Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học: Sáp nhập, giải thể… là tất yếu

Thứ sáu - 19/04/2019 09:45 392 0

Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học: Sáp nhập, giải thể… là tất yếu

GD&TĐ - Việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quy hoạch nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở GD ĐH.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - chia sẻ như vậy khi nói về quá trình thực hiện nghiên cứu “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD ĐH Việt Nam” do ông làm chủ nhiệm. Đây là 1 trong số 50 đề tài khoa học triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho xây dựng chính sách GD.

Không áp đặt tư duy của nhà quản lý

- Bộ GD&ĐT đang triển khai chương trình khoa học GD với 50 đề tài nghiên cứu. Theo ông, làm sao để giữa các nghiên cứu này và chính sách đến gần nhau hơn?

- Theo tôi, quan trọng là đề bài, mục tiêu. Quan trọng không phải chúng ta làm gì mà là làm để đạt mục đích gì. Trong GD nói chung, GD ĐH nói riêng có nhiều vấn đề về chính sách; cần phải nghiên cứu những vấn đề đó để thấy rõ mục tiêu đạt được.

Tôi cho rằng, muốn “gần nhau”, đầu tiên phải “xa nhau”, phải độc lập. Phía đặt bài không nên can thiệp, không áp đặt tư duy của nhà quản lý. Bên nghiên cứu phải độc lập. Tư duy độc lập nhưng không được tạo ra “ốc đảo” mà cần trao đổi, sử dụng, kế thừa kết quả của nhau. Dù tư duy độc lập, nhưng quan hệ làm việc phải chặt chẽ với nhau trên cơ sở cùng tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để có nhiều thông tin hơn; các nhà nghiên cứu cũng có được nhiều thông tin hơn về chính sách của Nhà nước, nắm được tình hình thực tiễn, các điểm nghẽn, từ đó nghiên cứu không phải trên giấy, lý thuyết...

Đây cũng là cách chúng tôi đã và đang làm khi thực hiện đề tài này.

- Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu gặp những khó khăn gì từ cơ quan “đặt bài”?

- Khó khăn nhất là áp lực thời gian. Chúng tôi vừa phải nghiên cứu, vừa phải cung cấp các kết quả trung gian cho cơ quan đặt hàng nên rất áp lực.

Hiện nay, kết quả nghiên cứu được công bố dưới dạng các bài báo để nhận được sự phản biện của xã hội. Do đó, mới dừng lại ở những công bố đơn lẻ theo chuyên đề.

- Nhận định của ông, kết quả đề tài nghiên cứu liệu có đóng góp được nhiều cho xây dựng chính sách như mong muốn?

- Các nhà khoa học luôn mong muốn đề tài của mình được ứng dụng càng nhiều càng tốt. Nhưng điều này phụ thuộc trước hết vào chất lượng kết quả nghiên cứu; sau đó là khả năng thuyết phục, cách viết báo cáo ra sao, nghiên cứu và công bố kết quả thế nào, cách truyền đạt thông tin kết quả nghiên cứu ra sao để thuyết phục các nhà làm chính sách và tạo đồng thuận xã hội.

Thời gian tới sẽ có đề án về sáp nhập, hợp nhất, giải thể một số cơ sở GD ĐH công lập hoạt động kém hiệu quả. Hy vọng quá trình đóng góp luận cứ của nhóm nghiên cứu, cách tiếp cận, phương án thực hiện với tiêu chuẩn, tiêu chí… sẽ tạo đồng thuận trong xã hội.

Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học: Sáp nhập, giải thể… là tất yếu - Ảnh minh hoạ 2

Làm chính sách thông qua đặt hàng nghiên cứu là cách làm không phải mới. Tuy nhiên, lần này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đi một bước mạnh hơn là không chỉ đặt hàng các đề tài mà có cả một chương trình. Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT có rất nhiều vấn đề, do đó, cần xây dựng một chương trình nghiên cứu để các đề tài liên kết chặt chẽ với nhau và phải phủ kín được các lĩnh vực.

PGS Hoàng Minh Sơn

Các trường không “khoanh tay” chờ

- Ông có thể chia sẻ về đề tài nghiên cứu “Cơ sở khoa học của quy hoạch mạng lưới các cơ sở GD ĐH Việt Nam”?

- Chúng tôi đã thu thập những dữ liệu quan trọng về nhiều mặt hoạt động của hơn 217/235 trường, kể cả tư thục, từ đó có thể đưa ra nhiều nhận định về bức tranh chung về GD ĐH Việt Nam hiện nay. Qua đó cho thấy, bên cạnh phần lớn các cơ sở GD ĐH có nỗ lực đổi mới mạnh mẽ, đạt được những bước tiến tích cực, vẫn còn khá nhiều trường thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng và hiệu quả hoạt động kém.

