Nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh: Không phải chuyện bất thường

Thứ tư - 14/08/2019 04:25 518 0

Nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh: Không phải chuyện bất thường

GD&TĐ - Trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa Các khoa học GD Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc một số trường ĐH nâng điểm chuẩn để không tuyển sinh không có gì là bất thường. Song từ câu chuyện này, các trường cũng cần rút ra bài học trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là cần thích nghi với cơ chế tự chủ và sự điều tiết của xã hội.

Thí sinh không mất đi cơ hội học tập

* Dư luận đang có những bình luận khác nhau về việc một số trường ĐH “cố tình” nâng điểm chuẩn đầu vào lên cao ở một số ngành để đánh trượt thí sinh. Là chuyên gia về tư vấn tuyển sinh, PGS có ý kiến gì về việc này?

- Theo tôi, nếu nhìn ở góc độ tích cực và theo tinh thần đổi mới thì đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Chúng ta phải chấp nhận có những thay đổi trước yêu cầu của đổi mới GD. Cần nhấn mạnh rằng, chúng ta đang thực hiện tự chủ trong đào tạo. Vì thế phải tính đến tình huống, các trường có đủ điều kiện để đào tạo hay không? Trong trường hợp chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển, mà nhà trường vẫn tổ chức để đào tạo thì không chỉ là lãng phí nguồn nhân lực, tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến quá trình đào tạo sinh viên sau này.

Mặt khác, chính sách tuyển sinh năm nay cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH “n” nguyện vọng. Vì thế, thí sinh có thể trượt ngành này nhưng vẫn có nhiều cơ hội để lựa chọn ngành khác, trường khác để học tập. Do đó, việc nhà trường không tiếp nhận thí sinh cũng là tạo cơ hội để các em lựa chọn ngành nghề khác phù hợp với nguyện vọng của mình. Tôi cho rằng, xét về bản chất thì thí sinh không phải trượt ĐH hoàn toàn và cũng không hề mất đi cơ hội học tập của mình.

* Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc nâng điểm chuẩn đầu vào để đánh trượt thí sinh của một số trường ĐH là vi phạm Quy chế tuyển sinh. Vậy quan điểm của PGS về vấn đề này như thế nào?

- Tôi không nghĩ như vậy! Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và điểm chuẩn trúng tuyển là do các trường ĐH tự xác định. Nhà trường có thể hạ điểm chuẩn để tuyển sinh. Trong trường hợp quá ít thí sinh thì họ cũng có thể tăng điểm chuẩn lên để không mở ngành. Đó là chuyện bình thường và không vi phạm luật cũng như không vi phạm Quy chế.

Ở một góc độ khác, nếu giả sử các trường hạ thấp điểm chuẩn để tuyển đủ thí sinh thì chẳng khác gì “vơ bèo vạt tép”. Hoặc nếu nhà trường vẫn xác định trúng tuyển cho một vài thí sinh, sau đó “gửi” sinh viên sang trường khác đào tạo thì về mặt dư luận sẽ có nhiều vấn đề không tốt xảy ra.
Vì thế chúng ta hãy nhìn theo chiều hướng tích cực rằng, đây cũng là giải pháp tốt cho các thí sinh. Hơn nữa, khi đã thực hiện cơ chế tự chủ trong đào tạo thì nhà trường có quyền từ chối cung cấp dịch vụ.

Tôi hiểu dư luận đang nhấn mạnh ở chỗ một số trường ĐH đang “cố tình” nâng điểm để đánh trượt thí sinh. Nhưng chúng ta cũng cần bình tĩnh và nhìn nhận đánh giá ở nhiều góc độ. Hiện nay, có một số ngành đặc thù Nhà nước đặt hàng các trường đào tạo. Với những ngành này, dù có ít thí sinh thì nhà trường cũng phải tổ chức đào tạo. Chẳng hạn như: Nhà nước đặt hàng cho một số trường ĐH đào tạo nhân lực ngành Điện hạt nhân, Triết học... Giả sử trường chỉ tuyển sinh được 5 - 10 thí sinh thì họ vẫn phải tổ chức đào tạo. Nếu anh cố tình không đào tạo sẽ là vấn đề bất thường.

Nhưng ở một số lĩnh vực, ngành nghề mà có nhiều cơ sở GD cùng đào tạo thì sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ trong tổ chức đào tạo. Tức là các trường sẽ phải căn cứ vào điều kiện cần và đủ để đáp ứng quá trình đào tạo đó. Do đó nếu chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển thì liệu rằng, có bảo đảm điều kiện cần và đủ để nhà trường tổ chức đào tạo hay không?

Nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh: Không phải chuyện bất thường - Ảnh minh hoạ 2

Theo chính sách hiện nay, thí sinh không bị giới hạn khi đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH; do đó cơ hội học ĐH của thí sinh rất lớn. Nếu thí sinh trượt ở ngành này có thể được xét sang ngành khác để học. Đó là hướng đi rất mở cả về khía cạnh quản lý Nhà nước và quyền lợi của thí sinh. Vì thế, không nên cực đoan và nghĩ rằng, một số trường nâng điểm chuẩn đầu vào để không tuyển sinh là bất lợi cho thí sinh. PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Các trường phải thích nghi với điều tiết của xã hội

* Nhưng rõ ràng chúng ta vẫn phải có chế tài nào đó đối với các trường vì không thể để trường mở ngành nhưng không có sinh viên học?

- Theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, các trường ĐH phải độc lập và tự chủ trong quá trình đào tạo. Ngành nào không tuyển được thí sinh thì sẽ phải đóng cửa. Cụ thể, trong 3 năm liên tiếp, ngành đó không tuyển sinh được thì phải đóng ngành. Tôi nghĩ, việc này sẽ do thị trường điều chỉnh, đồng thời cũng đặt cho các trường bài toán về tuyển sinh và chất lượng đào tạo. Thế mới nói, việc các trường đẩy điểm chuẩn lên cao để không có thí sinh trúng tuyển cũng là chuyện cực chẳng đã, vì rất có thể ngành đó sẽ đối diện với nguy cơ phải “đóng cửa” nếu như 2 năm tiếp theo không tuyển sinh được. Đây là điều mà các trường không bao giờ mong muốn.

* Từ câu chuyện cho thấy, đã đến lúc các trường phải thích nghi với sự điều tiết của xã hội và cạnh tranh lành mạnh. Điều này cũng đòi hỏi các trường phải xây dựng chiến lược phát triển mới phù hợp với thực tiễn?

- Hoàn toàn chính xác! Đã đến lúc các trường phải thiết kế chương trình đào tạo khác đi hoặc phải làm công tác tuyển sinh cho tốt hơn. Theo đó, nhà trường phải thay đổi chương trình đào tạo, thay đổi cách quảng bá tuyển sinh để thu hút thí sinh. Qua đây cũng cho thấy, những tín hiệu tích cực của ngành GD khi cơ chế tự chủ từng bước được triển khai thực hiện. Ở một góc độ nào đó, các trường cũng phải thích nghi với quy luật của thị trường hiện nay.

* Nói như vậy chúng ta đang đi đúng hướng về tự chủ ĐH - thưa PGS?

- Đúng vậy! Đây là hướng đi đúng trong tự chủ GD, trong đó có vấn đề tổ chức đào tạo của các trường ĐH. Theo đó, nếu trường bảo đảm được chất lượng đào tạo và nguồn lực thì sẽ tổ chức tuyển sinh, còn không thì dừng lại. Thực ra, các trường tư thục họ đã quen với vấn đề này. Hoặc ở nước ngoài, trường ĐH họ có “n” ngành đào tạo. Có trường ĐH có khoảng 200 chương trình đào tạo nhưng thực tế họ chỉ đào tạo 50 chương trình, còn các ngành kia là dự phòng, để trong vòng 3 - 5 năm nữa, khi có thị trường, có thí sinh thì họ sẽ tổ chức đào tạo, còn không họ “đóng cửa”.

Cái hay trong chính sách tuyển sinh hiện nay là, các trường ĐH được đa dạng hóa các chương trình đào tạo và quá trình tuyển sinh; không còn nặng nề tuyển sinh theo mùa như trước. Đây là hướng đi rất đúng của GDĐH. Song cũng phải nhìn nhận rằng, đây là một trong những dấu hiệu để các trường xác định: Phải thích nghi với cơ chế tự chủ. Trước đây, Nhà nước bao cấp, nên giả sử nếu có 1 sinh viên thì nhà trường cũng đào tạo. Điều đó không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chính sách GD.

* Cũng từ thực tế nêu trên, PGS có cho rằng, đã đến lúc chúng ta tính đến câu chuyện giải thể hoặc sáp nhập những trường ĐH yếu kém?

- Tôi đồng ý! Cách quản lý của Nhà nước và Bộ GD&ĐT rất hay, tức là không đi theo hướng quản lý hành chính. Chúng ta không thể nói, trường này kém nên phải quyết định đóng cửa hoặc giải thể hay sáp nhập. Bây giờ, tốt - kém sẽ do thị trường và xã hội quyết định. Nó giống như doanh nghiệp, nếu kinh doanh, làm ăn không hiệu quả thì họ sẽ tự xin đóng cửa.

Vì thế, với những trường từ cao đẳng lên ĐH, nếu không thay đổi nguồn lực bên trong, không đổi mới chương trình đào tạo thì sẽ rất khó để tuyển sinh. Khi không có sinh viên thì sẽ tự phải đóng cửa hoặc sáp nhập với một trường nào đó. Đây là quy luật của thị trường và là một trong những dấu hiệu tích cực của GD.

* Xin cảm ơn PGS!

Tác giả bài viết: Minh Phong (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập563
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm561
  • Hôm nay102,093
  • Tháng hiện tại1,011,685
  • Tổng lượt truy cập49,337,368
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944