Để trường ĐH phát huy tối đa nội lực

Chủ nhật - 27/05/2018 05:27 630 0
GD&TĐ - Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với việc phát triển giáo dục đại học; hy vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực, từ đo có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như mở đường cho hội nhập sâu rộng.
Để trường ĐH phát huy tối đa nội lực

Bà Vũ Thị Lan Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội – cho biết như vậy khi chia sẻ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

4 lý do cần sửa Luật Giáo dục đại học

- Là thành viên Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung, xin bà cho biết đâu là cơ sở lý luận, thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục đại học hiện hành?

Năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học. Đây là đạo luật đầu tiên tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển giáo dục đại học. Vào thời điểm ra đời, Luật Giáo dục đại học đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc thúc đẩy giáo dục đại học phát triển, bước đầu đặt nền móng cho xây dựng tự chủ đại học.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, Luật Giáo dục đại học hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, từ sự bất cập của một số quy định trong luật, cho đến cơ chế thi hành pháp luật, dẫn đến tình trạng một số quy định của luật chưa đi vào cuộc sống, chưa đáp ứng tốt nhu cầu xã hội, nhất là trong lĩnh vực tự chủ đại học, quản trị đại học, quản lý đào tạo và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Những hạn chế này đã tạo nên những “nút thắt”, “điểm ngẽn” trong giáo dục đại học cần phải được tháo gỡ.

Cùng với đó, những thay đổi về nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho việc phát triển giáo dục đại học.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nhưng Luật này đã từng được sửa đổi bằng Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014. Việc sửa đổi Luật xuất phát từ việc có thực sự cấp thiết hay không, chứ không phải do luật ra đời lâu hay mới. Thực tiễn xây dựng luật của chúng ta thời gian cho thấy rất rõ điều đó. 
Bà Vũ Thị Lan Anh

Lý do thứ 2 cần sửa đổi là nhu cầu thể chế hóa các chủ trương chính sách của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD đại học theo Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết số 19 mới đây của Ban Chấp hành Trung ương.

Vì thế, cần phải thể chế hóa những quan điểm, chủ trương đó thành các quy định của pháp luật để có cơ sở pháp lý áp dụng trong thực tiễn.

Lý do thứ 3 là nhu cầu đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục đại học, trong bối cảnh sau thời điểm Luật Giáo dục đại học có hiệu lực vào năm 2013, hàng loạt các văn bản mới ra đời, trong đó quan trọng nhất là Hiến pháp 2013 và hàng loạt các văn bản khác có liên q uan đến giáo dục đại học ở nhiều khía cạnh, như Luật Đầu tư công, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công,… Các văn bản pháp luật mới ra đời đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học để tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, phù hợp trong hệ thống pháp luật.

Lý do thứ 4 là nhu cầu hội nhập quốc tế hướng tới xây dựng nền giáo dục đại học Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế, tiến tới đạt trình độ giáo dục đại học của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Như vậy, có thể thấy, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là nhằm đáp ứng cấp thiết việc phát triển của giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay.

Để trường ĐH phát huy tối đa nội lực - Ảnh minh hoạ 2
Bà Vũ Thị Lan Anh phát triển tại lễ bế giảng 1 khóa học tại Trường ĐH Luật Hà Nội

3 ưu điểm nổi bật của dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi

- Bà đánh giá như thế nào về những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi?

Đánh giá tổng quát, Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đề xuất sửa đổi 31 điều, bổ sung 2 điều, bãi bỏ 1 điều và một số sửa đổi về mặt kĩ thuật. Với tổng số điều sửa đổi, bổ sung như vậy, cơ bản dự thảo đã bám sát 4 chính sách lớn về giáo dục đại học mà Quốc hội đã thông qua.

Cụ thể đó là chính sách mở rộng phạm vi và nâng cao tự chủ đại học; chính sách đổi mới quản trị đại học; chính sách đổi mới quản lý đào tạo và chính sách đổi mới quản lý Nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.

