“Mùa” thầy đi tìm trò

Chủ nhật - 29/08/2021 21:37 402 0
GD&TĐ - Nếu như ở các thành phố lớn, phụ huynh phải “chạy đua” để nộp hồ sơ, tìm trường, chọn lớp cho con mình thì với nhiều địa bàn miền núi, đây là nhiệm vụ “bất thành văn” của giáo viên.
“Mùa” thầy đi tìm trò

Tháng 8 cao điểm mùa mưa cũng là lúc giáo viên miền núi bước vào mùa “tìm” trò. 

Tạm biệt gia đình… lên ngàn

“Đầu tháng 8, giáo viên trả phép để bắt đầu công việc của năm học mới. Người địa phương còn đỡ, chứ giáo viên dưới xuôi lên đây công tác nghỉ hè về quê chẳng được mấy, rồi lại vội vàng ngược ngàn” – thầy Hà Văn Ngoan, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí (huyện Mường Chà, Điện Biên) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Chia sẻ của thầy Ngoan cũng là thực tế chung của hầu hết giáo viên tại các địa phương miền núi hiện nay. Theo ông Phạm Thiết Chùy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé, theo lịch hàng năm, ngày 1/8 giáo viên các trường trả phép để bắt đầu nhận nhiệm vụ năm học mới.

“Những đoạn này thường chỉ đủ 2 xe máy lách nhau. Nhưng cứ mưa là lại sạt xuống 1 ít, đường chỉ còn vừa 1 bánh xe. Phía trên thì vách đá, dưới lại là vực sâu. Chỉ cần tâm lý không vững, hoặc đi không cẩn thận trật bánh chút thôi là xe rơi xuống vực. Không biết bao nhiêu xe, bao nhiêu đồ và cả người rơi xuống rồi” – thầy Cà Văn Sơn cho hay.

“Giáo viên sẽ mất khoảng 1 tuần để tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị… Thời gian còn lại tập trung tu sửa, dọn dẹp trường lớp và đi chiêu sinh cho năm học mới”, ông Chùy cho hay.

Khác với các vùng thuận lợi, ở miền núi, muốn có học sinh để dạy, các thầy cô buộc phải đi chiêu sinh. Tức là trực tiếp đến từng gia đình rà soát, tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Việc này phải được triển khai sớm mới có thể bảo đảm sĩ số học sinh ra lớp khi vào đầu năm học.

Học sinh miền núi, thường lên nương, đi rừng với bố mẹ cả ngày hoặc dài ngày, nhiều khi các thầy cô đến không gặp, phải chờ, phải đi tìm. Có chuyến, đi 1 điểm bản thôi mà giáo viên mất tới 1 tuần. Có trường hợp đến vài lần mới gặp.

“Nếu mình không đi vận động, nhiều em không ra lớp. Thậm chí vận động rồi, đến gần ngày khai giảng giáo viên phải lên tận nhà đón các em mới xuống trường”, thầy Cà Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Huổi Mí cho biết.

“Mùa” thầy đi tìm trò - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên muốn đi vận động học sinh tại điểm Háng Mò Lừ phải đi nhờ xuồng của dân.

Hành trang “độc”, lạ

Một ngày đầu tháng 8, khi con gà trống vừa cất tiếng gáy, căn nhà gỗ dựng tạm cạnh trường của vợ chồng thầy Hà Văn Ngoan đã sáng đèn. Cô Lê Thị Diễm (vợ thầy Ngoan) lục đục sắp xếp tư trang cho cuộc hành trình quen thuộc. Một ba lô con cóc dùng chung cho cả 2 vợ chồng để đựng tài liệu, nước uống, mì tôm…

Từ ánh sáng lập lòe của chiếc đèn pin gắn trên đầu, thầy Ngoan cẩn thận kiểm tra lại xăng xe, hệ thống phanh, máy móc… Thầy cũng không quên mở cốp xe để cất bộ xích mới mua, 1 chiếc kìm, 1 cuộn dây thừng, bộ đồ nghề vá săm... Gửi gắm 2 con gái cho hàng xóm, vợ chồng thầy lên đường đi tìm những đứa “con nuôi”.

“Nhìn những thứ đồ chuẩn bị, chẳng ai nghĩ chúng em là giáo viên. Nhưng đây đều là dụng cụ thực sự cần thiết, hỗ trợ thầy cô cắm bản vượt qua những khó khăn, trở ngại trong suốt hành trình đi đến các điểm bản để vận động học sinh ra lớp, đặc biệt là mùa mưa này”, thầy Ngoan nói.

