Dạy học gắn với di sản trong môn Ngữ văn: Đưa cuộc sống vào tiết học

Thứ tư - 29/12/2021 18:28 1.023 0
GD&TĐ - Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất và năng lực cho người học, các cơ sở GD đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”.
Dạy học gắn với di sản trong môn Ngữ văn: Đưa cuộc sống vào tiết học

Một trong những hoạt động góp phần thực hiện tốt mô hình này tổ chức hoạt động dạy học gắn với di sản.

Xây dựng lối sống tích cực, thân thiện

Dạy học gắn với di sản là sự tiếp nối và phát triển hơn nữa phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được ngành Giáo dục phát động trong những năm qua. Nếu trước đây, việc dạy học gắn với di sản trong nhà trường chỉ dừng lại ở việc nhận và chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa, đến nay hoạt động dạy học gắn với di sản được tổ chức phong phú với nhiều hình thức khác nhau:

Sử dụng di sản văn hóa để tiến hành bài học trên lớp: Đây là hình thức dạy học thông thường nhưng có sử dụng tài liệu về di sản để tổ chức hoạt động học tập cho học sinh. Tùy vào từng bài học, môn học, giáo viên có mức độ sử dụng di sản phù hợp.

Tiến hành dạy học tại nơi có di sản: Hình thức này còn được gọi là dạy học tại thực địa (không phải hoạt động ngoại khóa). Dạy học thực địa với những bài trong chương trình sách giáo khoa phải đảm bảo quy trình dạy học và đáp ứng chuẩn kiến thức kỹ năng.

Thực địa di sản tại nơi có những dấu tích còn vương lại nên học sinh được quan sát các dấu vết của quá khứ, được “mắt thấy, tai nghe” những kiến thức mà các em đang nghiên cứu. Hình thức này giúp các em nâng cao hiểu biết về kiến thức môn học, văn hóa địa phương, qua đó khơi dậy trong các em lòng yêu quê hương, đất nước.

Sử dụng di sản văn hóa để tổ chức các hoạt động ngoại khóa: Thi tìm hiểu về di sản, kể chuyện, nói chuyện về di sản, thành lập các câu lạc bộ di sản...

5 bước cơ bản của quy trình

Bước 1: Xác định các bài học, hoạt động giáo dục gắn với di sản: Căn cứ vào chương trình dạy học và thực tiễn di sản để lựa chọn các bài học, môn học hoặc hoạt động giáo dục có thể sử dụng dạy học gắn với di sản.

Bước 2: Lựa chọn nội dung kiến thức và hình thức tổ chức, phương pháp dạy học phù hợp. Sau khi xác định được các môn học, bài học có thể dạy học di sản, cần căn cứ vào mục tiêu dạy học để lựa chọn nội dung kiến thức và hình thức dạy học phù hợp.

Bước 3: Lập kế hoạch tổ chức dạy học gắn với di sản. Xác định được nội dung sẽ tổ chức dạy học gắn với di sản cũng như hình thức tổ chức, nhà trường cần lập kế hoạch thực hiện với các yêu cầu chính: Hoạt động dạy học đó sẽ được thực hiện như thế nào? Các lực lượng giáo dục phối hợp trong quá trình thực hiện, thời gian và địa điểm tiến hành...

Bước 4: Thiết kế và thực hiện các hoạt động dạy học gắn với di sản. Căn cứ vào nội dung và hình thức dạy học có thiết kế và tổ chức thực hiện khác nhau. Trong đó cần lưu ý hình thức dạy học tại thực địa (Hình thức 2) nếu người hướng dẫn hoạt động không phải là giáo viên, mà là người của di tích văn hóa, giáo viên cần chú ý bổ trợ để đảm bảo mục tiêu dạy học theo chương trình môn học.

Bước 5: Tổng kết đánh giá hoạt động dạy học gắn với di sản. Việc đánh giá bao gồm: Đánh giá việc thực hiện theo quy trình, ưu điểm, hạn chế và tình huống phát sinh khi thực hiện; Đánh giá kĩ năng và thái độ của học sinh khi được thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục gắn di sản.

Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động dạy học giáo dục gắn với di sản có thể thấy hình thức dạy học này giúp học sinh biết trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương, từ đó nhân lên niềm tự hào dân tộc trong tâm hồn các em, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và thúc đẩy ý chí học tập và rèn luyện để xứng đáng với truyền thống dân tộc.

Việc dạy học gắn với di sản, nhất là trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa cũng rút ngắn khoảng cách giữa bài học trên trang sách, trong nhà trường với thực tiễn, làm cho nội dung học tập gần với đời sống thật, qua đó kích thích hứng thú nhận thức của học sinh cũng như khơi gợi niềm đam mê, tạo động lực để học tập và sáng tạo.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm di sản, mỗi học sinh cũng phát triển hơn về kĩ năng học tập, trí tuệ và nhân cách để ngày càng trưởng thành và góp phần dựng xây quê hương đất nước trong tương lai. Hình thức dạy học gắn với di sản có thể tổ chức ở nhiều bộ môn, trong đó các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...

