Đại học Trà Vinh - DVT

https://tuyensinh.tvu.edu.vn


Hình phạt trong giáo dục: Hiểu thế nào cho đúng?

Hình phạt trong giáo dục: Hiểu thế nào cho đúng?
GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ và ngay cả thầy cô giáo thường cho rằng: quát, mắng, đánh là hình phạt. Tuy nhiên, những "hình phạt" này mỗi khi được áp dụng để điều chỉnh hành vi chưa đúng của trẻ đều bị phản đối. Vậy, trong giáo dục, hình phạt có cần thiết không và nên hiểu thế nào cho đúng?

Lớp học cũng cần xây dựng "khung pháp lý"

Theo phân tích của TS. Vũ Thu Hương: Hình phạt là 1 phần trong nghệ thuật thưởng phạt, đặc biệt đối quá trình giáo dục học sinh, nó giống như quy định của pháp luật. Sai cái gì - phạt thế nào?. Thông thường các hình thức phạt được quy định rất rõ ràng cho từng hành vi phạm lỗi.

Ví dụ đối với trẻ mầm non:

Nếu con vứt rác lung tung - con sẽ phải dọn dẹp lớp học, quét và lau chùi cả lớp.

Nếu con nghịch ngợm phá phách - con sẽ phải tập thể dục 1 lúc cho xả bớt năng lượng.

Nếu con đi học muộn mà không có lý do chính đáng - con sẽ phải ở lại lớp trong khi các bạn được tham gia các hoạt động ngoài lớp học.

Nếu con trêu chọc bạn - con sẽ phải đứng nhìn các bạn chơi 1 trò chơi hết sức thú vị (trẻ nào cũng thích) mà không được chơi.

Ngoài ra, khi học sinh gây lỗi chưa nằm trong khung phạt theo quy định thì cô giáo có thể áp dụng hình thức: úp mặt vào tường, tập thể dục, ... tùy theo. Nếu cô giáo làm sai, cô giáo cũng bị phạt. Chính điều này tạo ra sự công bằng trong ứng xử trước luật lệ, quy định và khiến cả học sinh và giáo viên đều phải nỗ lực để không bị phạm luật và không bị phạt.

Tại sao cần "hình phạt" trong giáo dục trẻ?

Xưa nay, áp dụng hình phạt đối với học sinh là cần thiết để điều chỉnh hành vi của học trò nghịch ngợm, tuy nhiên việc sử dụng hình phạt như thế nào vừa không xúc phạm đến danh dự, thân thể của học sinh, vừa mang tính giáo dục, đó mới là quan trọng.

Cần khẳng định, quát, mắng, đánh... là những hành vi "bạo lực" nhưng hiện nay không khó bắt gặp trong các gia đình hay ở các trường học.

Theo TS. Vũ Thu Hương: “Các mức độ tăng nặng của các hành vi (quát, mắng, đánh) thường được quen miệng gọi là "hình phạt" này bắt đầu từ việc người lớn sử dụng lời nói để điều khiển trẻ. Trẻ không nghe lời, không thực hiện thì nói lại và nói to hơn. Trẻ vẫn không nghe thì quát. Trẻ có thái độ hoặc vẫn bướng bỉnh thì... mắng... và cuối cùng là đánh. Rõ ràng, đây là bạo hành, nó hoàn toàn không phải là hình phạt và chắc chắn không có giá trị giáo dục”.

Có lẽ chính bởi vậy mà biện pháp này thực chất chỉ mang tính trả thù, trút giận, làm “cho bõ tức” và là hành vi phản giáo dục. Nó sẽ gây ức chế thêm cho tất cả những người trong uộc và người chứng kiến sự việc. Các thầy cô và cha mẹ sẽ cảm nhận rõ sự bất lực của chính mình sau hành vi quát, mắng, đánh học sinh hay con cái mình.

Với những hành động mang tính tiêu cực như vậy, nếu bị áp dụng thường xuyên sẽ khiến bọn trẻ ban đầu ngơ ngác, chẳng hiểu gì, nhưng lâu dần sẽ trở nên trơ lì ra và càng ngày càng khó bảo hơn.

“Hai cách làm khác nhau - hai hậu quả khác nhau. Rõ ràng, hình phạt có giá trị rất cao trong giáo dục nhưng khi hình phạt là quát tháo, đánh, mắng thì không hề phát huy hiệu quả, thậm chí còn gây tác dụng ngược. Bởi vậy, nếu hình phạt được xây dựng và thực hiện nghiêm túc theo hướng “kỷ luật tích cực”, chắc chắn trẻ sẽ hiểu, tuân thủ, ngoan ngoãn và trưởng thành hơn sau mỗi lần bị phạt.”, TS. Vũ Thu Hương

Tác giả bài viết: Kim Thoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944