Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Y tế trường học: Khó trăm bề

GD&TĐ - Với gần 23 triệu trẻ em, HS, SV theo học tại các cơ sở GD trên cả nước, ngành GD không chỉ dạy mà còn chăm lo sức khỏe, bảo đảm môi trường an toàn. Tuy nhiên, công tác này đang vướng nhiều khó khăn, bất cập. 
Y tế trường học: Khó trăm bề

Thiếu cơ sở vật chất và nhân lực

Kết quả khảo sát của Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) tại các địa phương năm 2019 cho thấy: Cả nước có 40.493 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nhưng mới chỉ có 74,9% trường có nhân viên y tế (trong đó biên chế là 53,7%, hợp đồng là 21,2%).

Cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế chủ yếu ở cấp học mầm non. Số trường có nhân viên y tế trình độ chuyên môn theo quy định (từ y sĩ trở lên) đạt khoảng 30%. 

Không chỉ thiếu nhân lực, các điều kiện về cơ sở vật chất y tế trường học cũng chưa đáp ứng yêu cầu và bảo đảm theo quy định. Khảo sát dựa theo tiêu chí tốt – khá - trung bình - không đạt, số trường có phòng y tế đạt loại trung bình chiếm 69,3%; số trường có trang thiết bị đạt loại trung bình 67,8%; số trường có thuốc thiết yếu đạt trung bình 74,8%. 

Ông Hoàng Mạnh Cường - quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: Huyện có 70 trường học với hơn 40.000 HS. Để chăm sóc sức khỏe HS, vệ sinh học đường, các trường nỗ lực bảo đảm các yếu tố tối thiểu nhất.

Tuy nhiên, công tác y tế học đường còn vướng nhiều khó khăn, trong đó có khoảng 15% trường chưa có phòng y tế độc lập; thiếu trang thiết bị. Nhiều đơn vị không có nhân viên y tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho HS phải phối hợp với trạm y tế địa phương.

Một số nơi cán bộ y tế học đường phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ khác. Kinh phí cho công tác y tế học đường được chi trả theo quy định, tuy nhiên còn eo hẹp nên các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc đầu tư, cải tạo, mua sắm trang thiết bị thiết yếu…

Cũng như vậy, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Tình trạng thiếu nhân viên y tế chủ yếu rơi vào các nhóm, lớp trẻ mẫu giáo độc lập tư thục. Các trường này phối hợp với trạm y tế địa phương hoặc lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh định kì cho HS…

Y tế trường học: Khó trăm bề - Ảnh minh hoạ 2
Nhân viên y tế trường học kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường. Ảnh: TG

Gỡ khó cho cơ sở giáo dục

Kinh phí dành cho công tác y tế trường học chủ yếu lấy từ nguồn bảo hiểm y tế HS. Tuy nhiên, theo Điểm a, Khoản 1 Điều 34 Nghị định 146/2018/NĐ/CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), để được trích chuyển 5% số tiền BHYT HS, cơ sở giáo dục phải có ít nhất một người có đủ điều kiện hành nghề khám chữa bệnh làm việc chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Ngoài ra, cơ sở phải có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ, cấp cứu, xử trí ban đầu khi bị tai nạn thương tích, bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường học.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, yêu cầu này đã tạo ra nhiều bất cập cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn vì nhiều nhân viên y tế chưa có chứng chỉ hành nghề.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức (Hà Nội) trao đổi: Nhiều đơn vị trên địa bàn huyện không nhận được kinh phí 5% trích lại từ bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, một số trường còn thiếu nhân viên y tế nên phải hợp đồng với trạm y tế địa phương hoặc nhân viên y tế có đủ điều kiện để thực hiện công tác y tế trường học.

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, những trường chưa có nhân viên y tế do khó khăn về nguồn tuyển. Có trường có nhân viên y tế theo diện hợp đồng ngắn hạn, thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng/tháng, sau khi hết hạn hợp đồng, nhân viên y tế chấm dứt làm việc tại trường để ra làm cơ sở khám chữa bệnh bên ngoài với mức lương cao hơn 3 - 4 lần.

Trong khi, khối lượng và áp lực công việc của nhân viên y tế trường học không kém gì các cán bộ y tế làm việc tại trung tâm y tế, bệnh viện. Thu nhập của nhân viên y tế trường học lại rất thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, nên không có nhiều người làm công tác này chuyên tâm, nhiệt huyết hoặc muốn gắn bó lâu dài.

Cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường THCS Kim Ngọc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ: Mỗi khi HS gặp vấn đề về sức khỏe như đau bụng, đau đầu hay bị sốt đều do GV xử lý hoặc chuyển sang trạm y tế.

Nhân viên y tế theo định biên là của trạm y tế xã, theo yêu cầu 1 tuần đến trường 1 - 2 buổi để làm nhiệm vụ, nhưng cũng không thường xuyên nên không bảo đảm tính kịp thời của việc sơ cấp cứu ban đầu đối với các tai nạn, sự cố về sức khỏe của HS. Nhiều khi việc này do chính ban giám hiệu nhà trường đảm nhiệm. 

“Với trường có sĩ số trên 700 HS học bán trú, việc có nhân viên y tế trường học chuyên trách, thường trực ở trường sẽ thuận lợi hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe HS cũng như vệ sinh, phòng chống dịch, bệnh trong nhà trường” - cô Nguyễn Thị Đào nhìn nhận.

Vẫn biết Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhân viên y tế trường học, tuy nhiên quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập, cần có thời gian, lộ trình và sự phối hợp của các ngành chức năng để “gỡ khó” cho các cơ sở giáo dục.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944