Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Triển vọng việc làm từ nhóm ngành Nhân văn

GD&TĐ - Trong những năm trở lại đây, các nhóm ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng, các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ đã thu hút rất nhiều thí sinh bởi cơ hội việc làm trong các nhóm này là khá cao.
Triển vọng việc làm từ nhóm ngành Nhân văn

Chính vì vậy, các ngành về khoa học xã hội và nhân văn (KHXHNV) không thực sự nhận được nhiều sự quan tâm của các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh, đây cũng là lý do nguồn nhân lực nhóm ngành này đang dần trở nên khan hiếm.

Sức hút từ các ngành mới

Các ngành KHXHNV hiện đang có nhiều sinh viên theo học như: Báo chí truyền thông; tiếng Anh; quan hệ quốc tế; quảng cáo - marketing; du lịch - khách sạn. Sức hút của các ngành này tỷ lệ thuận với khả năng việc làm và mức thu nhập thực tế của mỗi ngành.

Đặc biệt, một số ngành còn khá mới mẻ và có nhu cầu nhân lực cao như ngành Tâm lý học là ngành ở Việt Nam còn khá non trẻ, song cùng với sự phát triển của xã hội, rất nhiều người trước những áp lực từ công việc, cuộc sống đã xuất hiện nguy cơ bị trầm cảm, rối loạn tâm lý.

Vì vậy, nhu cầu nhân lực ngành tâm lý đang trở nên cấp thiết hơn. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, chỉ tính riêng tại TPHCM, nhu cầu nhân lực ngành này cũng đã cần thêm tới hàng nghìn nhân sự mới mỗi năm. Những công việc của ngành tâm lý liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như: Khoa học xã hội, giáo dục, pháp luật, y tế...

Ngành công tác xã hội trong những năm trở lại đây cũng nổi lên như là một nhóm ngành còn khá mới mẻ. Theo nhận định của các chuyên gia, đây cũng là nhóm ngành có tiềm năng lớn, khi số sinh viên ra trường hàng năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường lao động. Cử nhân ngành này có thể cung cấp nhiều dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, sức khỏe, pháp luật, xã hội, môi trường…

Góc nhìn chuyên gia

Tư vấn về nhóm ngành KHXHNV, chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Hồ (Đại học RMIT) cho biết: Không chỉ ở Việt Nam mà tại các quốc gia phát triển khác như Mỹ, Canada, Úc... có một thời gian dài sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành KHXHNV không được đánh giá cao trong khả năng tuyển dụng khi họ gia nhập thị trường lao động. Định kiến mà xã hội dành cho họ là kiến thức họ chung chung, mờ nhạt, xa rời thực tế, ít liên quan đến lĩnh vực thương mại và kinh doanh, do đó khó tìm việc làm tốt. Vì vậy, cha mẹ ít khi khuyến khích con cái theo nhóm ngành này.

Những năm gần đây, một số nghiên cứu nhân sự về đề tài này lại cho kết quả hoàn toàn khác hẳn. Kết quả nghiên cứu cho thấy phía tuyển dụng từ các ngành nghề khác nhau, kinh doanh, tài chính, nhân sự, truyền thông, quảng cáo... ưa chuộng tuyển sinh viên xuất thân từ nhóm ngành KHXHNV vì họ có những kỹ năng mũi nhọn mà sinh viên ở những nhóm ngành khác không được đào tạo sâu, như kỹ năng tư duy, khả năng giao tiếp, và khả năng sáng tạo. Trong trường hợp này, kiến thức đa dạng trong nhóm ngành KHXHNV lại tạo nên thế mạnh giúp họ phát triển trong các lĩnh vực khác nhau.

Tại thị trường tuyển dụng Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào tương tự được làm ở nước ta, nhưng những cuộc trò chuyện, thảo luận với các nhà tuyển dụng, các anh chị chuyên viên ngành nhân sự, các bạn đang ở vị trí quản lý, đều chia sẻ rằng họ không nhìn vào ngành học của sinh viên để tuyển dụng một nhân tài, mà chỉ chú trọng vào thái độ làm việc tích cực, tinh thần ham học hỏi.

Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành KHXHNV có điểm mạnh là làm việc với con người. Họ hòa đồng, hiểu tâm lý, nắm bắt cảm xúc nhanh, và do đó thích nghi môi trường làm việc khá tốt. Đó là những yếu tố quan trọng để một sinh viên mới ra trường tìm được việc làm thích hợp.

“Tôi mong quý cha mẹ và các em hãy suy nghĩ kỹ về luận điểm này trước khi nhanh chóng gạt bỏ việc học ngành trong nhóm ngành KHXHNV, dù rất phù hợp với sở thích và khả năng tự nhiên chỉ vì nỗi lo sẽ không tìm được việc làm sau này” - Phoenix Hồ chia sẻ.

Tác giả bài viết: Anh Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944