Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Giáo viên cắm bản - những chuyện chưa kể

Giáo viên cắm bản - những chuyện chưa kể
GD&TĐ - Trên những đỉnh núi cao, nơi bản làng quanh năm mây phủ, có những thầy cô giáo đang bền bỉ bám bản, bám trường, gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Để mang tri thức đến với học trò, nhiều thầy cô đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn vì học trò thân yêu.

Trắng đêm đốt lửa sưởi ấm

Khi những cành đào bắt đầu chớm nụ, chúng tôi trở về Ba Bể, Bắc Kạn. Hành trình lên điểm trường Đán Mẩy (Trường PTCS Nam Mẫu, Ba Bể) thật gian nan. Mất 1 giờ đồng hồ ngồi trên thuyền ngược theo dòng hồ Ba Bể đến chân thác Đầu Đẳng, sau đó đi bộ theo đường rừng lên tận ngọn núi cao nhất. Đoạn đường rừng lúc thì đá ghềnh lởm chởm, đoạn thì đất đỏ trơn trượt. Hai tiếng đồng hồ “đánh vật” cùng con đường trên chiếc xe máy, cuối cùng thôn Đán Mẩy cũng hiện ra trước mắt với những nếp nhà lợp fibro xi-măng nằm chênh vênh trên đỉnh núi, sát bên những ruộng lúa bậc thang đã được bà con thu hoạch.

Đán Mẩy là thôn đặc biệt khó khăn của xã Nam Mẫu. Thôn có 67 hộ với hơn 400 nhân khẩu là 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống từ nhiều năm nay. Mặc dù các hộ đã về đây định canh, định cư những năm 90 của thế kỷ trước, song cuộc sống của bà con vẫn còn không ít khó khăn. Cách đây nửa năm, nơi đây vẫn “ba chưa”: Đường bê tông, nước sạch, điện lưới quốc gia.

Điểm trường Đán Mẩy cũng không khấm khá, giàu có hơn thôn nghèo Đán Mẩy. Chiếc trống là đồ chơi duy nhất trong trường. Những đứa trẻ cũng chẳng tha thiết mấy với việc học. Hàng tháng, các cô giáo của trường vẫn phải thường xuyên đến từng nhà vận động các em đi học.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bắc Kạn, cô giáo Ban Thị Hòa về nhận công tác ở điểm trường Nà Bản, Trường Tiểu học Nam Mẫu. Nhiều năm dạy học ở các điểm trường, đây là năm thứ 3 cô gắn bó ở điểm trường Đán Mẩy.

Giáo viên cắm bản - những chuyện chưa kể - Ảnh minh hoạ 2
  • Các cô giáo ở điểm trường Đán Mẩy trong bộ áo dài được tặng

Điểm trường Đán Mẩy có 158 em đang học bậc tiểu học và mầm non (84 học sinh mầm non) thuộc hai thôn Nà Phại và Đán Mẩy với 11 giáo viên đứng lớp. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, các lớp chủ yếu được xây dựng bằng cột gỗ bưng ván, lợp fibro xi-măng. Nhà ở của 11 thầy cô giáo là căn phòng chung cũng được làm bằng gỗ, bưng ván… mùa hè con đỡ, mùa đông mưa phùn, gió rét thổi vào rất lạnh. Đêm chả ai ngủ được phải dậy đốt lửa sưởi qua đêm…

Mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều chung 1 cái khổ là xa gia đình, xa con cái, đường sá đi lại vất vả, khó khăn. Nhiều cô giáo lập gia đình rồi lên đây dạy học, mấy khi được hưởng những giây phút ấm áp bên chồng con. Cô Hòa cho biết: Có khi thời tiết mưa phùn cả tháng, đường đất trơn trượt, các cô phải ở lại trường không về thăm nhà được. Có người chồng hiểu chia sẻ khó khăn, có người chồng dọa bỏ đi lấy vợ khác. Nhưng biết sao được khi mình đã đi theo nghề này...

Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào nương ngô, rẫy sắn nên còn thiếu thốn. Học sinh đến trường mong manh trong những tấm áo lấm lem. Có em đến trường còn mùi hôi bởi không bao giờ biết tắm rửa – Cô Hòa tâm sự. Công việc đầu tiên của các cô giáo là tắm rửa, chải đầu, vệ sinh và dạy cho lũ trẻ bỏ thói quen dùng tay quệt mũi. Vừa dạy học cho các em, vừa giúp các em vệ sinh, hướng dẫn các em từng li từng tí. Nhưng cũng chỉ vài hôm, đám học trò đôi khi vì đường xa, không đến lớp, cô giáo lại lặn lội đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến lớp thường xuyên.

Khổ vì tục bắt vợ

Cô Hòa cho biết: So với đời sống đồng bào ở đây, nỗi vất vả của chúng em cũng chưa thấm gì. Đã theo nghề dạy học thì cần nhất là giữ chân học sinh. Nếu giáo viên không cắm bản thì các em sẽ bỏ học hết. Chúng em không ngại khó, chỉ mong sao nhận được thêm nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các nhà hảo tâm thì cuộc sống của các em học sinh sẽ đỡ khó khăn đi rất nhiều.

Giáo viên cắm bản - những chuyện chưa kể - Ảnh minh hoạ 3
Cô và trò Trường PTCS Nam Mẫu 

Cùng đi trong chuyến hành trình về điểm trường Đán Mẩy, cô giáo Ma Thị Chuyên, Hiệu trưởng Trường PTCS Nam Mẫu cho biết: Trường PTCS Nam Mẫu có 4 điểm trường gồm Đán Mẩy, Nà Nghè, Khau Qua, Bản Cám. Cứ đến dịp cuối năm, công việc của thầy cô giáo ở Nam Mẫu lại bận rộn hơn. Ngoài dạy học, thầy cô kiêm thêm việc đi vận động học sinh đến trường vì cứ đến cuối năm, người Mông bước vào mùa bắt vợ. Tục tảo hôn đến giờ vẫn chưa xóa bỏ được hoàn toàn trong các bản người Mông, nên học sinh THCS bán trú cuối tuần về nhà, thứ Hai không quay lại lớp là chuyện thường thấy. Thầy cô giáo đến tận nhà mới biết bố mẹ bắt ở nhà lấy vợ, lấy chồng.

“Phải tìm mọi cách vận động để học sinh quay lại lớp, nhất là đối với học sinh nữ. Vì học sinh nam có khi còn theo học tiếp được, chứ học sinh nữ mà bị ép lấy chồng thì cơ hội học hành coi như chấm hết, phải ở nhà thực hiện nghĩa vụ với gia đình chồng”, cô Chuyên kể. Đến nhà vận động cũng phải tìm đủ cách để chở được học sinh đến trường luôn, chứ nếu nghe lời phụ huynh bảo “vài ngày nữa cho con xuống trường”, thế nào cũng mất hút, thầy cô lại phải lặn lội đến nhà lần nữa.

Giáo viên cắm bản - những chuyện chưa kể - Ảnh minh hoạ 4
 Học sinh Trường Mầm non Nam Mẫu

Trải nghiệm cuộc sống của đồng bào vùng cao, đến thăm những bản làng người dân tộc thiểu số mới thấu hiểu sự thiếu thốn, nỗi khổ sở của họ. Và càng khâm phục hơn những giáo viên tại các điểm trường miền núi đã đối mặt với khó khăn, vất vả vì sự nghiệp cao cả “cõng chữ” lên non cao. Không thể đếm được những bước chân băng rừng vượt núi của họ, những hi sinh to lớn khi chọn những nơi điểm trường xa xôi để cống hiến. Tất cả họ đều vì khát vọng mang ánh sáng tri thức đến những bản làng vùng cao.

Để con chữ nảy mầm

Chia tay Đán Mẩy, chúng tôi về điểm trường Nà Nghè. Dân cư thôn Nà Nghè chủ yếu là dân tộc Dao và Mông, trong đó dân tộc Mông chiếm tỉ lệ lớn.

Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nên đời sống gặp nhiều khó khăn, 100% là hộ nghèo; Trình độ dân trí thấp và không đồng đều, nhận thức còn hạn chế. Các thôn bản cách xa nhau, cư dân thưa thớt sống chủ yếu tại ven sườn đồi. Từ trung tâm thị trấn huyện đến điểm trường khoảng trên 55km với đường gồ ghề, ven núi đồi và vực sâu, trong đó khoảng 6km chỉ đi bộ theo đường lối mòn. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì trơn trượt.

