Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Chia sẻ về bình đẳng giới trong ngành GD-ĐT giữa Việt Nam và Lào

GD&TĐ - Chiều 27/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào do Thứ trưởng Khamphay Sisavanh làm trưởng đoàn.
Chia sẻ về bình đẳng giới trong ngành GD-ĐT giữa Việt Nam và Lào

Nhận lời mời của Bộ GD&ĐT Việt Nam, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào gồm 25 người do Thứ trưởng Khamphay Sisavanh làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam để tìm hiểu về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Thứ trưởng Khamphay Sisavanh cho biết, hiện nay Chính phủ Lào rất quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt trong ngành giáo dục. Đoàn công tác muốn tìm hiểu và chia sẻ những kinh nghiệm về công tác này của Việt Nam, đặc biệt là những kinh nghiệm của Bộ GD&ĐT Việt Nam để có những chính sách và giải pháp tốt hơn trong thời gian tới.

Với sự tương đồng lớn và sự gắn bó keo sơn mật thiết giữa hai nước, hai dân tộc và mối quan hệ toàn diện giữa ngành GD-ĐT hai nước, những kinh nghiệm của Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ là những tham khảo quý báu cho Bộ Giáo dục và Thể thao Lào triển khai những chính sách phù hợp.

Chia sẻ về bình đẳng giới trong ngành GD-ĐT giữa Việt Nam và Lào - Ảnh minh hoạ 2
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào

Đánh giá cao mối quan hệ toàn diện về hợp tác giáo dục giữa hai nước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho phía bạn và cũng mong muốn học hỏi những kinh nghiệm từ phía bạn trong việc triển khai trong ngành GD.

Thứ trưởng cho biết: Ngành giáo dục Việt Nam có tỉ lệ  nữ cán bộ nhà giáo rất đông, chiếm 76,24%. Bởi vậy, trong các hoạt động của ngành thì lực lượng phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa và triển khai trong nhiều lĩnh vực.

Từ lâu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rất quan tâm đến công tác bình đẳng giới, đặc biệt khi có Luật bình đẳng giới thì công tác này rất được chú trọng. Việt Nam được công nhận là quốc gia có nhiều thành tích về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, được dư luận quốc tế đánh giá cao.

Theo cơ cấu của ngành thì Bộ GD&ĐT có Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, giúp việc cho lãnh đạo Bộ. Ban có 16 thành viên tham mưu về công tác bình đẳng giới trong công tác quản lí của ngành. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ GD&ĐT đã hoạt động có hiệu quả và đóng góp nhiều cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ.

Chia sẻ về bình đẳng giới trong ngành GD-ĐT giữa Việt Nam và Lào - Ảnh minh hoạ 3
Thứ trưởng Khamphay Sisavanh (phải) cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào thăm và làm việc tại Việt Nam

Ngoài ra, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng được nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước quan tâm, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cán bộ, nhà giáo, người lao động về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong việc triển khai công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành giáo dục ở Việt Nam, cung cấp những thông tin, số liệu về giáo dục Việt Nam cho phía bạn.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Khamphay Sisavanh và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cảm ơn những chia sẻ chân tình, quý báu của lãnh đạo Bộ GD&ĐT Việt Nam và cho biết sẽ học hỏi những kinh nghiệm này để triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong ngành giáo dục Lào.

Tác giả bài viết: Vân Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944