Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Vẫn "khát" chỗ gửi trẻ tại khu công nghiệp, chế xuất

GD&TĐ - TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương ở phía Nam và Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội ở phía Bắc có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX).
Vẫn "khát" chỗ gửi trẻ tại khu công nghiệp, chế xuất

Song hành với sự phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, khu vực lân cận, cũng đặt ra bài toán về chỗ gửi trẻ cho công nhân.

951 nhóm trẻ được hỗ trợ, kiện toàn, phát triển

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), Phó Trưởng ban điều hành Đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại KCN, KCX đến năm 2020 cho biết: Từ năm 2014 đến tháng 6/2020, cả nước có 951 nhóm trẻ được hỗ trợ, kiện toàn, phát triển. Trong đó, 791 nhóm được bổ sung thêm các yêu cầu về nuôi dạy trẻ; 160 nhóm phát triển mới.

Thực tế triển khai cho thấy, UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm, chỉ đạo các ngành phối hợp triển khai thực hiện. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu về sự hỗ trợ kinh phí lên tới hơn 16 tỷ đồng. Hải Phòng duy trì 12 nhóm trẻ với 70 tổ giám sát cộng đồng. Thành phố này cũng xây dựng cơ chế giám sát hoạt động của nhóm trẻ giữa UBND xã, phường, phòng GD&ĐT quận/huyện, tổ trưởng tổ dân phố, phụ huynh và người dân trên địa bàn. 

Bên cạnh đó cũng có địa phương chưa quan tâm, hỗ trợ nhóm đối tượng này, điều đáng nói đây lại không phải là những tỉnh khó khăn, thậm chí có nguồn thu lớn. Theo bà Mai, có thể do tham mưu chưa đầy đủ, hay các cấp chính quyền địa phương chưa thấy rõ những khó khăn công nhân lao động ở các KCN, KCX đang phải đối mặt trong việc tìm nơi gửi con gần nơi ở, hợp túi tiền.

Cũng theo bà Mai, tại địa phương phát triển mô hình trên, qua triển khai cũng bộc lộ một số hạn chế, chủ yếu là cơ chế. Nhiều tỉnh chưa ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh để tạo thuận lợi cho việc thực hiện đề án. Theo thống kê của Ban điều hành đề án, có 11 nhóm phải giải thể, trong đó có 8 nhóm thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 1 nhóm tại Hà Nội. Nguyên nhân, các nhóm khó tìm địa điểm thuê, chủ nhóm cao tuổi không muốn làm tiếp và do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Vẫn
Ảnh minh họa/ INT

Như muối bỏ biển

Với nhiều KCN, KCX trên địa bàn, nhu cầu gửi con của công nhân lao động ở Vĩnh Phúc rất lớn. Bà Vũ Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) cho biết: Chúng tôi xác định rõ việc cần thiết phải huy động nguồn lực ngoài xã hội, chia sẻ gánh nặng với trường công lập. Như ở Bình Xuyên, huyện có nhiều KCN, KCX tập trung đông công nhân với gần 14.000 trẻ, trong đó có hơn 6.000 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ và gần 8.000 trẻ mẫu giáo. 

Nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng 21 trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ đón nhận được trên 7.600 trẻ mẫu giáo, hơn 1.200 trẻ nhà trẻ. Chia sẻ áp lực này, 15 cơ sở mầm non ngoài công lập ra đời, đón nhận hơn 730 trẻ, trong đó có hơn 330 trẻ nhà trẻ.

Chị Đỗ Thị Huyền Trang, công nhân Công ty Ống thép Diamond Khai Quang (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), gửi con ở Trường MN Hoa Hồng, TP Vĩnh Yên, tâm sự: Con nhỏ, nhà đi thuê lại không có người thân phụ giúp, nếu không tìm được chỗ gửi con để đi làm, vợ hoặc chồng phải nghỉ việc.

Ở Quảng Ninh, khu vực mỏ Hà Tu, Hà Lầm thuộc TP Hạ Long cũng tập trung đông con em lao động vùng mỏ. Bà Hoàng Thị Vân – Hiệu trưởng Trường MN Hà Lầm cho biết: Hiểu và cảm thông với đặc thù công nhân lao động, chúng tôi luôn ưu tiên tiếp nhận các cháu là con em công nhân mỏ. Việc nuôi dạy các cháu chắc chắn giúp họ yên tâm làm việc, năng suất tốt hơn.

Chỗ gửi con là nhu cầu cấp thiết của công nhân sau nhà ở. Địa phương có nhiều KCN, KCX đã dành sự quan tâm cho đối tượng này nhưng dường như vẫn như muối bỏ biển. Không tìm được chỗ gửi con, công nhân hoặc nghỉ việc, hoặc nhờ hàng xóm hay trông chờ vào nhóm trẻ gia đình để vừa gần nhà, chi phí thấp. Gửi trẻ ở nơi trên phụ thuộc nhiều vào may rủi, bởi nếu người trông có kiến thức, yêu thương, trẻ sẽ được quan tâm, nếu không, việc trẻ bị bạo hành, tai nạn, tử vong do người trông thiếu kỹ năng vẫn diễn ra. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc các địa phương cần có cái nhìn tổng thể, khách quan về việc này. Bởi khi con em được nuôi dạy tốt, công nhân yên tâm lao động sản xuất sẽ làm giàu cho chính địa phương đó. Cũng cần có sự ràng buộc với chủ doanh nghiệp, KCN, KCX về việc hỗ trợ công nhân tìm nơi gửi trẻ hoặc mở cơ sở trông trẻ cho công nhân của mình.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944