Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Thực hiện CTSGK lớp 2 và lớp 6 tại Kon Tum: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn

GD&TĐ - Rút kinh nghiệm từ Chương trình, SGK lớp 1, ngành Giáo dục Kon Tum đã và đang chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai Chương trình, SGK lớp 2 và lớp 6.
Thực hiện CTSGK lớp 2 và lớp 6 tại Kon Tum: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn

Bên cạnh đó, chủ động hỗ trợ SGK cho học sinh khó khăn để tất cả đều có sách đến trường.

Đầu tư cơ sở vật chất

Năm học 2020 - 2021, Kon Tum có 567 lớp 1 với 13.527 học sinh. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ sở vật chất tại trường học cơ bản được đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, ngành từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học, thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo đúng lộ trình của Bộ GD&ĐT.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Kon Tum, UBND tỉnh đã bố trí 46 tỷ từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia năm 2020 và ngân sách tỉnh 2021 để trang bị thiết bị dạy học tối thiểu cho học sinh lớp 1. Ngoài ra, các địa phương đã đầu tư kiên cố hóa trường lớp, trang bị phòng học tiếng Anh, Tin học… Sở GD&ĐT thành lập tổ phương pháp, tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ công tác chuyên môn. Đồng thời, nắm bắt thông tin phản ánh từ các trường, giáo viên và phụ huynh để có phương án hỗ trợ kịp thời.

Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum, kết thúc năm học 2020 - 2021, Kon Tum có đạt 95,6% học sinh hoàn thành môn Toán, môn Tiếng Việt đạt 95,3%. Tổng số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 94,96%. So với năm học 2019 - 2020, tỉ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học giảm 0,06%.

Bên cạnh những thuận lợi, năm học vừa qua ngành Giáo dục Kon Tum cũng gặp một số khó khăn. Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục chưa có phòng chức năng, phòng bộ môn, thư viện… Một số điểm trường ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu nước nước, phòng học tạm bợ…

Thực hiện CTSGK lớp 2 và lớp 6 tại Kon Tum: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn - Ảnh minh hoạ 2
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến

Bổ sung nhân lực

Thầy Phạm Văn Xuân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, địa phương đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Qua đó, cơ bản đáp ứng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và học sinh có đủ SGK khi đến trường.

Tuy nhiên, chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục huyện Tu Mơ Rông lo lắng về SGK cho các em học sinh. Theo thầy Xuân, năm học tới, dự kiến địa phương thiếu hơn 200 bộ SGK lớp 2 cho những em học sinh không được thụ hưởng chế độ. Do đó, đơn vị mong muốn Sở GD&ĐT quan tâm có phương án hỗ trợ để tất cả học sinh đều có sách đến trường.

Tương tự huyện Tu Mơ Rông, một số huyện còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu giáo viên giảng dạy để đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Cô Võ Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sa Thầy cho hay: Cơ sở vật chất tại địa phương chưa bảo đảm. Bên cạnh đó, tỉ lệ giáo viên chỉ đạt 1,3 người/lớp.

Còn tại huyện Đăk Glei, năm học 2020 - 2021, năm học 2021 - 2022 sẽ thiếu hơn 50 giáo viên để đạt tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp theo quy định.

Cũng theo đại diện Phòng GD&ĐT Đăk Glei, địa phương mới có 13 giáo viên tiếng Anh, thiếu khoảng 10 giáo viên. Bên cạnh đó, môn Tin học có 5 giáo viên, nếu muốn đáp ứng đủ tỉ lệ giáo viên theo Chương trình GDPT 2018 phải cần thêm 9 giáo viên. Để chuẩn bị cho năm học sắp tới, huyện đang có kế hoạch tuyển thêm 40 giáo viên tiểu học để giảm bớt một số lớp ghép.

Không chỉ thiếu giáo viên, hiện tại ngành Giáo dục huyện còn 8 phòng học tạm, 5 phòng mượn. Do đó, Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei mong muốn Sở GD&ĐT kiến nghị với UBND tỉnh về việc bổ sung giáo viên, đặc biệt đối với môn Tiếng Anh và Tin học. Đồng thời, trang bị thiết bị sớm để bảo đảm công tác tập huấn, làm quen trước khi dạy và học theo Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6.

Bà Phạm Thị Trung nhận định: Sau 1 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6.

Vị Giám đốc Sở cũng lưu ý phòng GD&ĐT các huyện, TP khẩn trương báo cáo, tham mưu UBND huyện về điều kiện chuẩn bị cho Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6. Tránh lúng túng khi triển khai chương trình mới. Bên cạnh đó, các trường phát huy hiệu quả đồ dùng dạy học tự làm và ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học.

Ngoài ra, tiến hành rà soát, sắp xếp lại các điểm trường nhỏ lẻ để bảo đảm số lượng giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đồng thời, các địa phương cần đề xuất đào tạo giáo viên theo điều kiện thực tế qua đơn đặt hàng.

Bà Trung cũng đề nghị UBND huyện, thành phố phối hợp các lực lượng chức năng giữ an ninh trật tự, cơ sở vật chất, tránh mất mát tài sản tại các trường học dịp hè. Đồng thời, quan tâm, chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thực hiện Chương trình SGK lớp 2 và lớp 6.

Ngày 8/6, Sở GD&ĐT Kon Tum tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố nhằm tổng kết, đánh giá công tác thực hiện Chương trình, SGK lớp 1 và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn còn tồn tại để chuẩn bị Chương trình, SGK lớp 2 và 6.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944