Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


“Đòn bẩy” cho chương trình giáo dục phổ thông mới

“Đòn bẩy” cho chương trình giáo dục phổ thông mới
GD&TĐ - Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, mô hình trường học mới (MHTHM) được nghiên cứu triển khai ở cấp tiểu học từ 12/2012 đến 5/2016.

Từ năm học 2016-2017 đến nay, MHTHM được thực hiện ở các cơ sở giáo dục tiểu học trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Bên cạnh ưu điểm thì MHTHM cũng còn những hạn chế đòi hỏi các nhà trường, giáo viên điều chỉnh, vận dụng sáng tạo để phương pháp dạy học trên hỗ trợ đắc lực cho quá trình triển khai CTGDPT và SGK mới.

Thuận lợi song hành cùng thách thức

Ghi nhận từ Bộ GD&ĐT cho thấy: Đến nay, việc thực hiện MHTHM nhìn chung đã thành công, đạt hiệu quả tốt, tạo tiền đề vững chắc và  điều kiện thuận lợi cho đổi mới CT, SGK sắp tới về cả cơ sở vật chất, đội ngũ GV và HS.

Từ phương pháp dạy học (PPDH) này GV đã thay đổi cách thức tổ chức lớp học, tự quản và tự học của HS được nâng lên. Mối quan hệ giữa GV với HS, nhà trường với cộng đồng, môi trường học tập cải thiện theo hướng tích cực.

“Đòn bẩy” cho chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 2
Với MHTHM, cách thức tổ chức lớp học có nhiều thay đổi tích cực

MHTHM cũng đã thay đổi cách nhìn về quá trình dạy học của GV, giúp định hướng cho GV một cách rõ ràng hơn về đổi mới PPDH. GV biết vận dụng thích hợp các PPDH tích cực nhằm phát huy tối đa khả năng tự học, sáng tạo của mỗi HS; tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tổ chức để HS được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn trong mỗi giờ học...

Áp dụng MHTHM đã tạo ra thay đổi tích cực trong quá trình học tập, rèn luyện của HS. HS được học tập tích cực, chủ động, hứng thú do có cơ hội bày tỏ, chia sẻ qua trải nghiệm; có cơ hội thực hành và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống hàng ngày…

Đặc biệt, từ khi triển khai MHTHM, các trường TH đã chú trọng đổi mới cách thức nội dung các hoạt động giáo dục để phát triển phẩm chất năng lực HS. Nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức…

Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm thì MHTHM cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Ví như, việc quản lí, tổ chức lớp học theo MHTHM ở một số địa phương, lớp học còn mang tính hình thức. Các hội đồng tự quản được thành lập nhưng GV chưa tổ chức, chưa tạo điều kiện để HS hoạt động thực sự. Các công cụ hỗ trợ cho tổ chức lớp được thực hiện và đi vào hoạt động nhưng một số trường chưa phát huy tác dụng, thậm chí nhiều GV chưa hiểu hết ý nghĩa, bản chất của công cụ đó.  

“Đòn bẩy” cho chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 3
HS mạnh dạn, tự tin với phương pháp dạy học MHTHM 

Bên cạnh đó, một số GV do nguyên nhân nào đó còn cứng nhắc, rập khuôn máy móc nên việc vận dụng PPDH theo MHTHM chưa linh hoạt, dạy học theo nhóm còn mang tính hình thức, chưa phát huy hết ưu thế của PPDH này, hiệu quả mang lại chưa cao.

Về nội dung, GV còn quá lệ thuộc vào tài liệu hướng dẫn học tập, chưa chú ý dạy theo đối tượng HS, dạy học còn hời hợt, thiếu sự hỗ trợ tích cực để khắc sâu kiến thức, nâng cao năng lực cho HS…

Để MHTHM hỗ trợ tích cực đổi mới giáo dục

Đến nay, một số địa phương đã và đang triển khai tốt MHTHM như: Kiên Giang (85%); Điện Biên (84%); Cần Thơ (78,3% ); Lào Cai (54,9%); Lâm Đồng (51,9%)… Nhiều địa phương có tỉ lệ HS tham gia MHTHM từ 20-40%.

“Đòn bẩy” cho chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh minh hoạ 4
Học sinh được trải nghiệm nhiều hơn với MHTHM 

HMTHM có nhiều tính ưu việt và việc thực hiện MHTHM đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ GD TH - thì cần quan niệm đây là một PPDH tích cực để chỉ đạo và vận dụng một cách hợp lý. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là đội ngũ GV gặp khó khăn khi tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng mới (điều chỉnh nội dung dạy học để gắn với thực tiễn cuộc sống HS, không linh hoạt trong sử dụng phương pháp, hình thức, không có thói quen làm và sử dụng đồ dùng dạy học, ngại chuẩn bị đồ dùng dạy học…).

Vì vậy cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ cho GV, trong đó tập huấn trực tiếp vẫn là hình thức hiệu quả nhất.

GV thực hiện PPDH này một cách linh hoạt, bảo đảm hiệu quả trên  nguyên tắc đặt mục tiêu giáo dục hiệu quả HS lên hàng đầu.

Khi sử dụng tài liệu Hướng dẫn học, GV cần chuẩn bị phương án tổ chức các hoạt động học cho HS, ghi nhật kí, điều chỉnh, bổ sung để tránh tình trạng GV không nghiên cứu bài trước khi đến lớp.

Ngành giáo dục các địa phương cần chỉ đạo việc thực hiện MHTHM một cách linh hoạt, bảo đảm hiệu quả, có thể vận dụng các thành tố tích cực của PPDH này khi thấy phù hợp với tình hình thực tế và có hiệu quả. Coi MHTHM là một PPDH tích cực, tuyên truyền các điển hình thực hiện tốt để các cơ sở giáo dục tiểu học tích cực vận dụng, đổi mới PPDH phát triển năng lực phẩm chất HS.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra, các địa phương cần triển khai đồng loạt các giải pháp về chỉ đạo quản lý; Phát triển đội ngũ GV và CBQL; Tổ chức lớp học mới, môi trường học tập; Phối hợp với cha mẹ HS và cộng đồng… - ông Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học.

Tác giả bài viết: Đức Trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944