Tôi thấy Dự thảo có 3 ưu điểm. Thứ nhất, đã phát huy được những điểm mạnh, những ưu điểm của Luật hiện hành; đồng thời khắc phục được những hạn chế, bất cập cơ bản, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những nút thắt chủ yếu trong giáo dục đại học và tác động tích cực tới phát triển giáo dục đại học trong tương lai.

Trong quá trình sửa đổi Luật, Ban soạn thảo cũng đã học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới, nên dự thảo có nhiều quy định tiến bộ, tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Thứ 2, Dự thảo đã thể chế hóa được chủ trương, chính sách của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, thể hiện ở những điều khoản rất cụ thể trong dự thảo.

Thứ 3 là đã có sự rà soát những mâu thuẫn chưa đồng bộ giữa Luật Giáo dục đại học hiện hành với hệ thống các văn bản pháp luật khác ra đời sau thời điểm Luật Giáo dục đại học có hiệu lực, như Luật Giá, Luật Phí và lệ phí, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật quản lý và sử dụng tài sản công để có sự chỉnh sửa phù hợp.

Theo tôi, dự thảo Luật Giáo dục đai học sửa đổi lần này về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với việc phát triển giáo dục đại học và hy vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục đại học phát triển, phát huy tối đa nội lực của mình để có thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như mở đường cho hội nhập sâu rộng.

- Tại sao Ban soạn thảo tại tập trung lựa chọn điều chỉnh 4 nhóm chính sách lớn này và đích đến của việc điều chỉnh này là gì, thưa bà?

Quy trình xây dựng luật của Việt Nam hiện nay rất chặt chẽ và thực hiện theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội với 4 nhóm chính sách đã nêu.

Qua nghiên cứu rà soát, Ban soạn thảo cũng như nhóm nghiên cứu nhận diện rất rõ bất cập nào xuất phát từ quy định của pháp luật, bất cập nào xuất phát từ cơ chế thi hành pháp luật và 4 chính sách này đã bao trùm những nội dung bất cập hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Nếu được Quốc hội thông qua thì Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này sẽ có tác động tích cực đến giáo dục đại học, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học theo xu hướng quốc tế, đổi mới quản lý đào tạo và đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.

Có thế thì giáo dục đại học mới có thể thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, có bệ phóng để phát triển vươn lên tầm khu vực và thế giới.

Để trường ĐH phát huy tối đa nội lực - Ảnh minh hoạ 3

Hội đồng trường được trao thực quyền

- Bà đánh giá như thế nào về những thay đổi trong quản trị đại học trong sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này?

Quản trị đại học cũng chính là 1 trong những nội dung đổi mới trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này.

Điểm mới rất quan trọng của Dự thảo là có phân biệt giữa quản trị và quản lý cơ sở giáo dục đại học. Hội đồng trường, Hội đồng quản trị là một thiết chế quản trị trường đại học được trao thực quyền để đảm bảo thực hiện tốt chức năng của mình.

Mô hình quản trị đại học theo dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này đã tiếp thu tối đa kinh nghiệm quốc tế. Theo đó, Hội đồng trường, Hội đồng quản trị quyết định những vấn đề quan trọng nhất, mang tính vĩ mô về mục tiêu, chiến lược, kế hoạch phát triển.

Với mô hình này, Hội đồng trường hoạt động hiệu quả để có thể từng bước thay thế và tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản theo đúng Nghị quyết của Đảng.

Mô hình đại học hiện đại này sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực trong việc thực hiện tự chủ, có sự linh hoạt, sáng tạo gắn liền với nhu cầu thị trường để nâng cao chất lượng, có thể tự đứng vững trong môi trường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch.

Trường ĐH công, tư bình đẳng trong việc tiếp cận vốn nhà nước đầu tư

- Một trong những mục tiêu của dự thảo Luật lần này là giảm bớt gánh nặng đầu tư cho giáo dục đại học của ngân sách nhà nước, tăng cường xã hội hóa, thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đại học khu vực tư nhân phát triển. Vậy sắp tới, đầu tư cho các trường công, tư như thế nào, dự thảo có điều khoản nào để giảm bớt khoảng cách công tư và tăng cường thu hút, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục đại học?

