Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Chuyện học ở vùng giải phóng Củ Chi

Chuyện học ở vùng giải phóng Củ Chi
GD&TĐ - Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, một phần Củ Chi (phía Bắc) đã trở thành vùng giải phóng. Công tác chuẩn bị cho nền giáo dục ngày đất nước thống nhất được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Giáo dục trên đất thép anh hùng đã nở hoa trong khói lửa, tạo nền tảng vững chắc mở ra một thời kỳ mới sau đó.

Hoa trong lửa

Đầu tháng 3/1973, Tiểu ban giáo dục khu vực Sài Gòn - Gia Định đã cử người về phối hợp cùng với cán bộ làm giáo dục huyện Củ Chi để xây dựng phong trào dạy và học. Ấp Sa Nhỏ (xã Trung Lập Thượng) và Phú Thuận (xã Phú Mỹ Hưng) được vận động thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các xã khác.

Mặc dù được xác định là vùng giải phóng nhưng địch thường xuyên, bắn pháo, thả bom, càn quét lấn sân nên dân cư chưa ổn định. Ăn ở còn chưa yên, nói gì chuyện cho con đi học. Lớp mở ra ban đầu chỉ lèo tèo vài ba em. Địch phá quá, học được dăm ba hôm trò lại nghỉ. Anh em đi mở đường không khỏi buồn.

Nhưng Tiểu ban giáo dục khu thì cực kỳ kiên quyết trong chỉ đạo. Không tổ chức được thành công nền giáo dục mới ở vùng giải phóng thì sẽ rất khó cho việc gây dựng nền giáo dục cách mạng ở miền Nam khi giải phóng hoàn toàn. Vậy là trước lúc mở lại lớp học, anh em phải hòa vào sống cùng dân, đào công sự, dọn dẹp hậu quả chiến tranh, dần tiến tới tổ chức học hát, học múa… tập thể với thiếu nhi. Các hoạt động thể hiện sự nhiệt tình và tâm huyết của các thầy cô đã cuốn hút học sinh, đả thông được việc phụ huynh đồng ý cho con em đến lớp.

Trong cuốn tư liệu, nhà giáo Lưu Văn Nam cho biết: Khi đó, lớp học ở ngay trong nhà dân, bàn ghế là thùng đạn, bảng đen là thùng pháo hoặc một tấm ván nhỏ. Để tránh giặc càn quét, mỗi học sinh có một túi ni lông đựng sách vở, sáng đem chôn cất kỹ, khoảng 3 giờ chiều moi túi sách lên đi học.

Khó nhất cho việc gây dựng giáo dục vùng giải phóng là giáo viên. Từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1974, ít nhất có hai trận càn lớn địch đánh thẳng vào vùng giải phóng. Ấy là chưa kể mỗi ngày đều có tên bay đạn lạc.

Để tránh địch bắn phá bừa bãi, việc phân tán các lớp học là cần thiết. Thế nhưng muốn phân tán lớp thì phải có nhiều giáo viên. Ở xóm, ấp quá khó tìm người để huấn luyện làm giáo viên. Vì thế, một giải pháp khá sáng tạo đã được cán bộ giáo dục của địa phương đưa ra là vận động các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn cử người đến dạy học cho trẻ, đồng thời tổ chức ngay việc đào tạo giáo viên của địa phương bằng các lớp bổ túc văn hóa cho thanh niên.

Vận động được thanh niên nào đứng lớp thì bồi dưỡng ngay theo kiểu cầm tay chỉ việc, đưa đi dự giờ rồi tập dạy thử. Những lớp bồi dưỡng 10 ngày và dài ngày được mở ra đã thu hút những người có trình độ lớp 3, lớp 4 đi học để biết nghiệp vụ sư phạm. Vấn đề đội ngũ được khắc phục dần.

Chuyện học ở vùng giải phóng Củ Chi - Ảnh minh hoạ 2
  • Học sinh TPHCM tham quan mô hình hầm trú bom trong vùng giải phóng Củ Chi.

