Bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Thứ ba - 25/12/2018 03:09 392 0
GD&TĐ - Chất lượng đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố quyết định đến thành công đổi mới GD. Đứng trước yêu cầu này, các chuyên gia đề xuất cần có giải pháp để hỗ trợ đội ngũ nhà giáo phát triển năng lực, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng GD-ĐT.
Bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Đổi mới phương thức bồi dưỡng

Tại hội thảo quốc tế về chất lượng đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh hiện nay do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, ông Lê Bá Phương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Thuận khẳng định, trong điều kiện đang tinh giản biên chế, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học, cần tận dụng tối đa đội ngũ giáo viên (GV) đã được đào tạo. Nếu GV chưa đạt chuẩn mà thuộc diện tinh giản biên chế nhưng lại có kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy và vẫn trong độ tuổi lao động thì tiếp tục cử đi bồi dưỡng, đào tạo lại ở các trường sư phạm.

Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo cần thực hiện thường xuyên, nhằm bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời cập nhật những cái mới trong xu thế hội nhập và phát triển, nhất là tới đây chúng ta sẽ triển khai áp dụng Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; qua đó góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trên cơ sở đó, ông Lê Bá Phương đề xuất, công tác đào tạo và bồi dưỡng cần được tổ chức tại các trường ĐH, viện nghiên cứu GD và theo hướng vừa trực tiếp ở trên lớp, vừa trực tuyến để mở rộng đối tượng được tiếp cận bài giảng của các chuyên gia. Hạn chế việc tập huấn thông qua đội ngũ cốt cán cho tỉnh, rồi số này về địa phương tập huấn lại. Vì việc này người nghe cuối cùng không được tiếp thu đầy đủ, chính xác những điểm mới, những vấn đề cần quan tâm và những nội dung cốt lõi...

Khẳng định GV là nhân tố quyết định chất lượng GD. TS Đỗ Thị Ánh - Trường CĐ Công nghiệp Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho rằng, để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, việc đầu tiên là chúng ta thu hút những người giỏi vào học ngành sư phạm. Ngoài ra, cần xây dựng chuẩn năng lực của GV theo xu hướng chung của thế giới. Đồng thời kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng GV bằng cách vận dụng các mô hình GD tiên tiến. Bên cạnh đó, mỗi nhà giáo phải tự học hỏi, tìm tòi và nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy.

Các địa phương cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các trường ĐH, CĐ trong đào tạo bồi dưỡng GV. Đây là sự phối hợp cần thiết trong giai đoạn hiện nay, bởi GV phổ thông cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng kết hợp lý thuyết với thực hành. Tuy nhiên, muốn bài giảng thực hành có kết quả cao, cần có sự giúp đỡ từ các trường ĐH, CĐ trong mỗi địa phương.

“Cần có các chính sách ưu đãi, chế độ tiền lương và tạo môi trường làm việc phù hợp để GV yên tâm công tác. Qua đó, tạo động lực để GV tiếp tục gắn bó và tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Thực tế chính sách tiền lương và những hỗ trợ cho nhà giáo hiện nay chưa đủ để họ cống hiến hết khả năng và tiến hành những nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao chất lượng GD. Đa số nhà giáo vẫn phải đi làm thêm bằng nhiều việc khác để trang trải cuộc sống” - TS Đỗ Thị Ánh dẫn giải.

Bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa

Nhân tố chính giúp nâng cao năng lực

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý Giáo dục trao đổi: Hiệu trưởng chính là người giữ mục tiêu phát triển nghề nghiệp của GV. Trước hết, hiệu trưởng phải là hình mẫu về học tập phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền phân tích, hiệu trưởng có ảnh hưởng đáng kể đến thái độ và hành vi của GV. Theo đó, các hiệu trưởng mẫu mực thường đặt mục tiêu học tập cho mình và coi việc học là cốt lõi trong công việc. Họ đặt ra phương hướng và kỳ vọng cho việc học tập trong trường cũng như bản thân. Vì thế, hiệu trưởng có ảnh hưởng đến niềm tin và thực hành của GV.

Cần có chính sách ưu đãi về tiền lương đối với nhà giáo. Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, từng vùng. Qua đó để nguồn nhân lực này chuyên tâm với nghề và họ sẽ nhận ra rằng, nâng cao năng lực sư phạm là nhu cầu tự thân nhằm đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. 

Xét ở phương diện kỹ năng nghề nghiệp, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, hiệu trưởng còn là chuyên gia và hỗ trợ GV cải thiện môi trường học tập cho mọi người trong trường học. Lãnh đạo trường học thành công được thể hiện trong chuyên môn, trong giảng dạy, GD cho HS.

Sự tín nhiệm của GV đối với hiệu trưởng từ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà hiệu trưởng biết và có thể làm. Theo đó, hiệu trưởng cần có kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, kiến thức chuyên môn là quan trọng nhưng chưa đủ. Hiệu trưởng cần đưa kiến thức chuyên môn của mình vào các hành động để tạo ra hỗ trợ và cải thiện môi trường học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong trường học của mình.

Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, hiệu trưởng cần có năng lực lãnh đạo giảng dạy. Việc tổ chức hoạt động dạy học trong trường cũng ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực nghề nghiệp của GV. Theo đó, hiệu trưởng có thể sử dụng hàng loạt các hoạt động để khuyến khích GV nâng cao năng lực. Chẳng hạn như thông qua các biểu tượng, hình ảnh, thông qua các lễ trao giải và sự tương tác hàng ngày với HS và GV...

“Nhìn một cách tổng quan, hiệu trưởng là nhân tố chính trong việc giúp xây dựng năng lực GV như những người học và tự chủ giảng dạy, bao gồm: Điều chỉnh phát triển chuyên môn với mục tiêu của trường và nhu cầu của GV, trao quyền cho GV trong ra quyết định; xác định nhu cầu; phát triển các quy trình lập kế hoạch; tạo ra các đối thoại về phát triển nghề nghiệp của GV; hỗ trợ nhiều cơ hội học tập khác nhau cho GV và tập trung vào việc học tập của HS” - PGS. TS Đặng Thị Thanh Huyền nói.

Tác giả bài viết: Minh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập484
  • Hôm nay64,769
  • Tháng hiện tại974,361
  • Tổng lượt truy cập49,300,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944