Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Bài học từ những tranh luận về “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”

GD&TĐ - Tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” đã triển khai gần 40 năm nay và có những ưu điểm nhất định, được giáo viên, học sinh đón nhận. Theo ông Nguyễn Đức Hữu - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), những ý kiến trái chiều về tài liệu này gần đây chính là bài học để chúng ta làm tốt công tác truyền thông khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK.
Bài học từ những tranh luận về “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”

“Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” được nhân rộng bởi ưu điểm nội tại

Ông Nguyễn Đức Hữu cho biết, từ năm học 2008 - 2009, Bộ GD&ĐT có công văn hướng dẫn triển khai thí điểm “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” trong 7 tỉnh trên tinh thần tự nguyện của các địa phương. Từ kết quả của đơn vị đã triển khai, các địa phương khác học tập, trao đổi kinh nghiệm, nhân rộng để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt, đặc biệt là đối với học sinh dân tộc. Sau mỗi năm học, các nhà trường, Sở GD&ĐT báo cáo về Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở nhu cầu của địa phương, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo mở rộng ra các đơn vị có nhu cầu, đáp ứng và đảm bảo về giáo viên cũng như cơ sở vật chất, cùng sự sẵn sàng của cha mẹ học sinh.

Bài học từ những tranh luận về “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” - Ảnh minh hoạ 2

Giáo dục được thụ hưởng bởi thế hệ trẻ

Năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”, từ đó đề xuất kiến nghị có triển khai tài liệu này nữa hay không. Kết quả khảo sát cho thấy, việc triển khai tài liệu này ở các địa phương đã đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt đối với kết quả giáo dục học sinh và năng lực chuyên môn giáo viên. Báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội đồng thẩm định tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”. Hai vòng thẩm định tài liệu này được thực hiện trong năm 2017 và 2018. Các tác giả đã chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” theo kết luận của Hội đồng thẩm định.

“Cho đến nay, tôi khẳng định tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” đáp ứng được theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định và đang triển khai ở địa phương, góp phần giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, học sinh đổi mới phương pháp học tốt hơn những năm trước” - ông Nguyễn Đức Hữu cho hay.

“Chúng tôi muốn giữ ổn định việc tiếp tục triển khai tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”, không mở rộng phạm vi chính là vì lý do như vậy” 

Ông Nguyễn Đức Hữu

chia sẻ.

Nói về thế mạnh của tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”, theo ông Nguyễn Đức Hữu đó là học sinh cuối lớp 1 học theo tài liệu này đọc thông, viết thạo, nắm chắc về ngữ âm và quy tắc chính tả. Học theo kiến thức trong tài liệu này là tách âm ra với tiếng và dạy trên phương diện ngữ âm học; dạy cho học sinh theo cách nhận diện trực quan nhất và cũng hết sức đơn giản chứ không như một số ý kiến nói làm khó cho học sinh. Ông Hữu cho rằng, học theo tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”, học sinh tham gia vào quá trình bài học và phát triển tính chủ động, sáng tạo. Cách dạy học này giúp học sinh phát triển năng lực, so với chương trình hiện hành không có những bất cập.

“Riêng về hạn chế của tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” không phải lớn. Tài liệu trước khi thẩm định còn có từ ngữ khó hiểu với học sinh, hoặc có bài tập đọc khá dài. Bộ GD&ĐT đã thẩm định 2 vòng tài liệu này và cho đến nay, cơ bản tồn tại được khắc phục” - ông Nguyễn Đức Hữu nêu quan điểm.

Đổi mới phải chấp nhận dư luận xã hội

Trả lời câu hỏi những tranh luận về “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” - một tài liệu đã được triển khai gần 40 năm qua - tác động gì không đến việc chuẩn bị triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Đức Hữu chia sẻ: Trước đây chúng ta thực hiện 1 chương trình, 1 bộ SGK, còn tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” là thí điểm nhằm tìm ra một giải pháp, một cách tiếp cận, hay nói khác đi là phương án nhằm tăng chất lượng dạy học tiếng Việt với học sinh lớp 1.

Tới đây, triển khai Chương trình, SGK mới theo Nghị quyết của Quốc hội, từ việc triển khai “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” với cả ý kiến đồng thuận và trái chiều, chúng tôi thấy rằng, cần làm tốt hơn công tác truyền thông, đặc biệt đối với phụ huynh, nhà trường, dư luận xã hội. Việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình có nhiều con đường, nhiều cách tiếp cận và chúng ta chấp nhận những cách thức của các bộ SGK khác nhau, các tác giả khác nhau và những phương pháp giáo viên lựa chọn nhằm thích hợp nhất với học sinh của mình, để đạt mục tiêu từng môn học cũng như cấp học.

Bài học từ những tranh luận về “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” - Ảnh minh hoạ 3

Học sinh tiểu học hào hứng với Tiếng Việt 1

“Đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Trong quá trình đổi mới, chúng ta phải chấp nhận dư luận xã hội. Phải làm tốt công tác truyền thông, nhất là với phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo. Khi nào phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo sẵn sàng thì chúng ta có thể thực hiện đổi mới thành công được” - ông Nguyễn Đức Hữu cho hay.

Về kế hoạch sử dụng tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” trong thời gian tới, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học cho biết: Khi ban hành chương trình tổng thể và chương trình các môn học, Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định các loại tài liệu dạy học được đưa vào trong nhà trường với tư cách là sách giáo khoa. Khi đó, tài liệu “Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” cũng như các bộ SGK khác, bình đẳng như nhau. Nếu đạt được các yêu cầu tiêu chuẩn đã đặt ra và đạt được mục tiêu yêu cầu giáo dục mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các danh mục SGK để nhà trường, các địa phương lựa chọn.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944