Con chữ thành đồng

Sự chủ động, sáng tạo của người làm giáo dục vùng giải phóng đã mang lại thành quả đáng kinh ngac. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuối tháng 3/1973, Sa Nhỏ đã mở được 2 lớp phổ thông với 20 học sinh và một lớp bổ túc với 5 học viên; Phú Thuận cũng có 2 lớp 15 học sinh với một nhóm bổ túc 4 học viên.

Đến cuối năm 1973 ở Củ Chi đã có 2 trường phổ thông cấp 1 (An Phú và Phú Mỹ Hưng) với 16 lớp từ vỡ lòng đến lớp 4 tổng cộng 212 học sinh, cùng 3 lớp bổ túc văn hóa với 25 học viên. Cuối năm 1974 số học sinh tăng lên 284. Ngoài ra còn có 6 lớp bổ túc ban đêm với 60 học viên… Hệ thống trường lớp ở xóm ấp đã thu hút được 89% trẻ đến trường.

Mở được lớp, được trường trong điều kiện địch trường xuyên lấn sân càn phá đã là điều kỳ diệu, nhưng kỳ diệu hơn chính là hiệu quả của việc dạy, học.

Mặc dù, nhiều người chỉ mới xong chương trình bổ túc tiểu học, thế nhưng, bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm, những người thầy vùng mới giải phóng đã không ngừng tự học, tìm tòi để truyền đạt kiến thức tốt nhất cho học sinh thân yêu.

Sưu tầm truyện anh hùng, truyện đạo đức rồi soạn thành bài giảng dạy cho các em; cùng nhau soạn bài tập thể để bổ sung cho nhau những thiếu sót. Các thầy còn đón học sinh đi học, đưa đi tránh pháo, dẫn các em về tận nhà, săn sóc quần áo, sách vở…

Tấm lòng và sự truyền đạt của những người thầy vùng giải phóng đã mang lại hiệu quả giáo dục to lớn. Học sinh biết chữ, biết tri thức và biết sống đẹp theo gương những người cách mạng. Một câu chuyện thật cảm động mà nhà giáo Phan Trọng Tân (Nguyên trưởng ban giáo dục T 4) còn ghi lại được: Ấy là có một gia đình nọ kinh tế còn khó khăn, cũng ngại đạn pháo đã quyết định đưa con đang học vùng giải phóng gửi tạm bà con vùng ấp chiến lược.

Trước khi đi, em học trò đã viết một bức thư bày tỏ sự luyến tiếc cảnh học tập vùng giải phóng và nỗi khổ tâm khi xa thầy, xa bạn vào vùng địch. Đọc thư con, cầm lòng không được, người cha vội hạy theo đưa con trở lại vùng giải phóng…

Có biết bao câu chuyện đẹp như những đoá hồng thắm về giáo dục vùng Bắc Củ Chi từ sau ngày Hiệp định Paris ký kết đến ngày giải phóng. Để sự học lên ngôi, phụ huynh góp 1.000 tầm vông, 500 tấm tranh, 86 cây cột xây hai ngôi trường An Phú, Phú Mỹ Hưng. Trong cảnh đạn bom, có cô giáo như cô Minh (trường Cây Điệp) đã lao mình vào khói lửa napan để cứu học trò… Và những lon gạo nhỏ, chút tiền be bé, những xâu cá vừa kiếm từ rạch lên được tận tay những người cha, người mẹ học trò chăm lo nuôi thầy cô gieo chữ.

Nhờ xây dựng và phát triển tốt giáo dục vùng giải phóng Củ Chi, cũng như các vùng giải phóng khác, nên đúng ngày 1/5/1975 cùng với các ban ngành khác, Tiểu ban giáo dục T.Ư Cục miền Nam đã thực hiện thành công việc tiếp quản tất cả các cơ sở giáo dục của Ngụy quyền tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam; Tập hợp đội ngũ giáo chức của chính quyền cũ, cho học tập chính trị, động viên anh chị em tham gia công tác giáo dục cách mạng, tạo nền tảng vững chắc mở ra một thời kỳ mới - Thời kỳ giáo dục thống nhất đất nước.

Tác giả bài viết: Hà Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944