Cũng theo dữ liệu thu thập được, hiện có khá nhiều trường quy mô nhỏ (dưới 5 nghìn sinh viên) hoặc rất nhỏ (dưới 2 nghìn sinh viên), hoạt động không hiệu quả. Đây là hệ quả của giai đoạn số lượng trường tăng nhanh trong khi nguồn lực (cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên) không tăng kịp. Nhiều trường ở vào thế “bất lợi” do chỉ đào tạo đơn lĩnh vực, không có được sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành để phát triển bền vững như ở các trường đa lĩnh vực.

Dựa trên những dữ liệu thu thập được, nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí phân loại, đánh giá chất lượng, hiệu quả các trường từ các góc độ: Điều kiện đảm bảo chất lượng (bao gồm cơ sở vật chất, tài chính và con người); chất lượng, hiệu quả đào tạo; nghiên cứu; hợp tác kết nối cộng đồng; năng lực quản trị. Theo đó, các trường được phân thành 4 mức: Không đạt; đạt tối thiểu; đạt khá và đạt cao.

Nghiên cứu đề xuất, các trường không đạt chuẩn tối thiểu sẽ cùng cơ quan chủ quản xây dựng đề án và chọn phương án sắp xếp, tái cấu trúc và cải thiện hoạt động, chứ không phải hễ không đạt thì sáp nhập hay giải thể ngay. Họ có thể lựa chọn đưa ra các cam kết cùng mục tiêu, giải pháp cụ thể trong đề án của mình, chẳng hạn, bằng cách nào cải thiện được các chỉ số về chất lượng, hiệu quả trong 2 - 3 năm nữa.

Ngoài ra, các trường cũng có thể đề xuất sáp nhập với một cơ sở mạnh hơn để được hỗ trợ về đội ngũ giảng viên, tài chính, năng lực quản trị và cả thương hiệu, trên cơ sở hai bên cùng có lợi; hoặc một, hai hay nhiều trường hợp nhất thành một trường mới mạnh hơn, lớn hơn, trên cơ sở tận dụng thế mạnh của nhau để khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực. Cuối cùng, các trường có thể lựa chọn phương án giải thể hoặc chuyển đổi thành một cơ sở GD khác, dạy nghề hoặc GDTX...

- Những đề xuất của nhóm nghiên cứu khi đi vào thực tiễn liệu có “tạo sóng?

Chính sách đề xuất thì luôn muốn đem lại tác động tích cực, giảm tác động tiêu cực; còn tác động thế nào phụ thuộc nhiều vào quan điểm và cách tiếp cận.

Cần nhấn mạnh lại: Việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quy hoạch nhằm mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống; không phải mục đích là giảm về số lượng.

Tôi đã trao đổi với nhiều cơ sở GD ĐH thì các trường đều đồng thuận hướng đi như vậy. Bản thân các trường, kể cả trường không mạnh cũng nhận thức rõ việc này; coi sắp xếp, hợp nhất, giải thể là quá trình tất yếu. Thậm chí một số trường đã đi trước; đã hình thành nhóm trường, có liên minh bước đầu. Trong hệ thống năng động này, đặc biệt khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH được ban hành, các trường không khoanh tay chờ, không ngồi yên. Họ chỉ mong chờ Nhà nước có chính sách để có thể thực hiện điều đó thuận lợi hơn, tốt hơn.

Chính sách Nhà nước bên cạnh tạo cơ sở pháp lý cho các trường thực hiện, nên cho họ phương án để lựa chọn. Ví dụ, trường đang hoạt động kém hiệu quả có thể có thời gian 3 năm để cải tiến chất lượng chẳng hạn; hoặc lựa chọn hợp nhất, liên kết với một trường nào đó… Nhà trường phải xây dựng đề án và đề án đó được Chính phủ thẩm định, phù hợp với đề án chung. Chỉ khi không thể có phương án nào tốt hơn mới tính đến việc giải thể - đây là giải pháp cuối cùng.

Các trường cũng mong chờ hỗ trợ về tài chính, vì quá trình tái cấu trúc là quá trình rất cần sự hỗ trợ về tài chính để sắp xếp lại đội ngũ, cơ sở vật chất.

- Ông có tin vào thành công của chính sách có sự đóng góp nghiên cứu của mình và đồng nghiệp?

- Thành công trước hết phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo cao nhất, vì việc này liên quan đến rất nhiều cơ quan, bộ ngành… Cùng với đó là ý chí của người đứng đầu nhà trường. Trên thực tế, có nhiều hiệu trưởng rất tâm huyết, muốn đổi mới; nhưng cũng có những người không muốn điều này. Do vậy, rất cần một chủ trương quyết liệt từ bên trên.

Ngoài ra, việc tạo đồng thuận trong xã hội cũng vô cùng quan trọng. Muốn làm được điều này, các bên liên quan phải có phương án, lộ trình phù hợp.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1321 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1001 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2324 | lượt tải:366

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2876 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2198 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập396
  • Hôm nay47,619
  • Tháng hiện tại957,211
  • Tổng lượt truy cập49,282,894
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944