Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Chuẩn bị sửa Luật Giáo dục trên tinh thần toàn diện

GD&TĐ - Trả lời tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đã chuẩn bị sửa Luật trên tinh thần toàn diện.
Chuẩn bị sửa Luật Giáo dục trên tinh thần toàn diện

Ý kiến nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, với thực tế đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung; trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phạm vi đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật, nên sửa đổi tên gọi là Luật Giáo dục 2018 để phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Tiếp thu ý kiến Đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nghị quyết số 34/2017/QH14 cho phép sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện; tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị, rà soát các điều, xét thấy khó có thể sửa được một số điều mà đáp ứng được mục tiêu Quốc hội đặt ra. Do đó, kỳ họp này, tinh thần trình dự thảo Luật theo Nghị quyết 34, nhưng trên thực tế đã chuẩn bị cho việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục. Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong việc này cũng như xin ý kiến của nhiều Đại biểu, ý kiến 63 tỉnh thành, các nhà giáo, các tầng lớp nhân dân…

“Nếu được Quốc hội cho phép đổi tên thành “Luật Giáo dục 2018”, chúng tôi sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm những nội dung sửa đổi toàn diện, theo hướng đánh giá thực tiễn, đánh giá tác động để có dự thảo tốt nhất trình Quốc hội ở kỳ họp sau” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời chia sẻ việc tiếp cận sửa đổi Luật Giáo dục theo hướng xây dựng một bộ Luật giáo dục, trong đó Luật Giáo dục là luật khung, quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, căn bản với tầm nhìn dài; cụ thể bằng các luật chuyên ngành, trước hết có Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học. Bậc mầm non, phổ thông, nhà giáo, trước mắt chưa xây dựng được Luật, nên trong sửa đổi lần này sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để chi tiết hơn, cụ thể hơn, để thực hiện được ngay ở mức căn bản.

Báo cáo thêm về đào tạo giáo viên, theo Bộ trưởng, trong thực tế đã chỉ đạo quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm theo hướng tập trung vào một số trường có điều kiện tốt để nâng cao chất lượng đào tạo. Việc tuyển sinh theo hướng xác định nhu cầu sử dụng ở các địa phương theo chương trình, sách giáo khoa mới, từng bước gắn đào tạo với sử dụng. Chỉ khi nào học sinh thi vào sư phạm biết được mình ra trường có việc làm, thì lúc đó mới thu hút được học sinh giỏi vào sư phạm.

Đồng tình với đề xuất của một Đại biểu về việc có quỹ học bổng cho sinh viên giỏi và sinh viên sư phạm, Bộ trưởng đồng thời tán thành nhận định của nhiều Đại biểu về việc tín dụng sư phạm chỉ là một trong các giải pháp chứ không phải giải pháp mang tính căn cơ.

Liên quan đến tự chủ, Bộ trưởng làm rõ: Tự chủ cần thiết, nhưng chủ yếu là với bậc đại học, còn với phổ thông là đổi mới cơ chế quản lý theo hướng tăng cường chủ động, sáng tạo của các trường, không nên hiểu tự chủ phổ thông giống như tự chủ ở đại học.

Về học phí là tính đúng, tính đủ như trong dự thảo Luật, Bộ trưởng nhấn mạnh: Ở mầm non và phổ thông, đặc biệt bậc học phổ cập, nhà nước vẫn phải có trách nhiệm cơ bản. 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục cơ cấu lại theo hướng tăng cường cho bậc học mầm non, tiểu học, tiến tới THCS, đặc biệt các vùng khó khăn, miền núi, hải đảo. Với đại học, nhà nước vẫn có quan tâm nhưng khuyến khích xã hội hóa; nhà nước cấp kinh phí qua giao nhiệm vụ, đấu thầu chứ không bao cấp.

Bộ trưởng khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, làm sâu sắc hơn tác động của các vấn đề và chính sách phát sinh để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục 2018 trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944