Tiếp chúng tôi, thầy giáo Triệu Đình Hiếu, người gắn bó với điểm trường Nà Nghè 4 năm cho biết: Điểm trường Nà Nghè có 4 thầy cô tiểu học và 1 giáo viên mầm non. Đây là điểm trường kết hợp giáo dục mẫu giáo và tiểu học. Đóng trên địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, những lớp học nơi này vươn mình trong gió thổi lồng lộng từ núi xuyên qua các tấm ván thưng tạm. Đứng trong lớp học, tiếng đánh vần của học sinh lớp bên này thỉnh thoảng lại bị chen ngang bởi tiếng giảng bài của lớp bên kia bởi hai lớp học chỉ ngăn cách nhau bằng hai ba tấm ván mỏng.

Giáo viên cắm bản - những chuyện chưa kể - Ảnh minh hoạ 5
 Học sinh Trường PTCS Nam Mẫu

Theo thầy Hiếu, nếu như ở thành phố, các em 4 - 5 tuổi là đã có thể học nhận biết mặt chữ, các con số thì ở đây việc quan trọng nhất đối với cô giáo là làm cho các em yêu thích lớp học, đồng thời dạy các em nói, nghe và hiểu được tiếng phổ thông.

“Để các em thường xuyên đến lớp học như ngày hôm nay, tôi chỉ có một phần công sức nhỏ thôi, đó là công sức của nhiều lớp thầy cô giáo đi trước đã bám trường, bám bản vận động người dân cho con em đi học. Các thầy cô giờ “hạnh phúc” rồi, vì trong bản đã có phong trào học, cha mẹ và các em học sinh đều có nguyện vọng cho con đến lớp. Sự hồn nhiên và đầy nhiệt huyết theo đuổi cái chữ của các em là động lực giúp các thầy cô thêm nghị lực, tình yêu để truyền dạy kiến thức cho những đứa trẻ vùng cao”, thầy Hiếu tâm sự.

Mình ngày xưa đi học cũng giống các em. Thôi thì khó thật, nhưng cố gieo mầm chữ ở đây, mai mốt nó sẽ chồi lên thành lá, các em sẽ có người được đi dạy học như mình.

 
Thầy giáo Triệu Đình Hiếu

Ở nơi này, chuyện các em bỏ học là điều bình thường, đặc biệt khi vào vụ măng hay mùa rẫy. Các em phải theo bố mẹ đi làm rẫy, hay lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Trước đây, ngoài chuyên môn giảng dạy, các thầy cô còn phải phân công nhau ngoài giờ lên lớp để đi đến từng hộ gia đình vận động các em học sinh đi học lại. Có những gia đình ở xa bên kia núi, thầy cô phải lội bộ cả ngày đường để đi tìm học sinh.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất mà các giáo viên đang công tác tại đây gặp phải là những lúc trời ở đây đổ mưa, sương mù dày đặc, khiến phòng học không có điện, tối om. Những lớp học cũ kỹ, không cửa chắn, không còn đủ sức để che chở cho các cháu. Chưa kể, trình độ học sinh ở đây không có sự đồng đều, để học sinh tiến bộ, các thầy cô còn tự nguyện dạy kèm để các em tiến bộ.

Những năm gần đây, chuyện dạy và học đỡ vất vả hơn. Tháng 1/2018, bản Nà Nghè có điện lưới, tỷ lệ học sinh ra lớp chuyên cần hơn. Thầy, cô giáo lên đây lâu năm phần nào hiểu được ngôn ngữ của đồng bào nên học sinh đỡ bỡ ngỡ, nhận thức tốt hơn và chất lượng từng bước được nâng lên.

Thật khó có thể nói hết những khó khăn và vất vả của những thầy cô giáo vùng cao, vượt lên gian khó, họ vẫn đang từng ngày cần mẫn ở những bản làng vùng cao để gieo mầm cho những ước mơ. Bằng sự tận tâm, tận lực của mình, họ đã và đang làm cho con chữ dần nảy mầm trong đá.

Tác giả bài viết: Lê Đăng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944