Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng

GD&TĐ - Ngoài Fansipan là “nóc nhà Đông Dương”, thì đỉnh Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) nằm trong tốp 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam, cao 2.913m với những cung đường hiểm trở bậc nhất. Nơi ấy, vẫn có những nữ giáo viên trẻ đang bám trụ.
Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng
Về Lùng Cúng, niềm háo hức khám khá những vùng đất mới dần nhường chỗ cho sự kinh ngạc và lo lắng khi chúng tôi phải đánh vật với cung đường nhão nhoét, trơn trượt, đầy ổ voi, ổ trâu. Giờ đây, nhớ lại cung đường từ xã Nậm Có lên bản Lùng Cúng, trong chúng tôi đan xen cả nỗi ám ảnh, cả niềm thương…

Grừm... grừm...!

Tiếng động cơ xe gầm gè, lớp bùn nhão nhoét văng tung tóe, chiếc Jupiter bất lực nằm im. Đôi chân nhỏ bé của cô Dương không đủ sức để nhấc chiếc xe ra khỏi khe rãnh của con đường đầy sống trâu gồ ghề bao phủ bởi lớp bùn đất.

Hành trình 25km từ xã Nậm Có lên bản Lùng Cúng mới chỉ bắt đầu được 2km, cô Dương đành bỏ xe lại, đi bộ lên trường. Nơi đó, tít trên đỉnh của vùng đất Mù Cang Chải khó khăn, bên những gốc táo mèo, điểm trường mầm non Lùng Cúng với 2 lớp học đơn sơ, không điện, không nước, không đường, không sóng điện thoại, chỉ có vài bộ đồ chơi do các cô giáo tự tay làm và ánh mắt trong veo của những đứa trẻ người Mông lấm lem bùn đất, dạn dày nắng gió của vùng miền núi xa xôi.

Lùng Cúng là một bản vùng sâu vùng xa nghèo khó của vùng núi Tây Bắc. Từ trung tâm xã lên Lùng Cúng gần như chỗ nào mặt đường cũng bị xẻ thành bốn, năm rãnh, đá hộc lởm chởm, trơn trượt, dốc đứng quanh co, đường đi nhỏ hẹp. Vào những ngày tạnh ráo, nếu đi xe máy mất khoảng ba tiếng đồng hồ, còn những ngày mưa như hôm cô Dương lên trường thì đi bộ có lẽ nhanh hơn...đi xe máy.

Đến với nghề từ chữ “mưu sinh”, nhưng được níu giữ bằng chữ “thương”. Nếu không phải vì thương lũ trẻ nghèo khó vùng cao, chắc có lẽ các cô giáo trẻ Nông Thị Dương (sinh năm 1992) và Lý Thị Kiều (sinh năm 1992) và cô Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1987) chẳng thể tuần nào cũng lặn lội đến nơi “4 không” suốt mấy năm qua để dìu dắt tụi trẻ vượt qua khó khăn, tiếp cận với con chữ.

Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng - Ảnh minh hoạ 2
 Chiếc xe đã không thể vượt qua được con đường lầy lội, trơn trượt bởi sống trâu. Cô Dương đã phải bỏ xe lại đi bộ lên trường. 

Theo chân cô Dương lên trường, càng đi lên cao đường vào bản càng quanh co trơn trượt. Đường trơn bởi những tảng đá bị mưa và mây phủ quanh năm bào mòn. Tôi dần lọt thỏm trong sương mù, chỉ có thể nhìn rõ đường đi trong khoảng cách tầm hơn 20m trở lại. Ngồi trên chiếc Win do những “tay cơ” lão luyện bản địa điều khiển, vậy mà số lần chúng tôi xuống đi bộ vẫn nhiều hơn ngồi trên xe.

Nhớ những ngày đầu lên Lùng Cúng, cô Dương kể: “Ngày mới lên đây, em đã được các chị đi trước cảnh báo “mày sẽ khóc mấy tuần đấy”. Quả thật, mới đầu chưa đi được xe nên Dương toàn phải đi bộ. Thi thoảng gặp dân thì đi nhờ, nhưng đi nhiều phụ thuộc, ngại quá nên cô quyết tâm tập đi xe. Thời gian đầu cứ ngã lên ngã xuống, nhiều lúc mệt quá chẳng buồn dựng xe lên nữa. Đi xe lúc trời mưa còn lâu hơn đi bộ, đi 2 năm rồi mà lần nào về cũng đau nhừ người như vừa đánh nhau.

Dù được “trải nghiệm” con đường “đau khổ” này, nhưng tôi vẫn không thể tin được rằng các cô giáo trẻ chân yếu tay mềm lại dám và có thể lái xe máy trên con đường này. Con đường mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải oằn mình mới có thể vượt qua.

Người ngồi sau như tôi chỉ thiếu nước chằng người vào xe, nhắm mắt nhắm mũi để mặc người lái “con” Win vượt khe, vượt dốc. Những con “chiến mã” chuyên leo núi được trang bị thêm cả xích, ốp xung quanh lốp giúp bám đường tốt hơn, vậy mà cũng không chịu nổi. Xích gia cố lốp không ít lần đứt rời bởi độ dốc, bởi sự trơn trượt, bởi bị quăng lên quật xuống trên những ổ voi, sống trâu.

Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng - Ảnh minh hoạ 3
Con đường mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải oằn mình mới có thể vượt qua.  

Giữa mây mù bao phủ, mưa vẫn không ngừng rơi, lưng áo ai cũng sũng nước, nước do mồ hôi từ bên trong đổ ra chứ không phải do mưa.

Tiếng tâm sự của Dương đôi lúc đứt quãng, dành cho tiếng thở để lấy lại sức cho hành trình cuốc bộ. Dương bảo, trong 3 chị em, cô Kiều được coi là tay lái “cứng” nhất, thế mà có lần từ trường xuống bản, vì đường trơn quá mà đi một lúc thấy tự nhiên xe quay ngược lại lên trên, đánh vật mãi mới quay đầu xe đi tiếp xuống.

Cô bảo, để đi được xe, không những tay cứng mà chân cũng phải cứng, vì phần lớn quãng đường phải dùng 2 chân làm chân chống cho xe. “Mấy chị em đi lên hay đi xuống thường đi cùng nhau, người nọ đẩy giúp người kia, có nhiều đoạn hiểm trở, sơ sẩy một chút là ngã xuống vực ngay”.

Dưới chân tôi, đôi ủng từ chỗ khó nhọc dần trở nên vô thức, nhấc lên khỏi đám bùn đất nhão nhoét dưới chân do mưa dầm dề cả tuần nay. Cứ thế, đi rồi nghỉ, nghỉ rồi đi, sau gần 6 tiếng đồng hồ, tôi cũng đi ra khỏi sương mù đến một đoạn đường bằng phẳng đầy nắng. Đó là đỉnh Lùng Cúng…Phía trước là lớp học mầm non. Có tiếng trẻ nhỏ quện cùng tiếng gió nơi đỉnh cao heo hút…

(Còn nữa)

Bài 2: Nỗi niềm trên đỉnh “4 không”

Tác giả bài viết: Theo Ghi chép của THU HÀ Báo Quân đội nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944