Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Đề thi học kỳ mang đậm hơi thở cuộc sống

GD&TĐ - Cùng với cả nước, HS tại TPHCM vừa trải qua kỳ kiểm tra học kỳ I năm học 2018 - 2019. Trong đợt kiểm tra này, nhiều trường học đã có những bộ đề thi lồng ghép nhiều vấn đề thời sự vào đề khiến các em học sinh, phụ huynh và dư luận bất ngờ và thú vị.
Đề thi học kỳ mang đậm hơi thở cuộc sống

Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam “chiếm trọn” nhiều đề thi

Với thành tích đạt được làm nức lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà, hình ảnh đội tuyển Việt Nam đã được lồng ghép trong nhiều câu hỏi của đề thi các môn như Lịch sử, Văn, Hóa học…

Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đề thi học kỳ 1 môn Văn đã có câu hỏi khiến nhiều HS thích thú khi được viết cảm nghĩ về sự cống hiến hết mình của các cầu thủ vừa đăng quang tại AFF Cup 2018. Xuyên suốt đề là hình ảnh những thanh niên, những người trẻ làm gì để cống hiến, để có trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước và hình ảnh các cầu thủ thi đấu hết mình, nỗ lực vì màu cờ sắc áo đã trở thành bài học cho các HS.

Chia sẻ về cách ra đề, cô giáo Nguyễn Thị Kiều Oanh - Tổ trưởng Tổ Ngữ văn của Trường THPT Nguyễn Du cho biết, phần đọc hiểu đều xoay quanh vấn đề ý thức, trách nhiệm vai trò của thanh niên với đất nước. Vì vậy ở phần Làm văn, câu hỏi cũng đề cập đến vấn đề này và được lồng ghép hình ảnh các cầu thủ đội tuyển Việt Nam. “Thấy các em HS yêu thích bóng đá và rất hào hứng trong niềm vui chiến thắng của đội nhà tại AFF Cup, nên tổ Văn đã lồng ghép nội dung này vào đề thi vừa để các em có sự hứng thú, thích thú, có cảm hứng trong làm bài để thể hiện suy nghĩ của mình. Nó cũng rất gần gũi với các em và có tính GD cao. Các em hãy luôn nỗ lực hết mình, hãy cứ tràn đầy khát vọng cống hiến cho đất nước và hãy hành động để thể hiện tình yêu ấy từ những điều nhỏ nhất" - cô Kiều Oanh nói.

Đề Hóa học của trường dành cho khối 10 và 12, lại đề cập đến bình xịt lạnh giảm đau cho các cầu thủ khi bị phạm lỗi trên sân hay hỏi về quả bóng được sử dụng chính thức trong giải AFF Cup.

Cũng quan tâm đến chủ đề bóng đá, tại Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận 6), đề Văn lại đề cập đến câu nói đầy khiêm nhường của HLV Park Hang Seo: “Eriksson là một huấn luyện viên đẳng cấp thế giới. Tôi cảm thấy vinh dự khi được đối đầu với ông ấy. Tuy nhiên, tôi nghĩ đẳng cấp của mình chưa thể sánh được với ông ấy, dù thắng cả hai trận”.

 

Lồng ghép kiến thức, cập nhật tính thời sự, dạy học liên môn, tích hợp… và rèn luyện cho các em kỹ năng làm bài tốt, khả năng nhận thức đúng đắn với những vấn đề trong xã hội luôn được giáo viên chú trọng. Đồng thời trường cũng tổ chức rất nhiều hoạt động ngoài nhà trường, các tiết ngoại khóa, tiết học trải nghiệm để các em hình thành các kỹ năng, các em không chỉ học để biết, mà học để hiểu, để vận dụng vào thực tiễn, cảm nhận cuộc sống xung quanh các em.

 

 
Thầy Huỳnh Thanh Phú

Từ câu hỏi ấy, các em HS sẽ phải hoàn thành phần Đọc hiểu và viết đoạn văn khoảng 200 chữ phát biểu suy nghĩ của bản thân về đức tính khiêm nhường của con người trong xã hội hiện nay.

Đề thi Lịch sử của HS khối 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) lại đặt câu hỏi về việc gia nhập vào ASEAN sẽ mang lại cho các cổ động viên bóng đá các nước những thuận lợi và thách thức gì?

Điều đặc biệt, để tạo sự hứng thú cho HS làm bài trong đợt kiểm tra vừa qua chính là ở mỗi đề thi, các trường đều sử dụng những hình ảnh liên quan đến đội tuyển Việt Nam.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử của Trường THPT Lê Quý Đôn là người ra đề thi học kỳ. Thầy chia sẻ, lớp 12 học chủ đề sự ra đời và phát triển, thách thức và cơ hội khi gia nhập tổ chức ASEAN; yêu cầu HS phải biết vận dụng kiến thức vào thực tế để biết được những thuận lợi, khó khăn và trách nhiệm công dân trong quá trình hội nhập. Thay vì đặt vấn đề thuận lợi, thách thức với công dân các nước ASEAN, đề ra đặt vào đối tượng cụ thể là những cổ động viên bóng đá để nó gần gũi, hấp dẫn với các em HS hơn.

Đổi mới cách ra đề, đổi mới dạy và học

Với cách đổi mới đề kiểm tra, nhiều giáo viên chia sẻ, trong quá trình dạy học, các thầy cô đã chủ động đổi mới cách dạy để HS có thể nắm bắt kiến thức, biết vận dụng các kiến thức vào thực tiễn, thấy được tính ứng dụng của các môn học với đời sống hằng ngày, từ đó hoàn thành các bài thi tốt nhất.

Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Đông Đô (quận Bình Thạnh) chia sẻ, ở phần đề thi môn Giáo dục công dân của trường năm nay dựa trên đề minh họa của Bộ công bố hồi đầu tháng 12. “Người ra đề luôn cập nhật rất nhiều tình huống bám sát với thực tiễn để cho HS trả lời, những câu hỏi khá đơn giản liên quan đến các tình huống như đánh bạn cùng trường, bêu xấu người khác trên trang cá nhân, điều khiển xe gắn máy, vi phạm luật giao thông hay cả vấn đề đang được xã hội quan tâm hiện nay... Vì vậy, trong quá trình dạy, giáo viên cũng thay đổi rất nhiều từ việc cập nhật thời sự, khuyến khích các em trao đổi nhiều hơn, đọc sách, báo, xem thời sự, đổi mới cách dạy bằng dự án, bằng chuyên đề. Giáo viên đưa đề tài hoặc tình huống cho các nhóm nghiên cứu và thảo luận, sau đó nhận xét từng nhóm xem cái nào hay, cái nào chưa đúng định hướng cho các em hiểu đúng. Giáo viên với vai trò là người định hướng, hỗ trợ, dẫn dắt HS” - cô Hồng Châu nói.

Cùng góc nhìn ấy, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Nhà trường luôn chú trọng đến khâu ra đề làm sao vừa tạo hứng thú cho các em, để các em không cảm thấy bị áp lực vì thi cử, vừa đảm bảo kiểm tra kiến thức, cũng như vận dụng kiến thức mà các em đã học vào thực tiễn. Với cách ra đề như vậy, ngay từ đầu năm học trường cũng yêu cầu các tổ bộ môn, các giáo viên chú trọng đến việc đổi mới giảng dạy.

Tác giả bài viết: Thảo Nguyên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944