Nhà giáo “3 trong 1”

Thứ sáu - 12/02/2021 21:01 184 0
GD&TĐ - Giáo viên là nhân tố quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đặc biệt, triển khai mô hình dạy học phát triển năng lực, vai trò của người giáo viên sẽ có sự thay đổi rất lớn.
Nhà giáo “3 trong 1”

Nhà giáo - nhà khoa học - người truyền cảm hứng là áp lực hay cơ hội phát triển và ngày càng khẳng định vị thế của nghề dạy học trong xu thế đổi mới?

TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Cần thích ứng với mô hình đào tạo mới

Đội ngũ nhà giáo của chúng ta trước đây được đào tạo chuyên sâu, chuyên môn, ví dụ giáo viên Văn chỉ được đào tạo để dạy Văn, giáo viên Sử chỉ đào tạo để dạy Sử nhưng bây giờ phải dạy tích hợp liên môn đòi hỏi phải có kiến thức chung. Vì vậy, các thầy cô giáo phải có ý thức về vấn đề này để tự mình học hỏi, bổ sung thêm kiến thức đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Ngoài ra, trong điều kiện thế giới phẳng, công nghệ thông tin phát triển mỗi một thầy cô giáo phải ứng dụng được công nghệ mới, bổ sung cho mình những kiến thức, cập nhật vào bài giảng chuyển tải đến học sinh. Nếu các thầy cô chỉ quan niệm mỗi giờ lên lớp là hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy sẽ không tạo cho học sinh niềm đam mê. Người giáo viên lên lớp không chỉ truyền thụ kiến thức mà điều quan trọng phải truyền lửa cho học sinh, cuốn hút các em yêu thích môn học.

Theo tôi, công đoàn phải vào cuộc tham gia để giúp các nhà giáo thực hiện tốt các yêu cầu trên. Điều đó được thể hiện trước tiên ở sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nhà giáo học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, công đoàn cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để thầy cô giáo có cơ hội trao đổi, nhân rộng kinh nghiệm; mỗi một lần trình bày như vậy thầy cô giáo cũng sẽ trưởng thành hơn.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành – Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Không phải thợ dạy

Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực đòi hỏi giáo viên cũng phải có năng lực tương ứng. Bởi vậy, cơ sở đào tạo giáo viên cần phải điều chỉnh chương trình đào tạo để có thể đáp ứng được chuẩn mới theo hướng phát triển năng lực, đặc biệt là tăng cường các kỹ năng.

Bên cạnh đó, để đào tạo học sinh đáp ứng được yêu cầu hội nhập đặc biệt là trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã quy định phải có 5 phẩm chất, 10 năng lực trong đó có 3 năng lực chung là: Tự học và tự chủ; giải quyết vấn đề và sáng tạo; giao tiếp và hợp tác. Như vậy trong chương trình đào tạo giáo viên cũng phải đổi mới phương pháp dạy học để sinh viên sư phạm hình thành các kỹ năng, năng lực đó cũng như biết ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào đào tạo.

Trong thế giới phẳng, những thông tin, hoạt động, việc làm mà học sinh đưa lên mạng, nhiều khi giáo viên chưa được đào tạo để xử lý. Cần có những chương trình bồi dưỡng, tập huấn để giáo viên biết về tâm lý lứa tuổi hiện nay cũng như kỹ năng trao đổi, hành xử với phụ huynh. Giáo viên cũng biết rõ những điều được làm, những điều không nên làm trong bối cảnh mới.

Nhà giáo “3 trong 1”
Nhà giáo là người truyền động lực và đam mê cho học sinh.

ThS Nguyễn Hữu Long - Người sáng lập Dự án đào tạo và hỗ trợ giáo viên: Phương pháp giảng dạy cũ sẽ bị thay thế

Trong mô hình dạy học phát triển năng lực, giáo viên sẽ trở thành người xây dựng và thiết kế chương trình. Điều này có vẻ khá mới và lạ với nhiều người. Tuy nhiên, khi sách giáo khoa trở thành một trong số các tài liệu giảng dạy, việc học hướng đến hình thành năng lực của người học, giáo viên sẽ phải chủ động trong việc lựa chọn nội dung, xác định các minh chứng để đánh giá từng năng lực, thiết kế và tổ chức hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm bộ môn…

Thay vì giảng, cho học sinh ghi chép, giáo viên cần xây dựng, thiết kế và tổ chức các hoạt động để học sinh làm, trải nghiệm, từ đó rút ra những kiến thức, kĩ năng cần thiết. Điều đó có nghĩa là khuôn khổ giờ học cùng các phương pháp giảng dạy cũ sẽ bị thay thế, giáo viên có quyền chủ động trong việc lựa chọn phương pháp cũng như các ý tưởng hoạt động trải nghiệm cho việc dạy học của bản thân.

Giáo viên được chủ động trong quá trình đánh giá và đưa phản hồi đến người học. Thay vì chỉ tập trung vào điểm số, thầy cô sử dụng một loạt các đánh giá, và sử dụng các đánh giá đó làm minh chứng cho những kết luận, phản hồi về quá trình học tập của học sinh. 

Cô Nguyễn Thị Loan - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, huyện Hoài Đức (Hà Nội): Khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn người học

Tôi luôn tâm niệm: Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà việc khơi dậy ngọn lửa tâm hồn cho người học. Trong quá trình giảng dạy, tôi tự nhủ phải tạo sự mới mẻ và tâm thế thoải mái cho học sinh trong mỗi hoạt động học tập. Tôi không sử dụng một phương pháp giảng dạy chung cho các lớp học; không lặp đi lặp lại một cách dạy cho cùng một đơn vị kiến thức với nhóm học sinh khác nhau bởi tôi hiểu rằng, mỗi học sinh có phong cách học khác nhau.

Trong các bài dạy, tôi thường kết hợp hình ảnh, âm nhạc, video, trò chơi, sử dụng các ứng dụng của Office 365, website trực tuyến như Kahoot, Quizizz... để học sinh thấy hào hứng với bài học và từ đó say mê hơn với môn học, học tập hiệu quả hơn. Trước sự chuyển đổi của công nghệ số, tôi luôn ứng dụng CNTT trong giảng dạy, kiểm tra đánh giá; chú trọng việc rèn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho học sinh. Với việc thiết kế kế hoạch giảng dạy theo hướng nghiên cứu bài học, tôi đã giao cho học sinh các nhiệm vụ như: Sưu tầm tài liệu trên Internet, làm PowerPoint, video, poster... theo yêu cầu cụ thể của từng bài học. Nhờ vậy kĩ năng sử dụng CNTT của học sinh tiến bộ hơn mỗi ngày… Đó là cách để các em phát huy năng lực, phẩm chất và nhà giáo là người hướng dẫn, truyền động lực và niềm đam mê học cho các em.

Chúng ta nên tổ chức quản trị nhà trường khoa học, hạn chế các loại sổ sách không cần thiết, ứng dụng CNTT để có thể giảm tải công việc hành chính giúp cho các thầy cô có thời gian, sức lực tập trung vào công việc chuyên môn. Các thầy cô cần trở thành nhà giáo dục, không phải thợ dạy. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe. - PGS.TS Nguyễn Chí Thành 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1322 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1004 | lượt tải:270

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2327 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2877 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2200 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập441
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm440
  • Hôm nay67,436
  • Tháng hiện tại977,028
  • Tổng lượt truy cập49,302,711
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944