Nâng chất thư viện trường học - bài toán khó

Thứ ba - 26/11/2019 03:34 443 0

Nâng chất thư viện trường học - bài toán khó

GD&TĐ - Dự án Luật Thư viện đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Các ý kiến cho rằng, trong 8 loại thư viện mà dự thảo luật nêu ra thì thư viện cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất. Thư viện trường học góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thư viện trường học vẫn chưa được đầu tư tương xứng và quan tâm đúng mức.

Chưa được đầu tư tương xứng

Theo đại biểu Lâm Đình Thắng (đoàn TP Hồ Chí Minh), nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học đều phải có thư viện. Các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm. Họ rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học.

 Trong khi đó thư viện cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư tương xứng. Bên cạnh nhiều đơn vị xem thư viện là trái tim của trường học, vẫn còn nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện. Có trường bố trí thư viện ở tầng cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không phù hợp và không thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện. 
Đại biểu Quốc hội Lâm Đình Thắng

Cũng theo đại biểu, kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho học sinh. Trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng một năm không đủ để trang bị sách cho học sinh. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho học sinh.

Cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chế độ chính sách bảo đảm cho cuộc sống và tạo động lực cho nghề nghiệp, cũng không có chế độ thâm niên, không có phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên đứng tuổi không còn sức khỏe giảng dạy tại lớp.

Góp phần nâng cao chất lượng dạy học

Khẳng định thư viện trường học thực chất có vị trí, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) trao đổi: Dù mang tính đặc thù riêng nhưng vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường.

Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo, về cơ sở pháp lý, tính từ thời điểm Pháp lệnh Thư viện năm 2000 được ban hành đến nay đã có trên 30 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thư viện. Theo đó, trong trường phổ thông, thư viện được xác định là một hạng mục thiết yếu, là trung tâm sinh hoạt văn hóa khoa học của nhà trường, được Nhà nước đầu tư xây dựng hạng mục và hoạt động khá đồng bộ với phòng học bộ môn chức năng của nhà trường.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thực tiễn cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề. Thứ nhất, ở một số trường học hiện nay, thư viện chỉ được coi là một kho chứa sách, gây lãng phí về phòng ốc, nhất là ở một số nơi nhà trường còn thiếu phòng học. Điều này còn gây lãng phí khi nguồn tài nguyên của thư viện không được khai thác. Còn có nơi không được đầu tư về cơ sở vật chất, số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao. Thư viện không hướng tới nhu cầu của độc giả, dẫn tới nhiều học sinh phổ thông không còn thiết tha với thư viện trường học.

Nâng chất thư viện trường học - bài toán khó - Ảnh minh hoạ 2
 Một góc thư viện của Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Hà Nội). Ảnh: Minh Phong

Thứ hai, tại nhiều nhà trường nhắc đến thư viện là nhắc tới một vị trí cố định, có khi lại đặt không hợp lý trong khuôn viên, không thuận lợi cho học sinh lui tới, thời gian hoạt động thì theo giờ hành chính, mở cửa khi học sinh đã vào học và đóng cửa trước khi học sinh tan học.

Thời gian nghỉ giải lao ở trường hạn hẹp, trong khi đó hầu hết học sinh cần vận động chứ không phải tiếp tục ngồi đọc sách trong thư viện nhà trường vào thời điểm này... Do đó, bên cạnh một số nhà trường đã có cách nhìn nhận không đúng về tầm quan trọng của thư viện thì tại hoạt động của chính bản thân các nhà trường cũng đã không bảo đảm cho học sinh có cơ hội được tiếp cận thường xuyên với thư viện.

Thứ ba, chất lượng phục vụ trong thư viện nhà trường ở nhiều nơi không cao. Người làm công tác thư viện hoặc là kiêm nhiệm hoặc thiếu trình độ chuyên môn, thiếu kỹ thuật, nhiều khi không hợp tác, tạo tâm lý e ngại cho học sinh. Hình thức hoạt động của thư viện còn đơn điệu, khó tạo được hứng thú, thu hút người đọc.

Thứ tư, bản thân các nhà trường thường chỉ quan tâm đến nội dung, cách thức giảng dạy từ giáo viên tác động đến học sinh, ít khuyến khích giáo viên trong hướng dẫn học sinh khả năng tự học, tự tìm kiếm tài liệu để hình thành thói quen. Nghĩa là nhà trường đã không chú trọng đến công tác phát triển kỹ năng đọc cho học sinh từ sớm.

Từ những thực tiễn nêu trên, đại biểu Phương Thảo đề nghị bổ sung vào Điều 14 dự thảo Luật Thư viện một mục quy định về các hình thức thư viện của loại hình thư viện trường học. Đó là các hình thức thư viện thân thiện, đa chức năng, ngoài trời, lưu động hay các thư viện mini, góc thư viện tại mỗi lớp học. Thực tế, các hình thức này đã và đang tồn tại, phát huy hiệu quả ở nhiều nhà trường, nhiều địa phương. Tuy nhiên, các mô hình hiệu quả đó chưa có chính sách khuyến khích, nhân rộng và chưa được quy định trong dự thảo luật cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong công tác chủ trì, phối hợp về thư viện trường học. Cần cụ thể hóa quy định khi thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường; Đồng thời bố trí các môn học hợp lý, có thời gian nhất định để học sinh được tiếp cận và hình thành thói quen nghiên cứu, khai thác tài liệu ngay tại thư viện nhà trường.

 “Hiện đã có 400 thư viện các trường đại học và cao đẳng, gần 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện, trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số thư viện của cả nước. Nếu kể cả các tủ sách, phòng đọc trong trường học thì hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc”.
                                                       Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1289 | lượt tải:289

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 982 | lượt tải:264

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2294 | lượt tải:355

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2851 | lượt tải:465

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2167 | lượt tải:314
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập119
  • Hôm nay19,483
  • Tháng hiện tại567,085
  • Tổng lượt truy cập48,892,768
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944