Ủng hộ sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục ĐH

Thứ hai - 05/11/2018 10:57 412 0
GD&TĐ - Sáng mai (6/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Là đại biểu Quốc hội, đồng thời là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ông Hoàng Văn Cường hy vọng phần đông ý kiến sẽ ủng hộ để Luật này sớm được thông qua.
Ủng hộ sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục ĐH

Tạo thay đổi căn bản trong quản trị đại học

- Ông nhận định thế nào về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được thảo luận tại Quốc hội?

Dù chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng những điều sửa đổi trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục đại học tạo ra sự thay đổi rất căn bản trong quản trị đại học, đặc biệt, tách bạch được nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học với nội dung quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Điều đó giúp mục tiêu của chúng ta là đẩy nhanh tự chủ đại học trở thành hiện thực. Tôi cho rằng, đó là thành công lớn nhất của dự thảo Luật lần này?

- Là người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý ở cơ sở giáo dục đại học, đâu là vấn đề ông quan tâm nhất trong dự thảo?

Điều các cơ sở giáo dục đại học rất đón chờ Luật này được thông qua là nó quy định rất rõ về giao quyền tự chủ cho các trường. Có rất nhiều quyền trước đây thuộc về quyền quản lý của cơ quan nhà nước, đặc biệt là bộ chủ quản, thì bây giờ đã chuyển cho các trường tự quyết định. Cùng với đó, phân định rất rõ quyền hạn và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý của nhà trường (Hội đồng trường) với cơ quan thực thi các nhiệm vụ quản trị (đó là Ban giám hiệu). Điều này giúp cho Hội đồng trường được thành lập từ trước đến nay, nhiều khi còn hình thức, sẽ trở thành thực chất hơn.

Tự chủ không có nghĩa nhà nước không đầu tư

- Một số người băn khoăn khi thực hiện tự chủ đại học sẽ gây khó cho một số ngành, trường - vốn không thu hút được học sinh, sinh viên. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tự chủ ở đây không có nghĩa là nhà nước không đầu tư cho giáo dục đại học. Phương thức đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học trong cơ chế tự chủ thay đổi khác so với cách đầu tư trước đây là bao cấp.

Trước đây bao cấp, chúng ta đầu tư theo duy trì hoạt động của nhà trường, như trả lương trực tiếp cho nhà trường, hoặc trả tiền vận hành các chi phí chi thường xuyên.

Nhưng cách thức đầu tư theo tự chủ là nhà nước sẽ thực hiện đầu tư theo các công trình để phát triển đại học, hoặc chủ yếu đầu tư theo đặt hàng để giúp việc cung cấp các sản phẩm cho xã hội, hoặc nhà nước sẽ cung cấp học bổng cho người học.

Như vậy, những ngành, lĩnh vực có thể không hấp dẫn với người học, nhưng lại có thể rất cần cho xã hội thì nhà nước sẽ đặt hàng cho các trường và trả tiền cho các trường; trường nào tốt, thu hút được người học vào ngành đó thì sẽ được nhận kinh phí đặt hàng. Hoặc nhà nước sẽ cấp học bổng cho người học ở ngành đó, người học dùng học bổng để vào những trường đào tạo tốt.

Như vậy không có nghĩa tự chủ là người học không có điều kiện hoặc ngành khó khăn không đào tạo được. Thậm chí trong cơ chế tự chủ còn quy định rất rõ, trường tự chủ phải có trách nhiệm trong việc cung cấp các quỹ về học bổng, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Như tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong những năm thực hiện tự chủ, nhà trường vẫn dành tỷ lệ phần trăm học phí thu được để cấp học bổng cho những học sinh nghèo học giỏi, cho học sinh thuộc diện chính sách; hoặc ngành không có nhiều người mong muốn, hay xã hội hóa thấp nhưng rất cần đào tạo, nhà trường thu mức học phí thấp và lấy ngành thu học phí cao để bù đắp.

Tôi cho rằng, tự chủ phải tạo ra được sự phát triển theo mục tiêu của ta chứ không phải tự chủ là cái gì có tiền thì làm, không có tiền thì không làm.

Ủng hộ sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục ĐH - Ảnh minh hoạ 2
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường 

Luật thông qua sẽ giúp tự chủ các trường đại học thực sự được thực hiện

- Vậy còn điều gì ông băn khoăn về dự thảo hay không?

Tôi có điều còn băn khoăn, nhưng đó không phải vấn đề lớn mà chỉ là vấn đề kĩ thuật. Tôi cho rằng, những vấn đề đó, Ban soạn thảo cũng nên lắng nghe, tiếp thu, chỉnh sửa.

Ví dụ, chúng ta giao quyền cho Hội đồng trường là đúng, nhưng nhiều khi còn hơi lẫn giữa quyền của Hội đồng trường với quyền của Ban giám hiệu, lẫn giữa quyền quản lý với quyền quản trị. Ví dụ: trong tổ chức bộ máy, Hội đồng trường được giao quyền quyết định đến các nhân sự trong bộ máy quản lý, cụ thể không chỉ là Hiệu trưởng, Hiệu phó mà cả bộ máy quản lý là phòng ban chức năng, các đơn vị nội bộ - thuộc về bộ máy giúp việc cho Hiệu trưởng, không nên giao quyền đó cho Hội đồng trường mà Hiệu trưởng phải là người quyết định. Đó là việc cần điều chỉnh.

Hay chúng ta giao quyền cho Hội đồng trường rất nhiều, nhưng chưa quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng trường, đặc biệt trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường...

- Với cả những tâm đắc và điều còn băn khoăn như vậy, ông có tin dự thảo Luật sẽ được thông qua trong kỳ họp này?

Tôi nghĩ rằng dự thảo Luật đã đạt được những mục tiêu chính của đổi mới quản trị đại học, nên hy vọng phần đông các ý kiến đều sẽ ủng hộ để Luật này sớm thông qua.

- Theo ông, việc Luật này được được thông qua sẽ có ý nghĩa như thế nào với các cơ sở giáo dục đại học nói chung, Trường ĐH Kinh tế quốc dân nói riêng?

Việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ giúp tự chủ các trường đại học thực sự được thực hiện; hoạt động quản trị các trường cũng thực chất hơn; đặc biệt là hoạt động quản trị của Hội đồng trường.

Với Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã được giao tự chủ từ nhiều năm nay, nếu Luật được thông qua thì các điểm trường đang phải thực hiện tự chủ theo Đề án thí điểm gần như được chính thức hóa bằng luật, như vậy nhà trường sẽ yên tâm hơn để thực hiện theo mô hình quản trị tự chủ. Điều đó cũng chứng tỏ, quy định trong luật đã được kiểm nghiệm, có sức sống thông qua quá trình tự chủ của trường trong những năm vừa qua.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1320 | lượt tải:291

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1000 | lượt tải:269

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2321 | lượt tải:364

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2874 | lượt tải:469

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2195 | lượt tải:315
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập377
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm373
  • Hôm nay22,397
  • Tháng hiện tại872,743
  • Tổng lượt truy cập49,198,426
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944