Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Giải “bài toán” thừa, thiếu giáo viên

Giải “bài toán” thừa, thiếu giáo viên
GD&TĐ - Việc sắp xếp, quy hoạch các trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) địa phương trở thành vấn đề nóng tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chủ đề các giải pháp ổn định phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng GV do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam phối hợp với Trường ĐHSP Hà Nội II tổ chức ngày mới đây tại Vĩnh Phúc.

Theo thống kê của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ, hiện cả nước có 30 trường CĐSP. Đây là loại hình đào tạo lâu nhất, phổ biến nhất ở nước ta với chức năng đào tạo GV các trình độ cung cấp cho các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và các trường dạy nghề. Song, trước yêu cầu đổi mới GD, vị trí vai trò các trường CĐSP trong tương lai thế nào?

Thực tế, sau mỗi mùa tuyển sinh, các trường CĐSP không tuyển được thí sinh. Một số trường CĐ đề nghị tự đóng cửa như Trường CĐSP Cà Mau. Nhiều ngành học trong các trường CĐSP đào tạo èo uột một số ít sinh viên. Thực trạng đào tạo, không tương xứng giữa cung và cầu về nhân lực ở các địa phương đang là vấn đề diễn ra mỗi mùa tuyển sinh.

Chương trình GDPT mới sẽ bắt đầu áp dụng với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các trường SP phải đào tạo nhà giáo dục thay cho việc đào tạo “thợ dạy” như lâu nay. Việc sắp xếp lại hệ thống, mạng lưới các cơ sở đào tạo GV, nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng GV chất lượng cao đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài của ngành SP nước nhà là cần thiết để giải bài toán cung - cầu nguồn nhân lực.

Hiện nay, đào tạo theo cơ chế đặt hàng đào tạo là hướng đi của nhiều trường đại học, không chỉ riêng với đào tạo sư phạm. Với chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay tại các doanh nghiệp, nếu đủ điều kiện. Thực tế nơi nào, ngành nào đào tạo ra có việc làm ngay, thu nhập cao, ổn định thì sẽ nhiều người đăng ký vào.

Với ngành SP, điều này càng trở nên cấp thiết khi việc thừa - thiếu GV cục bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Đào tạo theo nhu cầu sẽ tránh tình trạng nơi cần giáo viên thì không có biên chế để tuyển, nơi thừa giáo viên thì không biết điều chuyển như thế nào để phù hợp, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với hiệu trưởng các trường ĐHSP, trường có đào tạo ngành Sư phạm ở TPHCM ngày 9/8 nhấn mạnh: “Nguồn ngân sách dành cho đào tạo SP, cả Trung ương và địa phương, cần sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế “đặt hàng”, kết hợp với chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu giáo viên của mỗi địa phương”.

Điển hình thực hiện cơ chế “đặt hàng” đào tạo ngành SP, năm 2018, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đã thực hiện đào tạo theo địa chỉ. Tỉnh đầu tư kinh phí cho nhà trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc đào tạo theo địa chỉ góp phần quan trọng giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đổi mới GD.

Được biết, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường SP sẽ được Bộ GD&ĐT thực hiện theo hướng: Các trường đại học có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trường SP trọng điểm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này.

Điều này cho thấy, thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đảm bảo phù hợp yêu cầu phát triển và điều kiện từng vùng, miền trên cả nước sẽ có ảnh hưởng đến đào tạo nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý nói chung cho cả nước và trong đó có sự đổi mới đối với đào tạo nhân lực ngành SP.

Tác giả bài viết: Tâm An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944