Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Giảng viên sư phạm: Người cố vấn thông thái

Giảng viên sư phạm: Người cố vấn thông thái
GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến môi trường giáo dục từ vai trò của người dạy, tâm thế của người học đến phương pháp dạy học. Vì thế, đội ngũ giảng viên (GV) sư phạm cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phát triển năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Nhân tố quyết định chất lượng đào tạo

ThS Nguyễn Thị Xuân Mai, khoa Sư phạm, Trường ĐH An Giang cho biết, nhà trường sư phạm là nơi đào tạo GV đáp ứng yêu cầu của GDPT. Trước những thay đổi lớn lao của GD thời 4.0, nhà trường sư phạm buộc phải thay đổi, cốt yếu là nâng cao năng lực của đội ngũ GV. Bởi họ là “người thầy của những người thầy”, là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ GV phổ thông.

Trong thời đại mà kiến thức, thông tin không khó tìm nhưng khó chọn lọc, thì người học vẫn cần lắm những người thầy “là cố vấn thông thái cho họ trong học tập và phát triển toàn diện thành công dân cân đối, biết tạo động cơ cho người học chậm hay học nhanh trong môi trường số”. Muốn vậy người GV phải càng bản lĩnh, không ngừng trau dồi năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu mới.

Đồng quan điểm GV là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, ThS Trần Thúy Hằng, Trường CĐSP Bắc Ninh cho rằng, giảng viên các trường sư phạm cần thiết phải có năng lực chuyên môn thuộc lĩnh vực giảng dạy thể hiện qua việc tự trau dồi, học tập, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Là giảng viên sư phạm, ngoài kỹ năng sư phạm cần phải trau dồi kỹ năng nghiên cứu khoa học. Nếu giảng viên không nghiên cứu thì sẽ không thường xuyên bổ sung kiến thức mới cho bài giảng, kiến thức sẽ trở nên giáo điều, lạc hậu, kéo lùi chất lượng đào tạo và không đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.

Giảng viên sư phạm: Người cố vấn thông thái
 Ảnh minh họa

Bồi dưỡng năng lực chuyên môn là yêu cầu tất yếu

Để nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, theo ThS Nguyễn Thị Xuân Mai, người GV sư phạm bên cạnh việc thường xuyên trau dồi bồi dưỡng năng lực chuyên môn, giảng dạy, nghiên cứu khoa học… còn đặc biệt chú trọng bồi dưỡng một số năng lực đáp ứng yêu cầu mới như sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ phục vụ quá trình dạy học. Công tác này nên tiến hành thường xuyên và liên tục như tập trung vào những nội dung như số hóa các tài liệu bài giảng, tải lên thư viện điện tử để học viên dễ dàng truy cập, GV dễ dàng kiểm soát, cập nhật mới mỗi năm, xây dựng diễn đàn học thuật, trao đổi học thuật trên Internet…

Trong thời đại công nghệ 4.0, môi trường GD rộng mở với quy mô toàn cầu hóa. Các hình thức đào tạo trực tuyến, online, học từ xa sẽ được áp dụng triệt để. Tuy nhiên, hiện nay nhiều GV sư phạm chưa tiếp cận được những mô hình dạy học mới sẽ làm hạn chế việc rèn kỹ năng nghề cho sinh viên sư phạm. Vì thế, công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho GV nên kết hợp các mô hình đào tạo tiên tiến, đào tạo trực tuyến, từ xa để GV sư phạm vừa nâng cao năng lực chuyên môn, vừa tiếp cận với các mô hình dạy học mới. Các hình thức học tập này sẽ giúp GV bổ sung những kiến thức nghiệp vụ, làm phong phú hơn phương pháp dạy học của mình.

Để tiếp cận với tri thức và công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại, con người không thể không thông thạo ngoại ngữ. Đây là điều kiện cần thiết để GV hội nhập với xu thế kết nối toàn cầu, hội nhập với GD đại học thế giới. Vì thế, GV sư phạm cần phải chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Tự học và sáng tạo

Xác định việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Giáo dục, ThS Trần Thị Phương Thảo, Trường ĐH Văn hóa cho rằng, giảng viên xác định việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn là yêu cầu tất yếu, vừa là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, vừa là vấn đề quyết định vị trí, công tác, mức độ tín nhiệm của sinh viên, đồng nghiệp. Đối với giảng viên quản lý, phải tự ý thức về lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của mình, tránh tâm lý an phận, tự thỏa mãn.

Giảng viên xác định việc tự học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ là nhiệm vụ trong suốt cuộc đời nghề nghiệp của bản thân. Thường xuyên tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tri thức, kỹ năng, có tư duy mở, linh hoạt, chủ động, tiếp cận tri thức, phương pháp mới… Đây là khâu cốt yếu bởi mọi biện pháp quản lý sẽ không đạt kết quả mong muốn nếu tự bản thân giảng viên không nỗ lực trau dồi năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

ThS Trần Thúy Hằng cho rằng, như bất kỳ sinh viên trường chuyên nghiệp nào khác, thời gian lên lớp của sinh viên sư phạm ít, chủ yếu là thời gian tự học. Vì vậy nếu giảng viên không đổi mới phương pháp dạy học mà vẫn giữ nguyên theo lối truyền thống, lấy “thầy làm trung tâm” thì sẽ không tạo được động lực học tập cho người học.

Ngược lại, nếu giáo viên để sinh viên tự học mà không có những yêu cầu, định hướng cụ thể, không kiểm tra, nghiệm thu và giải đáp thắc mắc của sinh viên mà để các em “tự bơi” thì cũng khiến các em lo lắng, mơ hồ và không nắm được bài. Vì vậy, người giảng viên cần có ý thức đổi mới phương pháp dạy học để đáp ứng được xu thế của GD hiện đại.

“Trong thời đại bùng nổ thông tin, nếu người GV không chịu cập nhật thông tin, không chịu tự học nâng cao kiến thức thì khó có thể đáp ứng yêu cầu của GD trong một xã hội phát triển với tốc độ cao như hiện nay. Tự học và sáng tạo giúp cho công việc của người GV vừa có cái hay, vừa có cái mới. Mặt khác, sáng tạo trong trường phổ thông bắt đầu từ những công việc đơn giản là mang đến cho HS nụ cười trong những giờ học khô khan, là trò chuyện với các em về lòng trắc ẩn trong cuộc sống đời thường, làm sao để thầy cô trở thành những người bạn của mỗi HS, để bài giảng kiến thức trở thành niềm vui khám phá”, thầy Phan Trọng Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 2, Nghệ An chia sẻ.

Tác giả bài viết: Lê Đăng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944