Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Trăm dâu lại đổ đầu tằm!

GD&TĐ - Tin một cô giáo mầm non ở Thanh Hóa bị tố đánh trẻ đến méo miệng mấy ngày qua được đăng trên khắp các báo lớn nhỏ. Dù cho biết chỉ vỗ nhẹ vào vai để nhắc trò vào chỗ ngồi, nhưng khi sự việc chưa được xác minh rõ, cô vẫn nhận quyết định tạm nghỉ việc vài hôm để cùng gia đình chăm sóc học trò trong bệnh viện. Sự việc thậm chí còn được công an vào cuộc điều tra.
Trăm dâu lại đổ đầu tằm!

Tuy nhiên, kết quả từ bệnh viện cho thấy học trò nghi bị cô giáo đánh không có vết thương nào trên cơ thể, sọ não cũng hoàn toàn bình thường. Bác sĩ thì khẳng định chưa gặp trường hợp nào bị đánh mà dẫn đến liệt dây thần kinh số 7.

Y học đã chứng minh lời cô giáo là đúng, nhưng trong suốt thời gian ấy, liệu có ai để ý đến tâm trạng, cảm xúc của của một cô giáo trường làng, có một con phát triển không bình thường, hoàn cảnh khó khăn; bởi không chỉ gia đình cháu bé mà cả dư luận xã hội, dường như không đứng về phía cô. “Vết thương lòng” ấy còn theo cô giáo bao lâu, khó có thể biết được!

Xã hội dường như đang quá nhạy cảm với việc học sinh có thể bị đối xử không tốt ở trong nhà trường. Trẻ vô tình bị ngã, vô tình bị thương tích nhỏ, hay vì có sẵn bệnh mà gặp phải vấn đề gì đó trong trường học, người ta dễ dàng nghĩ ngay đến việc “bị thầy cô bạo hành” mà chẳng cần tìm hiểu nguyên nhân.

Sự quy kết thiếu suy nghĩ thấu đáo của không ít phụ huynh khiến nhiều người làm nghề giáo ngày nay chua xót. Phải khẳng định rằng, không có một người thầy cô giáo nào trên đất nước này cảm thấy yên lòng nếu học trò thân yêu của mình vô tình ốm đau hay gặp điều gì không may, tâm tư không tốt… Âu cũng là đạo lý làm thầy của mỗi nhà giáo Việt Nam.

Thời còn đi học, trong mắt rất nhiều đứa trẻ bằng tuổi tôi, thầy cô là thần tượng. Hình ảnh thầy giảng bài với phấn trắng, bảng đen đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu ước mơ trở thành thầy cô giáo, được theo nghề dạy học. Mối quan hệ tốt đẹp đó được ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ, bởi họ luôn dành cho thầy cô sự kính trọng đặc biệt.

Nhưng ngày nay mọi việc có vẻ rất khác. Không ít cha mẹ ở nhà bình luận về thầy nọ, cô kia với ngôn từ chẳng mấy tốt đẹp trước mắt con trẻ; họ cũng chẳng cần giữ ý tứ với con khi tặng quà giáo viên bằng phong bì. Một phụ huynh còn dắt tay con đến gặp cô giáo, nhắc nhở cô đập thước mạnh khiến con giật mình, sợ khóc ở trên lớp…

Rất nhiều sự việc gần đây, phụ huynh đánh giáo viên, trả đũa giáo viên, bắt giáo viên quỳ… cho thấy một điều các bậc làm cha mẹ can thiệp quá sâu vào trường học, vào cách giáo dục học sinh của giáo viên, trong khi lại coi nhẹ giáo dục con cái. Việc phối hợp giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội dường như bị hiểu lệch lạc.

Chuyện kể từ cô giáo trường tư: Chiều nào tôi cũng nhắn cho phụ huynh ít nhất 3 tin nhắn, bên cạnh thông báo tình hình học tập của con, có cả nội dung đề nghị phụ huynh giúp con củng cố bài học, chuẩn bị đồ dùng cho buổi học sau. Nhưng tôi biết có phụ huynh cả tuần chẳng đọc tin nào; bút chì của con viết chỉ còn đến 2 đốt ngón tay cũng không để ý.

Một thầy giáo chia sẻ câu chuyện khiến mình buồn cả tháng khi mới về trường: Lớp mình khi đó có một học sinh rất bướng và nghịch. Tiết học nào em cũng trêu chọc các bạn, nói chuyện riêng. Nhiều lần nhắc nhở không ăn thua, mình nhắn phụ huynh đến trường gặp để cùng tìm cách giáo dục. Không ngờ, khi biết nội dung câu chuyện, phụ huynh đó nhăn mặt và buông một câu: “Đã bận làm không hết việc, có mỗi chuyện này mà thầy cũng gọi lên gặp”. Thật là trăm dâu lại đổ đầu tằm!

Xã hội, phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào người thầy, thậm chí giao hoàn toàn việc giáo dục con cái cho thầy, trong khi vẫn biết rõ rằng trẻ chỉ có nhiều nhất 8 tiếng ở trường học và môi trường xã hội. Gia đình có ảnh hưởng vô cùng lớn đến nhân cách của một đứa trẻ.

Ngày nay, người ta đang lo ngại trước “cơn bão” khủng hoảng giá trị, khủng hoảng niềm tin của giới trẻ. Các em thần tượng, trở thành fan cuồng của những diễn viên, ca sĩ cả đời chưa từng trực tiếp gặp mặt; coi họ là hình mẫu lý tưởng để học hỏi. Giữa cơn khủng hoảng này, cần lắm những hình ảnh đẹp từ bục giảng, giảng đường, cần lắm sự trân trọng, tôn vinh người thầy.

Để hình ảnh đẹp về thầy cô dưỡng nuôi nhân cách con trẻ, giúp các em sống ý nghĩa hơn hơn, hướng tới giá trị tốt đẹp hơn, tất nhiên trước hết người làm nghề giáo phải nỗ lực hoàn thiện mình cả về tri thức và phẩm cách; nhưng cũng không thể thiếu suy nghĩ tích cực, thái độ chuẩn mực, cùng sự phối hợp có “tâm” của phụ huynh và toàn xã hội. 

Tác giả bài viết: Tâm An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944