Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Hiệu trưởng - người truyền lửa

GD&TĐ - Xu thế đổi mới GD&ĐT hiện nay đang đặt lên vai những người hiệu trưởng một nhiệm vụ nặng nề bởi việc đổi mới không chỉ giới hạn trong chương trình mà còn là về cách quản lý, cách làm việc, điều hành. Ở đó, người hiệu trưởng được ví như một thuyền trưởng để điều khiển con tàu vươn ra biển lớn…
Hiệu trưởng - người truyền lửa

Hay nói cách khác, hiệu trưởng chính là nhân tố quan trọng dẫn dắt hoạt động dạy và học hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục (GD) ở mỗi nhà trường. Trước xu hướng chung của thế giới và trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, ngành GD phải chuyển mình để đáp ứng những yêu cầu mới, cụ thể hơn là mỗi hiệu trưởng phải làm thế nào để nhà trường vừa đáp ứng được những mong đợi từ phía xã hội lại vừa đáp ứng những yêu cầu từ cán bộ, GV và HS.

Tài và đức:

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, người hiệu trưởng phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí như: có phẩm chất chính trị tốt; có hiểu biết về luật pháp, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; có năng lực quản lý; có tác phong làm việc khoa học, có khả năng tập hợp, xây dựng được tập thể sư phạm đoàn kết; biết xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt việc tốt, nét đẹp trong cuộc sống hàng ngày của GV và HS; tôn trọng quy chế dân chủ và lấy quy chế dân chủ làm chỗ dựa cho công tác quản lý. Đồng thời, hiệu trưởng phải có năng lực chuyên môn tốt, phải có khả năng quản lý kinh tế, có trình độ tin học và ngoại ngữ nhất định, nếu không, trong thời kỳ hội nhập khó mà nói đến chuyện ứng dụng hiệu quả CNTT và tận dụng cơ hội để hiện đại hóa GD thông qua sự hợp tác quốc tế. Nói cách khác, hiệu trưởng đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí đó, là người vừa có tâm vừa có tầm, có chí và là người được đại đa số cán bộ, GV nể phục. Nể vì đức độ, vì sự gương mẫu, vì lối sống và cách đối nhân xử thế, vì cái tâm của hiệu trưởng; phục vì năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, cách điều hành, xử lý thông tin nhất là trong bối cảnh nền GD Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Trên cơ sở đó, trước hết hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của nhà trường. Với vai trò thủ trưởng, hiệu trưởng phải thường xuyên nắm thông tin và có những quyết định kịp thời, không để những hiện tượng thiếu trách nhiệm, phản sư phạm xảy ra hoặc tiếp diễn làm tổn hại đến chất lượng GD thế hệ trẻ. Hiệu trưởng phải là nhà giáo hết lòng yêu mến trẻ, sẵn sàng cống hiến trí tuệ và sức lực của mình cho việc đào tạo thế hệ trẻ của địa phương thành những người kế tục sự nghiệp của Đảng. Không những thế, hiệu trưởng còn là người xây dựng mối quan hệ tốt với địa phương, trên cơ sở đó làm công tác vận động toàn xã hội tham gia sự nghiệp GD. Ngoài ra hiệu trưởng là người lãnh đạo cấp cơ sở trong sự nghiệp GD và càng ở cấp cơ sở thì chức năng tổ chức thực hiện càng phong phú. Đó là có đầu óc tổ chức, có sự đồng cảm hay nhạy cảm về tổ chức, có sự khéo léo trong đối xử, có khả năng cảm hóa con người. Hiệu trưởng cần lôi cuốn các GV đi vào nghiên cứu khoa học GD làm cho GV thấy công việc giảng dạy bớt đơn điệu có thêm sức hấp dẫn và thấy được niềm vui sáng tạo trong nghề nghiệp.

Thế nào là một hiệu trưởng giỏi?

Trước hết, một hiệu trưởng giỏi phải có xuất phát điểm là một GV giỏi và một GV giỏi được đánh giá trên 3 cơ sở. Giỏi về chuyên môn, vững vàng trong nghiệp vụ giảng dạy cả chiều rộng và chiều sâu. Một GV giỏi phải là GV dạy giỏi, có phương pháp giảng dạy thích hợp, linh hoạt và hiệu quả đối với nhiều đối tượng HS khác nhau. Khi giảng dạy không áp đặt nhận thức mà luôn có sự khơi gợi nhằm phát triển tư duy của HS. Người GV dạy giỏi phải luôn có sự đào sâu trong suy nghĩ để tìm ra những phương án giảng dạy tích cực, luôn giải quyết tốt các tình huống sư phạm phát sinh trong quá trình giảng dạy. Một người GV giỏi phải có kết quả giảng dạy tốt, có hiệu quả đối với HS. Do đó hiệu quả học tập của HS là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một GV giỏi.

Thứ hai, một hiệu trưởng giỏi phải là một nhà lãnh đạo giỏi, luôn có tầm nhìn cao hơn đồng nghiệp của mình. Người hiệu trưởng phải hiểu cấp dưới của mình mong muốn điều gì, đánh giá đúng khả năng và năng lực chuyên môn của họ để từ đó có những chỉ đạo thích hợp.

Thứ ba, hiệu trưởng phải là một nhà quản lý. Một là quản lý về chuyên môn, hai là quản lý về mặt nhân sự - con người. Để quản lý về chuyên môn, hiệu trưởng phải có khả năng bao quát các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ sư phạm trong quá trình giảng dạy. Bao quát kiến thức để từ đó định hướng phân bổ nội dung giảng dạy ở từng bộ môn cho thích hợp trên cơ sở chương trình GD và học tập chung của Bộ GD&ĐT. Để quản lý về mặt nhân sự - con người, người hiệu trưởng phải đặt ra các chuẩn mực chung cho hoạt động của cơ sở, đánh giá đúng khả năng và vai trò của từng GV để sắp xếp công việc hợp lý. Từ đó giải quyết tốt các tình huống phát sinh trong quá trình hoạt động.

Vai trò của hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần mà trước hết họ còn phải là nhà GD vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học GD. Do đó hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn đầu hội đồng sư phạm mỗi nhà trường mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ cán bộ, GV để mỗi nhà giáo hoàn thành trọng trách của mình. Hiệu trưởng chứ không phải ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo đều thành công trong sự nghiệp đổi mới GD.

Tác giả bài viết: Th.S Ninh Thị Thúy (Chuyên viên Phòng GD&ĐT Quận Phú Nhuận - TPHCM)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944