Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Giáo dục trẻ tự kỷ: Cần tạo môi trường thân thiện

GD&TĐ - Mỗi trẻ phổ tự kỷ đều có đặc điểm khác nhau nhưng có điểm chung là khó khăn về giao tiếp. Điều này khiến các em nhút nhát, thu hẹp cuộc sống của bản thân. Để trẻ tự kỷ được học hòa nhập trong một môi trường thân thiện, đòi hỏi đội ngũ giáo viên tại các Sở GD&ĐT phải được trang bị tốt các kiến thức và kỹ năng giáo dục đặc biệt.
Giáo dục trẻ tự kỷ: Cần tạo môi trường thân thiện

Gặp khó khi học hòa nhập

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về trẻ phổ tự kỷ, nhưng theo ước tính do Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra, Việt Nam có khoảng hơn 250.000 trẻ phổ tự kỷ.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra, số lượng trẻ phổ tự kỷ đến bệnh viện chẩn đoán và điều trị ngày càng đông. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ này đã tăng gấp 50 lần so với giai đoạn 2000 - 2007. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội và gia đình về vấn đề này chưa chuẩn, dẫn đến nhiều trẻ tự kỷ vẫn chưa được quan tâm, chăm sóc đúng mức. Ở một số trường lớp, việc phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh chưa hiệu quả.

Cô Tạ Thị Kim Hòa, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (Hà Nội) cho biết: “Chủ trương mới đây của Sở GD&ĐT cho phép các trường mầm non tạo điều kiện cho trẻ phổ tự kỷ hòa nhập môi trường bình thường là rất đúng đắn. Tuy nhiên, tồn tại một thực tế là có không ít phụ huynh giấu tình trạng của con khi xin học vì sợ bị phân biệt đối xử, hoặc thậm chí đến tuổi mẫu giáo cũng không biết con mình bị tự kỷ. Vì vậy trước khi nhận học sinh, các trường cần có những bài kiểm tra để chủ động trong việc giáo dục cũng như phối hợp với phụ huynh có trẻ phổ tự kỷ tốt hơn”.

Chị Bùi Kim Thy, một phụ huynh có con tự kỷ học tại Trường Mầm non Tân Mai bộc bạch: “Chi phí dạy dỗ và GD hòa nhập cho một trẻ tự kỷ khá tốn kém. Mỗi tháng tôi phải chi gần 10 triệu cho việc GD hòa nhập tại các trung tâm tư nhân. Với mức lương trung bình hiện nay, rất ít người có điệu kiện như vậy. Phụ huynh đôi khi cũng không dám giấu giếm nhưng khó xin cho con vào trường nếu nói thật”.

Những trẻ mắc hội chứng tự kỷ thường khó khăn cả về giao tiếp ngôn ngữ phi ngôn ngữ. Những khó khăn đó đã gây trở ngại rất lớn trong việc kết bạn, tham gia và các hoạt động vui chơi, các quan hệ xã hội. Thêm vào đó, những người xung quanh không hiểu được những khó khăn đó, không thông cảm với trẻ, kỳ thị, xa lánh… khiến cho trẻ ngày càng mặc cảm, tự ti, thiếu niềm tin vào người khác. Từ đó trẻ rút vào vỏ tự kỷ, thích sự cô lập, tránh giao tiếp với các bạn. Điều này khiến cho quá trình giao tiếp của trẻ khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu được những khó khăn đó, và tạo ra được môi trường giao tiếp thân thiện, tích cực để hỗ trợ trẻ khắc phục những khó khăn trên thì trẻ sẽ dễ dàng hòa nhập cộng đồng hơn.

Giáo dục trẻ tự kỷ: Cần tạo môi trường thân thiện - Ảnh minh hoạ 2
 Ảnh minh họa

Một nhân cách tốt sẽ nảy nở trong một môi trường thân thiện

Theo ThS Đỗ Thị Thủy, Học viện Quản lý Giáo dục, do đặc thù riêng của trẻ phổ tự kỷ nói chung và từng trẻ nói riêng nên mối quan hệ một - một (một cô một trò) là chìa khóa quan trọng trong can thiệp trị liệu cho trẻ phù hợp. Bởi mỗi trẻ có đặc điểm và hành vi ở ngưỡng nặng nhẹ khác nhau khi mắc tự kỷ.

“GV dạy trẻ phổ tự kỷ trong trường học không phải là người trông trẻ bình thường mà còn là người hướng dẫn, dạy trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để hình thành kỹ năng sống và nhân cách. Các em hằng ngày đi học, tiếp xúc với các cô nên mọi cử chỉ, hành động của cô đều in hằn trong tâm trí trẻ. Vậy nên cô giáo phải là một hình mẫu để trẻ học theo, không thể là một người thiếu nhân cách, nóng nảy, cộc cằn, cư xử nhất thời. GV cần yêu quý trẻ em thật sự và tình yêu ấy xuất phát từ trái tim, họ sẵn sàng biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên và chân thành nhất”.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trong thời kỳ mẫu giáo, điều quan trọng nhất là cần tạo ra môi trường hòa nhập tốt, giúp trẻ phổ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp. Một nhân cách tốt sẽ nảy nở trong một môi trường thân thiện. Đó là thông điệp về xây dựng môi trường thân thiện trong can thiệp khó khăn trong giao tiếp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.

Trong xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì những người làm công tác giáo dục đặc biệt càng phải là tấm gương sáng trong cử chỉ, lời nói, hành vi, trang phục. Sự tự học và sáng tạo ấy càng cần được thể hiện, phải có một lối sống thật thà xuất phát từ cuộc sống chân thực và tâm lý sâu sắc. Điều này không phải tự nhiên mà có; nó càng không thể xây dựng trên nền tảng tâm hồn, trí tuệ nghèo nàn nhưng là kết quả của một quá trình nhận thức và rèn luyện không ngừng của bản thân. Giúp trẻ phổ tự kỷ có khả năng hòa nhập là nhiệm vụ quan trọng trong các cơ sở GD chuyên biệt và các bậc cha mẹ trẻ.

ThS Đỗ Thị Thủy cho rằng, xây dựng mối quan hệ tình cảm, thân thiện giữa GV và trẻ là cái đẹp nhân bản kết tinh từ những tinh hoa của nhân loại, từ đó tạo ra mối quan hệ lành mạnh giữa trẻ với nhau. Đây chính là nền tảng vững chắc nhất để duy trì sự tồn tại và phát triển xã hội. Chúng ta phải làm thế nào để có một trái tim nhân hậu của người mẹ hiền?

Tâm hồn con trẻ như tờ giấy trắng, trẻ sẽ vẽ lên, bắt chước và in vào tâm trí tất cả những gì đã thấy những công việc người lớn đã làm. Trẻ làm theo những gì người lớn làm chứ không làm những gì người lớn nói. Vì vậy, cần tạo cho trẻ một tâm lý tin cậy, mong muốn chia sẻ, gần gũi giữa cô và trẻ; luôn cư xử với thái độ ân cần, niềm nở, biết lắng nghe, trò chuyện, vui chơi, chia sẻ cảm xúc…

“Đối với GV chuyên biệt thì việc xây dựng một môi trường thân thiện trong quá trình can thiệp, được ví như là những cánh hoa thơm lan tỏa về muôn nẻo đường, những tình cảm tốt đẹp đối với trẻ thơ là những ấn tượng khó quên trong lòng mỗi trẻ em” - Th.S Đỗ Thị Thủy chia sẻ.

Tác giả bài viết: Lê Đăng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944