Đây cũng là vấn đề qua báo cáo tổng kết thi hành Luật Giáo dục đại học, rất nhiều trường quan tâm. Dự thảo Luật chú trọng xã hội hóa giáo dục đại học và tạo sự bình đẳng, không phân biệt công tư.

Cụ thể, điều 12 quy định rõ: Nhà nước có chính sách ưu tiên đầu tư ngân sách để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo mang tầm khu vực, quốc tế và cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao, cũng như là để phát triển một số ngành, vùng đặc thù, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Đầu tư các nguồn lực khác cho giáo dục đại học, phân bổ theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả và chú trọng chất lượng đầu ra mà không có sự phân biệt trường công và trường tư.

Như vậy, cơ sở giáo dục đại học tư thục có quyền bình đẳng với cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc tiếp cận vốn nhà nước đầu tư để phát triển.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng quy định chính sách xã hội hóa giáo dục đại học, khuyến khích cơ sở giáo dục đại học tư thục, các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên các cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận; khuyến khích và có chính sách ưu đã với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào hoạt động GD&ĐT và khoa học công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học để nhằm giảm đầu tư từ ngân sách nhưng vẫn có thể phát triển giáo dục đại học được.

Bên cạnh đó, còn sửa đổi điều 64, điều 66 quy định về nguồn thu. Trước đây, theo Luật hiện hành, nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học là nguồn thu ngân sách đứng đầu tiên; nhưng giờ quy định nguồn thu của cơ sở giáo dục đại học trước tiên tính đến là nguồn thu từ dịch vụ, còn nguồn từ ngân sách có thể có, có thể không có.

Đối với cơ sở giáo dục đại học có sử dụng ngân sách, phải quản lý theo quy định về quản lý tài chính, tài sản công, trên cơ sở ngân sách cấp theo kết quả đấu thầu đặt hàng và phải quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, đối với nguồn thu ngoài ngân sách, cơ sở giáo dục đại học được toàn quyền quyết định.

- Bà có thể cho biết thêm: Tại sao luật Giáo dục đại học sửa đổi lại cho phép các cơ sở được thành lập các công ty, doanh nghiệp?

Trước hết, phải khẳng định rằng, không phải Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này mới cho phép các trường đại học thành lập doanh nghiệp. Luật Giáo dục đại học hiện hành cũng đã có quy định như vậy.

Cụ thể, Luật cho phép thành lập các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các cơ sở sản xuất kinh doanh này đã bao gồm cả nghĩa là các doanh nghiệp, các công ty.

Trong dự thảo Luật lần này chỉ cụ thể hóa và quy định rõ là được thành lập doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19.

- Xin cảm ơn bà!

Trao đổi về câu chuyện GS Trương Nguyện Thành, bà Vũ Thị Lan Anh cho biết:

 

Tôi cho rằng, hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cần có nhiều năng lực, trong đó có năng lực quản lý và năng lực nghiên cứu. Vấn đề ở mức độ như thế nào, bao nhiêu là đủ.

 

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, quy định của luật hiện hành có giá trị bắt buộc thi hành, đây là nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.

 

Điểm a, điều 20 của Luật Giáo dục ĐH đã quy định: tiêu chuẩn hiệu trưởng là đã tham gia quản lý cấp khoa/phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm. Đối chiếu với quy định này, giáo sư Trương Nguyện Thành chưa đáp ứng điều kiện.

 

Mặc dù vậy, nếu thực tế cho thấy, quy định pháp luật chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn thì vấn đề sửa đổi luật sẽ được đặt ra. Hiện nay, dư thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang được xem xét, trong đó có nội dung sửa đổi điều 20 về tiêu chuẩn của hiệu trưởng.

Tác giả bài viết: PV (ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1320 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2321 | lượt tải:364

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2195 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập150
  • Hôm nay19,184
  • Tháng hiện tại869,530
  • Tổng lượt truy cập49,195,213
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944