Dạy học gắn với di sản trong môn Ngữ văn: Đưa cuộc sống vào tiết học - Ảnh minh hoạ 2
Trò Kiều – một loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó, tác động sâu sắc tới đời sống, văn hóa, tinh thần của người dân Hà Tĩnh. Ảnh: ITN

Lưu ý khi dạy học tại thực địa

Dạy học chủ đề Nguyễn Du và “Truyện Kiều” gắn với di sản là hình thức dạy học phù hợp với đặc trưng bộ môn, thực tế địa phương. Hoạt động này có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, bồi dưỡng ý thức gìn giữ bảo tồn, phát triển các di sản dân tộc, giúp học sinh phát triển toàn diện: Đức, trí, thể, mĩ. Trong hoạt động dạy học này học sinh được tự mình trải nghiệm để chiếm lĩnh, kiến tạo tri thức. Do đó, các em hứng thú hơn, đặc biệt là phát triển tốt các kĩ năng và năng lực cần thiết để chuẩn bị hành trang xây dựng và phát triển quê hương đất nước trong tương lai.

Dạy học gắn với di sản được sử dụng khá nhiều ở môn Ngữ văn bởi đây là môn học có tri thức tích hợp từ nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực văn hóa, lịch sử... Dưới đây là thiết kế tổ chức các hoạt động dạy học chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều (Gắn với Khu di tích Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh) và các hình thức văn hóa dân gian liên quan đến tác giả và tác phẩm):

Giai đoạn 1: Xác định nội dung và hình thức dạy học gắn với di sản,  liên hệ với Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, mời nghệ nhân và cán bộ văn hóa để được hỗ trợ, thiết kế cụ thể cho từng hình thức dạy học gắn với di sản.

Giai đoạn 2: Tổ chức các hoạt động dạy học gắn với di sản:

Dạy học tại thực địa. Hình thức này được tiến hành với nội dung tìm hiểu chung về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều”. Hoạt động dạy học tại đây gồm 3 bước:

Bước 1: Ban Quan lý di tích thuyết trình về nguồn gốc, ý nghĩa của các di sản liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều” cho học sinh. Các em học tập qua bài thuyết trình kết hợp tham quan chiêm ngưỡng các hiện vật, di vật trong khu di tích.

Bước 2: Giáo viên khái quát, chuẩn hóa kiến thức trọng tâm về tác giả và tác phẩm. Có thể mở rộng liên hệ sâu từ những dấu ấn di sản để học sinh mở rộng tri thức.

Bước 3: Học sinh có những trao đổi từ việc học tập tại di sản, cán bộ quản lý di tích và giáo viên giải đáp.

Dạy học chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều ở trên lớp qua các đoạn trích Truyện Kiều: Thề nguyền, Trao duyên, Nỗi thương mình, Chí khí anh hùng. Trọng tâm của hoạt động dạy học chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều là phải làm sống dậy giá trị và sức sống của Truyện Kiều.

Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác có vị trí đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử dân tộc. Tác phẩm gần như đạt mức độ phổ cập đối với mọi thế hệ và tầng lớp nhân dân Việt Nam. Thậm chí, Truyện Kiều trở thành sinh hoạt văn hóa dân gian với các hình thức: Bói Kiều, lẩy Kiều, ngâm Kiều, trò Kiều.

Tác phẩm đã vượt qua giới hạn, bờ cõi của quốc gia dân tộc, chinh phục công chúng trên thế giới, trở thành tác phẩm duy nhất của Việt Nam được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển, bất hủ của mọi thời đại.

Để lan tỏa giá trị Truyện Kiều, ngoài hình thức dạy học tại thực địa và dạy học trên lớp cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm. Với chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều, chúng tôi tổ chức hoạt động ngoại khóa với nhiều hình thức: Thi bạn đọc thuộc Kiều, thi lẩy Kiều, đố Kiều, biểu diễn trò Kiều, bói Kiều...

Đặc biệt trong hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã mời CLB Trò Kiều Xuân Liên đến giao lưu và biểu diễn cho học sinh thưởng thức (Trò Kiều là hình thức nghệ thuật dân gian lấy cảm hứng từ Truyện Kiều.

Trò Kiều xuất hiện ở nhiều địa phương của Hà Tĩnh. Trong đó CLB Trò Kiều Xuân Liên - Nghi Xuân là nổi tiếng nhất, các nghệ nhân đã tham gia biểu diễn ở địa phương và các vùng miền khác nhau của đất nước).

Ngoài biểu diễn, các nghệ nhân còn truyền dạy lại cho các em một số trích đoạn Trò Kiều tiêu biểu nhằm tìm kiếm truyền nhân Trò Kiều để lưu giữ sức sống di sản cho quê hương, đất nước.

Nhà trường cũng tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm “Truyện Kiều” bằng hình thức bài viết, làm video clip hoặc sáng tác thơ ca nhạc họa...

Giai đoạn 3: Tổng kết hoạt động dạy học gắn với di sản. Hoạt động này nhằm đánh giá những ưu điểm, hạn chế của quá trình thực hiện dạy học gắn với di sản để rút kinh nghiệm và đưa ra những định hướng cho các chương trình dạy học di sản khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập457
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm456
  • Hôm nay91,475
  • Tháng hiện tại1,001,067
  • Tổng lượt truy cập49,326,750
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944