Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Cần hành lang pháp lý tạo động lực cho người làm công tác GD

GD&TĐ - Đề cập về Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục trình Quốc hội tới đây, ông Bùi Văn Phương – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có những ý kiến thể hiện sự quan tâm tới lĩnh vực giáo dục.
Cần hành lang pháp lý tạo động lực cho người làm công tác GD

Ông Bùi Văn Phương nhận định: “Giáo dục trong hai thập niên gần đây tuy đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhưng còn quá nhiều vấn đề đặt ra: Về chương trình học, về biên soạn sách giáo khoa; về chất lượng giảng dạy và sự đồng bộ giữa dạy chữ và dạy người; về đạo đức nhà giáo, đạo đức học trò… gây nên sự lo lắng cho tương lai đất nước.

Vì vậy, điều tôi quan tâm nhất trong việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này là vai trò quản lý Nhà nước về giáo dục phải được tăng cường mạnh mẽ.

Theo đó, Nhà nước phải tạo được những hành lang pháp lý để quy tụ, phát huy sức mạnh của những người làm công tác giáo dục, và Luật Giáo dục phải khắc phục được những lo lắng của xã hội, những bất cập trong thời gian vừa qua.

Luật Giáo dục sắp tới được sửa đổi cũng cần giải quyết được những nhược điểm trong thời gian qua và tích cực phát huy những điểm mạnh đã làm được”.

Nói về những vấn đề quan tâm trong Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, ông Bùi Văn Phương cho biết: “Điều tôi băn khoăn nhất chính là về chính sách lương nhà giáo và miễn học phí cho học sinh.

Vấn đề này rất quan trọng với chất lượng giáo dục. Vì vậy, cần phải được thể hiện về mặt nguyên tắc trong Luật Giáo dục, còn cụ thể như thế nào thì nên để cho các văn bản quy phạm quy định cho phù hợp với mặt bằng chung và điều kiện cụ thể cho mỗi thời kỳ.

Tuy nhiên, mức lương và thang bảng lương cho giáo dục cần được xác định đúng mức để thầy cô giáo thực sự sống được bằng nghề để quan hệ thầy trò đúng nghĩa “tôn sư, trọng đạo”, không phải là “quan hệ thương mại”.

Đặt vấn đề về chương trình sách giáo khoa, đại biểu Bùi Văn Phương bày tỏ quan đểm: “Tôi cho rằng “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là phù hợp, bởi chương trình là thống nhất nên sách giáo khoa phải bám sát chương trình.

Do đó, sách nào tốt sẽ được người dạy và người học chấp nhận và ngược lại. Sự cạnh tranh này sẽ giúp các chuyên gia biên soạn sách giáo khoa phù hợp giúp chúng ta chọn lọc được những bộ sách giáo khoa tốt hơn, chất lượng hơn.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần đảm bảo được việc thẩm định các kết quả và công bố rộng rãi các kết quả trong quá trình biên soạn sách”.

Tác giả bài viết: Ngọc Trang (ghi)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944