Điều chỉnh chương trình đào tạo kỹ sư - hội nhập quốc tế sâu hơn

Chủ nhật - 08/11/2020 22:24 287 0
GD&TĐ - Theo quy định Luật GDĐH (sửa đổi), sinh viên đại học khối ngành kỹ thuật phải hoàn thành chương trình học từ 150 tín chỉ trở lên mới được cấp bằng kỹ sư.
Điều chỉnh chương trình đào tạo kỹ sư - hội nhập quốc tế sâu hơn

Quy định này buộc các trường phải chỉnh sửa và thay đổi mạnh chương trình đào tạo, cũng như kéo dài thời gian học tập.

Chủ động điều chỉnh 

Đến nay, hàng loạt các trường đại học có đào tạo khối kỹ thuật ở khu vực  phía Nam như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM đã hoàn thành những điều chỉnh về chương trình đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật theo quy định trước khi tuyển sinh khóa mới 2020 - 2024 theo hướng tăng dần thời lượng và thời gian đào tạo.

Phương thức điều chỉnh số tín chỉ bị thiếu theo luật mới (so với chương trình đào tạo cũ) được các trường sắp xếp phần lớn ở việc bổ sung thêm ở khâu thực hiện khóa luận, tiếng Anh chuyên ngành. 

Tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã điều chỉnh khối lượng chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật tăng thêm 10 tín chỉ tại 27 ngành đào tạo cấp bằng kỹ sư. 

Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, việc điều chỉnh chương trình và thời gian đào tạo cho sinh viên khối ngành kỹ thuật của trường không quá phức tạp. Bởi trước khi có Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT và Nghị định 99/2019 của Chính phủ, tổng thời lượng đào tạo chương trình kỹ sư của trường là 146 tín chỉ. Vì vậy, việc gia tăng thêm 10 tín chỉ (3 tín chỉ cho khóa luận tốt nghiệp, 7 tín chỉ tăng cường cho cơ sở ngành), chỉ tăng thêm khoảng 6 tháng thời gian đào tạo (4 năm lên 4 năm rưỡi).

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM từ nhiều năm nay, chương trình đào tạo và thời lượng học của sinh viên khối ngành kỹ thuật vẫn cao hơn khối ngành khác rất nhiều (141 tín chỉ so với 120 tín chỉ các khối ngành khác). Theo PGS.TS Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước kia sinh viên khối ngành kỹ thuật để lấy bằng kỹ sư phải học 220 tín chỉ (trong 5 năm), sau này giảm xuống 180 tín chỉ, rồi 141 tín chỉ sau Thông tư 07/2015 của Bộ GD&ĐT (quy định tối thiểu 120 tín chỉ với trình độ ĐH) nên việc thay đổi theo hướng gia tăng thêm số tín chỉ không phức tạp. 

Tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, việc yêu cầu sinh viên khối ngành kỹ thuật (nhận bằng kỹ sư) phải có khối lượng học tập nhiều hơn, nặng hơn sinh viên khối ngành khác được nhà trường triển khai và thực hiện từ năm 2014 với tiêu chí: Chất lượng và thực nghề. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết: 6 năm trước, sinh viên khối ngành kỹ thuật trúng tuyển vào trường phải học 4, 5 năm với tổng số tín chỉ là 142 mới đủ điều kiện tốt nghiệp. Sau đó, từ  năm 2016 - 2019, số tín chỉ trường yêu cầu sinh viên khối ngành kỹ thuật phải hoàn thành trong 4,5 - 5 năm học tăng dần đến nay khối lượng tín chỉ theo quy định với sinh viên ngành kỹ thuật đã là 163 tín chỉ. Vì vậy, các quy định và yêu cầu mới của Luật GDĐH (sửa đổi) không tác động nhiều đến chương trình đào tạo của nhà trường.

Điều chỉnh chương trình đào tạo kỹ sư - hội nhập quốc tế sâu hơn - Ảnh minh hoạ 2
7 trường Đại học Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng nhau cam kết nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư.

Thước đo là chất lượng đào tạo 

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, điều quan trọng các trường cần làm là xây dựng được khung chương trình đào tạo chuẩn, với điều kiện thực học, thực địa, thực chiến một cách bài bản, chuẩn chỉ cho sinh viên thông qua việc áp dụng công nghệ, đầu tư máy móc, gia tăng thêm các tương tác cơ sở ngành sinh viên cần học với môi trường thực tế ảo, môi trường công xưởng, nhà máy… chứ không phải chỉ ở việc điều chỉnh số tín chỉ đơn thuần. Bởi các giá trị thực học, thực hành cho sinh viên sau điều chỉnh chương trình đào tạo mới là điều quan trọng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho rằng: Việc điều chỉnh nội dung và thời lượng chương trình đào tạo cần thực chất, gắn với thương hiệu nhà trường và lợi ích của người học hơn là việc kiếm tìm giải pháp khỏa lấp cho đủ số lượng tín chỉ theo quy định. 

Thực tế, số tín chỉ đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật của Trường ĐH Bách khoa TPHCM hiện ở con số 150. Tuy nhiên, để gia tăng chất lượng hệ kỹ sư - thạc sĩ một cách toàn diện theo luật mới, nhà trường vẫn xây dựng lại chương trình đào tạo hệ đại học theo 2 hướng. 

“Theo đó, với chương trình cử nhân, sinh viên sẽ học trong 4 năm với 128 - 132 tín chỉ tùy ngành. Còn chương trình kỹ sư - thạc sĩ, sinh viên phải học 180 tín chỉ trong thời gian khoảng 5 – 5,5 năm. Đặc biệt, sinh viên trúng tuyển năm học 2020 - 2021 bắt đầu học theo chương trình cử nhân. Sau 2 năm, nếu sinh viên quyết định học tiếp 2 năm để lấy bằng cử nhân, hoặc học thêm 3 – 3,5 năm để hoàn thành chương trình kỹ sư - thạc sĩ đều được” - PGS.TS Bùi Hoài Thắng nói.

Thực tế, để bảo đảm chất lượng ngồn nhân lực kỹ sư đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới, trực tiếp cạnh tranh một cách sòng phẳng với nguồn nhân lực kỹ thuật của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành kỹ thuật ngoài việc chuẩn hóa chương trình đào tạo còn mở rộng liên kết hợp tác với các trường khác, để tạo thành một hệ thống trường kỹ thuật cùng nhau đẩy mạnh mô hình đại học sẻ chia (chia sẻ nguồn lực, giáo trình, cơ sở vật chất). 

Mới đây, 7 trường ĐH kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã cùng ký kết thống nhất phát triển chương trình đào tạo kỹ sư, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với chuẩn quốc tế. Theo đó, các chương trình đào tạo kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo khung trình độ quốc gia. Với khối lượng kiến thức toàn khoá tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hoá, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức giữa văn bằng kỹ sư và thạc sĩ.

Trước sự chuyển dịch và cam kết trong chất lượng đào tạo nguồn lực kỹ sư của các trường khối kỹ thuật, PGS.TS Nguyễn  Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT nhìn nhận: Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo kỹ sư không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà còn quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng kỹ sư truyền thống được chuẩn hoá và nâng cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1321 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2323 | lượt tải:365

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2196 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập419
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm418
  • Hôm nay59,246
  • Tháng hiện tại911,709
  • Tổng lượt truy cập49,237,392
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944