Còn đối với cô giáo Lò Thị Loan và đồng nghiệp khác tại xã Sá Tổng (huyện Mường Chà), ngoài những thứ trên, áo phao là vật dụng không thể thiếu trong ba lô hành trang đi chiêu sinh. Sở dĩ phải vậy, vì trong hành trình hơn 40km từ trung tâm huyện lên điểm bản Háng Mò Lừ, có đến già nửa đường phải di chuyển bằng xuồng, bè ngược sông Đà.

“Không có bến bãi, giáo viên phải chờ người dân có xuồng, bè đánh bắt cá hoặc chở nông sản chạy qua để đi nhờ. Mỗi thầy cô đều chủ động chuẩn bị sẵn áo phao để tự bảo vệ mình. Mùa mưa hay có bão, lũ, rất dễ lật xuồng”, cô Loan lý giải.

“Mùa” thầy đi tìm trò - Ảnh minh hoạ 3
 Đường lên các điểm bản mùa mưa thường xuyên sạt lở, đi lại hết sức khó khăn.

Dốc “nuốt” xe

Cung đường gần 30km từ trung tâm xã Huổi Mí, ngược lên 5 điểm bản: Pa Xoan 1, 2; Huổi Ít A, B và Pa Ít có hàng chục con dốc, với 1 bên vách đá, còn bên kia là vực thẳm. Những “điểm đen” vốn không tên, giờ được người ta gọi chung là “dốc nuốt xe”. Bởi, hằng năm chẳng ai đếm được có bao nhiêu chiếc xe cứ qua những điểm này lại bị hỏng hóc, rơi xuống vực.

Còn riêng với thầy Ngoan, trong hơn 10 năm công tác tại Huổi Mí không nhớ nổi bao nhiêu lần chứng kiến đồng nghiệp và trực tiếp bị rơi xe xuống vực. Chuyện xe hỏng hóc, phải thay săm, lốp, xích… được thầy Ngoan ví như “cơm bữa”.

Thầy Ngoan tâm sự: “Em nhớ lần gần nhất đi chiêu sinh, lúc đi thì trời nắng đẹp, về lại gặp mưa. Đường trơn, qua 1 điểm dốc xe bị trật bánh, trượt xuống. Để bảo toàn tính mạng, không còn cách nào khác, em đành nhảy ra, đứng nhìn xe và đồ rơi xuống vực”.

May mắn, cả xe và đồ trôi xuống khoảng hơn chục mét thì mắc vào 1 thân cây lớn. Thầy Ngoan được các giáo viên khác đi cùng đoàn hỗ trợ, dùng dây thừng ròng xuống kéo xe lên. Nhưng đồ thì rơi mất, và xe cũng hư hỏng nặng.

Mỗi lần gặp nạn như thế, các thầy cô ở đây lại tích thêm kinh nghiệm. Và chiếc ba lô hành trang cũng ngày một dày thêm bởi những vật dụng tưởng chừng rất lạ lẫm…

“Mùa” thầy đi tìm trò - Ảnh minh hoạ 4
Xe rơi xuống vực không còn là chuyện hiếm ở vùng cao Huổi Mí. 

“Nín thở” qua sông mùa bão

Đối với thầy cô giáo ở các trường tiểu học, mầm non đóng chân trên địa bàn xã Sá Tổng (huyện Mường Chà), sau hành trình vượt hàng chục ki-lô-mét đường bộ mùa mưa, họ lại đối mặt với 20km đường sông để lên với điểm bản Háng Mò Lừ.

Bản có hơn 50 hộ, với 100% đồng bào Mông sinh sống. Tại đây có 2 lớp mầm non (khoảng gần 70 trẻ) và 2 lớp tiểu học (gần 50 học sinh). Từ trung tâm huyện Mường Chà, để đến điểm dân cư này chỉ có con đường độc đạo ngược lên thị xã Mường Lay, xuôi dòng sông Đà khoảng 2 giờ, rồi lại vượt 2 giờ đi bộ ngược núi.

Mùa chiêu sinh, cũng là mùa bão. Hơn 2 giờ ngồi trên chiếc thuyền chòng chành chở cả người lẫn xe vốn đã đủ lo lắng; lại thêm mỗi lần có sóng đánh, hoặc gió lớn tạt, các thầy cô phải nín thở.

