liên huyện; Khuyến khích đội ngũ giáo viên tự bồi dưỡng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS, tích cực nghiên cứu, áp dụng các phương pháp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS; Xây dựng các câu lạc bộ “Tiếng Việt với trẻ em DTTS”, “Giáo viên mầm non DTTS”... qua đó nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ nhằm TCTV cho trẻ DTTS.

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số: Cần bồi dưỡng giáo viên có trọng điểm - Ảnh minh hoạ 2
  • Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Ninh)

Bồi dưỡng trọng điểm phù hợp với vùng miền có trẻ DTTS

Nội dung bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cũng được lựa chọn có trọng tâm theo từng năm học. Ngoài những nội dung bồi dưỡng theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng bổ sung những nội dung phù hợp với điều kiện, đặc điểm vùng miền của từng địa phương, đơn vị. Như: Công tác phối hợp với cha mẹ trẻ, cộng đồng trong việc TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS; Bồi dưỡng tiếng Việt cho cha mẹ trẻ...

Tăng cường bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên mầm non là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS; Nhằm giúp cho giáo viên mầm non có khả năng nghe, hiểu được tiếng DTTS của trẻ, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc cho giáo viên mầm non đang công tác tại các vùng DTTS. 

Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức được 28 lớp tập huấn về TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS. Ngoài ra, 100% cơ sở GDMN có trẻ DTTS đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên bằng cách lồng ghép vào các hội thảo, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn liên trường, liên cụm. Theo đó, trên 80% giáo viên đã được nâng cao năng lực và nhận thức về xây dựng kế hoạch, tạo môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS.

Trẻ được “tắm” mình trong môi trường tiếng Việt

Để phát triển môi trường, cho trẻ tắm mình vào tiếng Việt, Sở GD&ĐT đã khuyến khích đội ngũ giáo viên dạy tại các vùng DTTS chủ động tự học tiếng mẹ đẻ của trẻ thông qua chính đứa trẻ, cha mẹ trẻ, đồng nghiệp, qua cộng đồng... Xây dựng mô hình “Bà mẹ trợ giảng” để hỗ trợ cho những giáo viên mầm non mới đến công tác về tiếng Việt và giải thích bằng tiếng mẹ đẻ cho trẻ dân tộc trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Đồng thời khuyến khích đưa nội dung bồi dưỡng tiếng dân tộc của giáo viên là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua của giáo viên và cán bộ quản lý tại cơ sở GDMN vùng DTTS.

Từ năm 2014 đến nay, Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Dân tộc tỉnh và các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Dao Thanh Phán cho trên 80 giáo viên mầm non hiện đang công tác tại các cơ sở GDMN vùng DTTS thuộc các huyện Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà và Hải Hà. Trên 85% giáo viên mầm non dạy tại các vùng DTTS đều có thể giao tiếp được với trẻ DTTS.

Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, sau hơn 2 năm triển khai Đề án, tỷ lệ trẻ em mầm non DTTS ở Quảng Ninh được huy động ra lớp đối với trẻ nhà trẻ đạt 31,0%, trẻ mẫu giáo đạt 94,1%; trong đó 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN, học sinh tiểu học người DTTS được tập trung TCTV phù hợp với độ tuổi;

So với mục tiêu cụ thể trong Đề án của Trung ương đặt ra đến năm 2020, thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Ninh đã đạt và vượt tỷ lệ trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp (cao hơn 4,1%); đạt tỷ lệ 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN, học sinh tiểu học người DTTS được tập trung TCTV phù hợp với độ tuổi. 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học vùng DTTS được bồi dưỡng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động TCTV; 100% trường mầm non, tiểu học học vùng DTTS được bổ sung đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học TCTV.

Tác giả bài viết: Bá HảI

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944