“Mùa” thầy đi tìm trò - Ảnh minh hoạ 5
Những bánh xe “đặc quánh” bùn đất

Cô Loan tâm sự: “Mùa chiêu sinh năm nào chúng em đi cũng gặp trường hợp như vậy. Hễ mưa bão hoặc chỉ cần có xuồng lớn chạy qua, sóng đánh cũng khiến thuyền chòng chành, chao đảo. Đã có trường hợp bị lật thuyền, cũng may có dân giúp đưa vào bờ, nhưng đồ thì ướt hết. Vì thế, bọn em ai cũng mang theo 1 chiếc áo phao để phòng thân”.

Là giáo viên từng “cắm” tại điểm bản Háng Mò Lừ, thầy Quàng Văn Thu hiểu hơn ai hết thử thách này. “Tôi từng bị lật xuồng vài lần rồi, nhưng vì biết bơi nên tự vượt qua được. Chỉ thương các cô giáo mầm non, nhiều khi hoảng sợ thật sự. Vì thế, lần nào đi chiêu sinh chúng tôi cũng hẹn nhau đi tập trung thành nhóm 3 - 5 người và xác định phải cả tuần. Chuyến nào cũng chuẩn bị đầy đủ gạo, cá khô… để lên đó nấu. Nhưng nhiều lần xui, lật xuồng, gạo hay đồ ăn cũng chẳng còn” – thầy Thu bộc bạch.

“Mùa” thầy đi tìm trò - Ảnh minh hoạ 6
Những lớp học đông đủ học sinh là niềm hạnh phúc của giáo viên miền núi.

Chỉ cần có học sinh

Do đặc thù miền núi, nên đa phần dân cư sinh sống rải rác và chia thành các nhóm nhỏ. Nhiều điểm cách xa trung tâm xã tới vài chục ki-lô-mét, giao thông là đường đất, đá, đi lại hết sức khó khăn.

Mùa chiêu sinh, cũng là mùa mưa ở Tây Bắc. Những cơn áp thấp gối nhau kéo mưa, lũ về. Mưa rừng xối xả ngày đêm, khiến những con đường vốn chẳng mấy thuận lợi, trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều giáo viên.

Thế nhưng, đi mãi thành quen. Đối diện với những thử thách ấy, giờ đây không còn thấy khuôn mặt nhăn nhó, mà thay vào đó là nụ cười rạng rỡ của những con người đầy nhiệt huyết.

“Hơn 10 năm công tác tại miền núi, tôi và đồng nghiệp vẫn phải đi trên những con đường như thế. Cho đến giờ, đi lên bản hầu hết vẫn là đường đất do dân tự khai phá. Cứ mưa xuống là trơn trượt, đường xói mòn thành rãnh sâu, hoặc chỉ còn trơ lại đá hộc. Đi chẳng được, dừng lại cũng không xong, nhiều lần chỉ muốn vứt xe, nhưng chưa lần nào nghĩ sẽ bỏ cuộc” – thầy Thu tâm sự.

Cũng như thầy Thu, thầy Ngoan, cô Loan… đều có thâm niên hơn 10 năm công tác tại những điểm bản hội tụ đủ khó khăn đặc thù của miền núi. Mỗi mùa mưa tới, họ lại khăn gói hành trang quen thuộc lên đường đi tìm học trò.

“Có nhất thiết phải thế không?”, “Điều gì mới là động lực thực sự?”… là thắc mắc thường thấy của không ít người mỗi lần chứng kiến hình ảnh về họ. Câu trả lời nằm trong trái tim của mỗi người, nhưng điều mỗi thầy cô luôn chắc chắn, đó là “chỉ cần có học sinh, họ sẵn sàng lên đường”.

“Mỗi ngày khai giảng, nhìn các em có mặt đông đủ, trong bộ trang phục đẹp nhất, rạng rỡ dưới sân trường cũng đủ khiến chúng tôi hạnh phúc rồi. Ở miền núi này đâu chẳng vậy!” – thầy Sơn nói.

Vì học sinh mà những bước chân băng rừng, ngược núi, vượt sông của giáo viên miền núi vẫn bền bỉ trải khắp các bản làng vùng cao. Mỗi lứa học trò miền núi trưởng thành là món quà giá trị, “biến” giọt mồ hôi, nước mắt và những hy sinh của các thầy cô giáo trở nên vô cùng ý nghĩa!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1321 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1001 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2323 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2876 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2198 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập368
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm367
  • Hôm nay59,246
  • Tháng hiện tại950,976
  • Tổng lượt truy cập49,276,659
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944